Hàng không

Ba hãng hàng không suy kiệt nợ tới 36 nghìn tỷ đồng, gỡ khó cách nào?

27/06/2021, 08:02

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không VN vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất một số giải pháp khẩn cấp.

img

Tình hình tài chính, kinh doanh của các hãng hàng không nội địa đang hết sức "thê thảm"

Chi phí mỗi ngày cả trăm tỷ đồng

Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng không Bùi Doãn Nề cho biết, số nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đã lên tới 36.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng Vietnam Airlines 20.000 tỷ đồng.

Năm 2021, đợt bùng phát dịch lần 3 và 4 vào dịp cao điểm Tết và hè đã khiến doanh thu hàng không giảm sâu (riêng tháng 5 và 6 doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020), khiến các hãng càng suy kiệt. Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, ông Nề cho hay các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày. Các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng đã cạn kiệt, cơ hội tiếp cận vốn vay khó khăn, chi phí vay vốn cao.

Trước đó, trong năm 2020, doanh thu của các hãng hàng không Việt giảm trên 60% (khoảng 100.000 tỷ đồng). Số tiền nộp ngân sách cũng bị giảm tương ứng, trong khi năm 2019, các hãng hàng không nộp thuế, phí trực và gián tiếp trên 20.000 tỷ đồng. Lỗ từ hoạt động hàng không của 3 hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo lên tới 16.000 tỷ đồng.

Đề xuất nới lỏng chính sách cách ly với người đã tiêm đủ liều vaccine

84% số người được phỏng vấn sẽ không đi đến các quốc gia vẫn áp dụng chính sách cách ly.

Hiện Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia đã cho phép bay quốc tế không áp dụng cách ly đối với khách đã có hộ chiếu vaccine.

Nhiều hãng hàng không, ngành du lịch và kinh tế của nhiều quốc gia đang phục hồi, phát triển nhanh chóng do tiêm vaccine trên diện rộng và áp dụng hộ chiếu vaccine.

Trước thực trang trên, Hiệp hội vận tải hàng không đề nghị Chính phủ chỉ đạo nới lỏng quy định về đi lại, cách ly đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine; Từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với khách đã tiêm vaccine đầy đủ và có kế hoạch sớm triển khai khai thác trở lại các đường bay quốc tế.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Cục Hàng không VN cũng cho biết, việc sớm mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ là rất cấp bách. Đồng thời, Cục này cũng kiến nghị cơ chế áp dụng hộ chiếu vaccine với khách nhập cảnh.

Cũng theo Cục Hàng không VN, hiện Việt Nam chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai hộ chiếu vaccine tại Việt Nam cũng như đòi hỏi cần có những thỏa thuận liên quan ở cấp Chính phủ, liên bộ giữa Việt Nam và các nước để triển khai áp dụng đối với khách quốc tế nhập, xuất cảnh Việt Nam.

Thông tin thêm, Cục Hàng không cho hay: "Khái niệm “hộ chiếu vaccine", hay một loạt các khái niệm khác liên quan như "digital green pass", “green pass" có thể được hiểu là ghi chép về dữ liệu sức khỏe cá nhân, bao gồm tài liệu, giấy tờ chứng minh đã tiêm vaccine hay đã có chứng nhận xét nghiệm âm tính, được xác thực trên nền tảng số".

“Việc tiêm vaccine có thể phòng chống dịch bệnh về lâu dài tuy nhiên để có thể khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế thường lệ một cách nhanh chóng, cần ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc chứng nhận đã tiêm vaccine hoặc đã có xét nghiệm âm tính. Sử dụng hộ chiếu vaccine, kết hợp với việc hành khách có kết quả xét nghiệm PCR âm tính là giải pháp hữu hiệu để có thể khởi động lại thị trường vận tải hàng không quốc tế thường lệ”, lãnh đạo Cục Hàng không VN nói và cho biết, việc sử dụng dữ liệu điện tử sẽ hạn chế việc làm giả dữ liệu.

Ngoài việc đề nghị áp dụng hộ chiếu vaccine, Hiệp hội Vận tải hàng không cũng đề xuất mở rộng và thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không, cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần cho các hãng hàng không, căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóp góp cụ thể của từng hãng để hỗ trợ hãng thanh khoản.

Cùng đó, Hiệp hội này cũng đề nghị Chính phủ dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển.

Đồng thời, cho các doanh nghiệp hàng không nói chung được áp dụng mức lãi suất giảm 2% theo nghị quyết số 84 ngày 29/5/2020 cả Chính phủ.

Một số đề xuất khác được ông Nề nhắc đến gồm giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn cho các hãng hàng không. Cụ thể là, cho phép áp dụng mức giảm 70% thuế từ 3.000 đồng/lít Jet A1 xuống còn gần 1.000 đồng/lít cho các hãng hàng không đến 30/6/2022; Tiếp tục giảm giá, phí dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không…

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.