Chính trị

Ba lợi thế của tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Nói về tân Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân khẳng định "có thể kỳ vọng nhiều thay đổi trong việc chủ trì các công việc của Quốc hội".

img

Tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Quốc hội khoá mới sẽ chuyển biến về phong thái, cách thức làm việc

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, ông Vương Đình Huệ - người vừa được Quốc hội tín nhiệm cao bầu làm Chủ tịch Quốc hội là người có nhiều lợi thế. Thứ nhất, lợi thế của một nhà sư phạm, giúp cho công tác chủ trì các hoạt động của Quốc hội thuận lợi hơn bởi người có kỹ năng sư phạm luôn có sự bao quát, tổng kết và dung hòa, rất phù hợp với vai Chủ tịch Quốc hội.

Thứ hai là lợi thế là một nhà kinh tế. Chuyên ngành đào tạo của ông Vương Đình Huệ là một nhà kinh tế và ông đã trải qua các chức vụ rất quan trong bộ máy, từ Tổng Kiểm toán Nhà nước đến Bộ trưởng Tài chính, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế tổng hợp. Đây là lợi thế quan trọng để một vị Chủ tịch Quốc hội có thể quán xuyến được định hướng trong hoạt động của Quốc hội.

Lợi thế thứ ba là việc ông Huệ đã kinh qua vị trí Bí thư Thành uỷ một đơn vị hành chính đặc biệt là Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội tuy không lâu nhưng ông Huệ tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong tầm nhìn, tư duy chính sách.

"Về cá nhân, tôi thấy ông Vương Đình Huệ là con người dễ gần, chan hòa và rất nhẹ nhàng, uyển chuyển nên tôi có nhiều kỳ vọng khi ông chủ trì các hoạt động của Quốc hội, trực tiếp chủ tọa điều hành một số phiên họp của Quốc hội. Nhiệm kỳ tới, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Vương Đình Huệ, tôi kỳ vọng sẽ có sự chuyển biến phong thái làm việc của Quốc hội khóa mới", ông Vân nói và bày tỏ dự đoán: Tân Chủ tịch Quốc hội sẽ quan tâm đến lĩnh vực lập pháp.

"Với những bài học rút ra từ nhiệm kỳ này, tôi biết đồng chí Vương Đình Huệ khi thảo luận ở Quốc hội rất chú tâm, dường như đang ấp ủ những ý định nào đó để thay đổi phương thức hoạt động của Quốc hội tốt hơn. Tôi cho rằng lĩnh vực lập pháp sẽ có cách tiếp cận mới", ông Vân nói và dẫn ví dụ có thể có sự thay đổi trong chương trình làm việc của Quốc hội từng năm và cả nhiệm kỳ để khắc phục tình trạng đưa vào rồi lại rút ra các đạo luật; Tổ chức phương thức soạn thảo các đạo luật như thế nào để phù hợp với tính khách quan ngay từ khi soạn thảo luật để không có lợi ích nhóm chi phối.

Quan tâm đến hậu giám sát bởi đó mới là thực quyền của Quốc hội

Trong hoạt động giám sát tối cao, rõ ràng những bài học từ Quốc hội khóa XIV đã để lại những dấu ấn quan trọng, đó là lựa chọn vấn đề giám sát trúng với vấn đề bức xúc của xã hội, được dư luận cử tri nhân dân và ĐBQH quan tâm. Đây chính là hơi thở của cuộc sống mà Quốc hội phải bắt nhịp và từ đó thay đổi phương thức giám sát.

"Tôi nghĩ rằng tân Chủ tịch Quốc hội sẽ quan tâm đến hậu giám sát, đó mới là thực quyền của Quốc hội”, vị đại biểu đoàn Cà Mau nhấn mạnh.

Cuối cùng, theo đại biểu Lê Thanh Vân, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng sẽ có những chuyển biến.

Nói về áp lực với ông Vương Đình Huệ trong vai trò Chủ tịch Quốc hội, ông Vân cho rằng áp lực lớn nhất là làm sao vừa hoàn thành một nhiệm vụ chính trị, vừa hoàn thành vai trò của một nhân vật chính trị - pháp lý trên cương vị Chủ tịch Quốc hội.

"Với một nhân vật lão luyện như ông Vương Đình Huệ thì tôi thấy áp lực đó là không lớn. Điều quan trọng là sự tương tác của Chủ tịch Quốc hội với các đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, với cơ quan truyền thông và cử tri thế nào để nắm được tâm nguyện chung, đưa cuộc sống sinh động vào nghị trường, biến Quốc hội thành cơ quan thực sự phản ánh đúng ý chí nguyện vọng của người dân và cử tri cả nước. Và khi thực hành quyền hạn của mình thì thực chất, thực quyền", đại biểu Vân khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.