Hạ tầng

Ba “nhà” hưởng lợi từ hầm đường bộ BOT

07/04/2016, 07:49

Công trình đi vào khai thác đã phát huy hiệu quả giảm thiểu TNGT, rút ngắn thời gian đi lại cho các phương tiện.

11

Thi công mở cửa hầm và gia cố mái ta luy hầm Đèo Cả - Ảnh: Nhất Minh

Từ hiệu quả của hai dự án hầm xuyên núi trên QL1 đã được đưa vào khai thác là Hải Vân và Đèo Ngang, Bộ GTVT đã và đang chuẩn bị đầu tư xây dựng thêm nhiều hầm đường bộ khác qua Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Phước Tượng – Phú Gia, song hành với việc mở rộng các hầm Hải Vân và Đèo Ngang theo hình thức BOT.

Mô hình đầu tư tối ưu

Công trình hầm đường bộ có tổng mức đầu tư lớn nhất và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đang được triển khai trên tuyến QL1 là dự án hầm đường bộ Đèo Cả thuộc địa phận hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, dự án hầm Đèo Cả gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã và đường dẫn với tổng chiều dài hơn 13 km, quy mô toàn tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, tốc độ 80 km/h. Dự án được khởi công xây dựng cuối năm 2012 theo hình thức BOT kết hợp BT với tổng mức đầu tư ban đầu 15.603 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, do việc thu xếp nguồn vốn nước ngoài và thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC như dự kiến ban đầu bị chậm vì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhà đầu tư đã chuyển sang thực hiện toàn bộ bằng nguồn vốn trong nước.

Thông tin thêm với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, dự án mở rộng hầm đường bộ Đèo Ngang qua hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình theo hình thức BOT do Tổng công ty Sông Đà làm nhà đầu tư cũng dự kiến được triển khai trong tháng 8 tới.

Theo ông Mai, để nâng hiệu quả dự án, nhà đầu tư đã tiến hành thay đổi hình thức thực hiện, từ hợp đồng EPC sang hợp đồng xây lắp thông thường, lựa chọn nhà thầu xây lắp trong nước có đủ năng lực kết hợp với nhà thầu tư vấn nước ngoài (Nippon Koei), điều chỉnh thiết kế chiều dài hầm từ 5,7km xuống còn 4,12km, thay đổi giải pháp thiết kế vỏ hầm,…“Bằng việc thực hiện các giải pháp tổng thể trên, tổng mức đầu tư của dự án đã giảm xuống còn 11.378 tỷ đồng, giảm hơn 4.200 tỷ đồng so với con số được phê duyệt ban đầu. Điều quan trọng là những thay đổi này không làm giảm chất lượng công trình và còn rút ngắn được thời gian thi công”, ông Mai nói và cho biết thêm, số tiền tiết giảm của dự án đã được Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận để nhà đầu tư triển khai xây dựng hầm Cù Mông qua hai tỉnh Bình Định và Phú Yên.

“Dự án hầm Cù Mông được khởi công từ tháng 9/2015. Đây là mảnh ghép hoàn chỉnh cho toàn bộ dự án nâng cấp, mở rộng QL1. Khi xây dựng hầm Cù Mông, ngoài việc đảm bảo điều kiện giao thông tốt nhất cho người và phương tiện đi lại an toàn, công trình còn góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH cho hai tỉnh Bình Định và Phú Yên”, ông Mai nhấn mạnh.

Một công trình hầm đường bộ khác là dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm nhà đầu tư theo hình thức BOT cũng đang chuẩn bị được triển khai xây dựng với tổng mức đầu tư ban đầu 7.200 tỷ đồng. Hiện nay, Ngân hàng Vietinbank đã cam kết tài trợ vốn tín dụng cho dự án. Trong tháng 4 này, nhà đầu tư của dự án sẽ triển khai phần nâng cấp, sửa chữa ống hầm hiện tại. Dự kiến, tháng 7/2016, ống hầm thứ hai qua đèo Hải Vân sẽ được triển khai xây dựng.

“Tôi giơ hai tay ủng hộ”

Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban PPP (Bộ GTVT), trước đây, bằng nguồn vốn ODA, Bộ GTVT đã đầu tư xây dựng dự án hầm đường bộ qua đèo Hải Vân. Công trình hoàn thành và đi vào khai thác đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thiểu TNGT, rút ngắn thời gian đi lại cho các phương tiện. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nguồn vốn ODA và ngân sách Nhà nước rất khó khăn, Bộ GTVT đã kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các dự án hầm trên QL1 như: Đèo Cả, Phước Tượng – Phú Gia, Cù Mông, mở rộng hai hầm Hải Vân và Đèo Ngang theo hình thức BOT.

“Trên cơ sở tính toán lưu lượng phương tiện và phương án tài chính, các hầm đường bộ này rất khả thi khi thực hiện bằng hình thức BOT. Khi các dự án này được đưa vào sử dụng sẽ đem lại hiệu quả to lớn cho cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”, ông Huy nói.

Đánh giá về chủ trương xây dựng các dự án hầm đường bộ theo hình thức BOT, chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN đã thốt lên: “Quá tốt! Tôi giơ cả hai tay ủng hộ chủ trương này của Bộ GTVT”.

Theo ông Thanh, thời gian qua, các hầm đường bộ Hải Vân và Đèo Ngang đi vào khai thác tạo ra hiệu quả rất lớn cho các doanh nghiệp và chủ phương tiện vận tải trên tuyến Bắc – Nam trong việc giảm thời gian lưu thông, tăng năng suất vận tải, đặc biệt là đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối cho người và phương tiện so với việc phải di chuyển theo đường đèo. “Cái quan trọng nhất chính là việc các hầm đường bộ đảm bảo an toàn cho các phương tiện. Xe chạy đường đèo vô cùng nguy hiểm và các phương tiện còn khốn khổ vì TNGT nếu không có các tuyến hầm xuyên núi”, ông Thanh nói.

Bộc bạch về việc thời gian tới, trên tuyến QL1 sẽ có thêm hàng loạt các hầm đường bộ xuyên núi được đưa vào khai thác như: Phước Tượng – Phú Gia, Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, ông Thanh nhận định các hầm này được đầu tư bằng BOT, nên việc thu phí để hoàn vốn cho dự án là rất đúng đắn và hợp lý. “Nếu trông chờ ngân sách không biết bao nhiêu năm nữa chúng ta mới có thể xây dựng được các tuyến hầm xuyên núi. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc triển khai các dự án hầm xây dựng trên QL1 bằng hình thức xã hội hoá. Đặc biệt, tại các khu vực hầm đường bộ, chủ phương tiện vận tải đều có quyền đưa ra lựa chọn, nếu anh không muốn mất tiền thì đi đường đèo, còn anh đi vào đường hầm phải trả tiền là điều đương nhiên”, ông Thanh nhấn mạnh. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.