Chuyện dọc đường

Ba điều kiện để “đã uống không lái”

Có 3 điều kiện tiên quyết để người dân thực hiện được “Đã uống rượu bia không lái xe”.

img

Tình trạng người dân uống rượu, bia điều khiển phương tiện còn xảy ra khá phổ biến trong dịp Tết Tân Sửu (Trong ảnh: CSGT kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện, ảnh minh họa)

Thứ nhất là tuyên truyền phổ biến có hiệu quả để người dân nắm được quy định pháp luật, biết chế tài xử phạt hành vi uống rượu bia lái xe. Bên cạnh đó gắn với tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm của lực lượng chức năng. Đồng thời, có phương tiện vận tải công cộng thay thế như xe ôm, taxi, xe buýt...

Thực tế cho thấy, nơi nào mà 3 yếu tố này được thực hiện đồng bộ thì sẽ rất hiệu quả. Ba yếu tố này cấu thành điều kiện tương đối toàn diện để người dân đã uống rượu bia không điều khiển phương tiện. Hay nơi nào chỉ cần có 2 trong 3 yếu tố là tuyên truyền tốt, xử lý nghiêm cũng vẫn mang lại hiệu quả.

Thực tế hiện nay vào ngày lễ Tết, tại các đô thị lớn có nhiều loại hình vận tải, có xe ôm, taxi, xe buýt thuận tiện cho người dân có sự lựa chọn phương tiện thay thế, tình trạng vi phạm uống rượu bia lái xe giảm đáng kể.

Bằng chứng là qua đợt kiểm tra ATGT dịp Tết tại Hà Nội, TP Sơn La hay Điện Biên, Hòa Bình, lực lượng chức năng xử lý rất nghiêm, cùng với đó là phương tiện thay thế ở những địa phương này rất đa dạng nên đã mang lại hiệu quả.

Có thể nói, dịp Tết thì vi phạm nồng độ cồn nhiều không phải ở thành thị mà là ở khu vực nông thôn.Vào ngày Tết, người dân tại các thành phố đổ về quê ăn Tết, cùng với đông đảo người dân ở đây thì khu vực này luôn nóng về ATGT.

Thực tế là tại các vùng quê, vùng nông thôn không có các loại phương tiện thay thế, đặc biệt lại không có lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thì dù có biết quy định, người dân vẫn vi phạm.

Những ngày Tết về các vùng quê, rất khó để gặp bóng dáng của lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ATGT, nhất là vi phạm uống rượu, bia lái xe.

Vì vậy có thể thấy, đang có sự buông lỏng nhất định. Hay chính bản thân lực lượng chức năng có tâm lý nếu xử phạt trong khi không có xe ôm, taxi sẽ làm khó cho người dân và sợ bị người dân phản ứng.

Vì vậy, cần đánh giá lại và tăng cường vai trò của lực lượng này. Đặc biệt là trong dịp cao điểm lễ, Tết phải giao nhiệm vụ cho họ tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm.

Theo chỉ đạo là phải tăng cường lực lượng về vùng nông thôn dịp lễ, Tết nhưng chỉ đạo này có thực sự được triển khai hay không; Hay có triển khai nhưng có hiệu quả đến đâu cũng cần đánh giá.

Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý chống đối, đối phó. Có những người sống ở thành phố rất tuân thủ nhưng khi về quê thì lại như “chim sổ lồng”.

Bởi họ không nhìn thấy bóng dáng của lực lượng chức năng nên thấy vi phạm là bình thường. Nếu xử phạt nghiêm, người dân sẽ nghĩ đến chuyện tìm phương tiện thay thế hay nhờ người thân đưa đón khi phải uống rượu bia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.