Bạn cần biết

Ba đề xuất giáo dục "táo bạo" hút dư luận

16/12/2017, 15:13

Giải tán phòng giáo dục quận/huyện, cải tiến tiếng Việt, bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi SGK... là những đề xuất táo bạo...

bo-phong-gd

Đề xuất giải tán phòng giáo dục quận, huyện lấy tiền tăng lương giáo viên của thầy giáo Bùi Nam nhận được sự đồng tình của nhiều người trong ngành. Ảnh minh họa

Giải tán phòng giáo dục quận/huyện

Mới đây, thầy Bùi Nam – một nhà giáo tâm huyết đã đề xuất nên giải tán phòng giáo dục quận, huyện để lấy tiền tăng lương cho giáo viên. Ngay sau khi kiến nghị này được đăng tải, nhiều người bày tỏ đồng tình.

Thầy Nam phân tích: tính chung trên cả nước, cán bộ quản lý từ mầm non đến THPT là 103.821/ 822.454 viên chức (chiếm 12,6%). Con số này chưa kể đến lực lượng viên chức tăng cường về thực hiện nhiệm vụ tại sở/phòng GD nhưng vẫn nhận lương tại các trường.

Việc tăng lương cho giáo viên như dự thảo Luật Giáo dục là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để giáo viên toàn tâm, toàn ý chăm lo cho giáo dục và đổi mới giáo dục. Nhưng không thể tăng lương khi mà lực lượng biên chế ngành quá nhiều, nhiều cán bộ quản lý nhưng làm việc không hiệu quả, dư thừa.

Chưa kể mới đây, nhiều cán bộ công tác ở cấp phòng, sở giáo dục còn đồng loạt kiến nghị cần tăng lương và phụ cấp cho đội ngũ cán bộ quản lý.

Từ đó, thầy Nam góp ý: Cần giải tán các phòng giáo dục ở các huyện, quận trong cả nước, thay vào đó tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường.

photo1512963282813-1512963282813

PGS.TS Bùi Hiền đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt.

Cải tiến tiếng Việt

Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt mà PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đưa ra trong cuốn sách vừa xuất bản gây nhiều tranh cãi.

PGS.TS Bùi Hiền cho rằng, trải qua gần một thế kỷ đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư. Theo đó, cách viết chữ tiếng Việt: "giáo dục" phải viết là "záo zụk", "nhà nước" là "n"à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"...

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho rằng để đưa một đề xuất liên quan vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ.

Bộ GD-ĐT không đủ thẩm quyền và không dự kiến áp dụng bất cứ phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Tổng thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam và đương kim Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bình luận đề xuất cải cách của PGS Bùi Hiền:

"Nếu cải tiến chữ Quốc ngữ theo đề xuất này thì các học giả sẽ trở thành người vừa đọc vừa đánh vần, viết sai chính tả, phải đi học lại từ đầu; tất cả các tài liệu khoa học sẽ thành văn bản cổ, chỉ các nhà nghiên cứu về chữ cổ mới có thể đọc được."

"Đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ nếu được chấp nhận sẽ làm cho hàng chục triệu người lao động phải học lại từ đầu, hàng chục triệu tài liệu phải in lại, như vậy thì sẽ tốn giấy mực và thời gian hơn nhiều."

2_36007

Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền cho rằng nên loại bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi SGK.

Bỏ tác phẩm "Chí Phèo" khỏi Sách giáo khoa

Ngày 5/12, Vietnamnet đăng tải bài viết của anh Nguyễn Sóng Hiền, hiện là nghiên cứu sinh Trường ĐH Newcastle (Australia), trong đó cho rằng nên loại bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi SGK để tránh tác động xấu đến mặt nhận thức của học sinh.

Theo anh Hiền, nhân vật Chí trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao đơn giản chỉ là một đứa trẻ không được giáo dục, và không thể là đại diện hay điển hình cho một tầng lớp nào trong xã hội mà Chí đang sống.

Những diễn biến tâm lý, hành vi của Chí chỉ như những đứa trẻ cùng hoàn cảnh ở bất kỳ xã hội nào khác. Vì vậy, không thể quy chụp rằng Chí Phèo bị xã hội phong kiến lưu manh hoá, hay bị cường hào ác bá làm hại.

Số phận của Chí là một số phận đáng thương, vì khi sinh ra đã phải chịu thiệt thòi và bất công. Nhưng chúng ta cũng kịch liệt phê phán và phản đối những hành vi lưu manh, thú tính của hắn. Và ngay cả việc giết Bá Kiến sau khi uống rượu say cũng là một hành động không thể dung thứ.

Sau khi bài viết được một báo mạng đăng tải và nhiều trang mạng dẫn lại, quan điểm của tác giả đã khiến dư luận “dậy sóng”, trong đó giới giáo viên dạy văn trong các trường phổ thông là những người bộc lộ phản ứng mạnh mẽ nhất. Một nhà giáo đã nghỉ hưu ở Hà Nội bình luận: “Nhận thức văn học khen chê nó phụ thuộc vào khả năng nhận thức của từng người, nhưng phải xét vào lịch sử sự ra đời của tác phẩm ấy”.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (ĐH Sư Phạm Hà Nội) cho rằng, việc loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa phổ thông là không nên.

"“Chí Phèo”- một các phẩm tuyệt vời như thế, sao lại cách ly với học sinh?", bà Hương nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.