Chất lượng sống

"Bà tiên nghèo" 11 năm chăm sóc người bệnh HIV

08/03/2016, 09:34

Trong khi người dân tránh những người HIV/AIDS như tránh tà thì vẫn còn một người bỏ công việc chăm sóc như người thân.

DSC08531
Bà Bùi Thị Đông cố gắng giúp đỡ các bạn bị nhiễm HIV/AIDS có giây phút vui vẻ cuối đời

Chăm sóc hàng trăm "người con" nhiễm HIV

Một chiều đầu năm, sau nhiều lần liên hệ, chúng tôi đã được gặp bà Bùi Thị Đông - một "bồ tát" ngoài đời thực. Người phụ nữ hơn 11 năm chăm sóc cuộc sống cho những người mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS và cả khi họ đã... ra đi.

Tiếp chúng tôi tại căn nhà cũ kỹ ở phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội), bà Đông chia sẻ về gia đình, về người chồng bỏ đi do sợ tai tiếng và 3 đứa con cũng mắc AIDS trong đó một người đã rời xa bà mãi mãi.

Không chỉ chăm sóc cho 2 con bị căn bệnh thế kỷ giai đoạn cuối, bà Đông còn chăm sóc cho cả trăm bệnh nhân khác trong hơn 11 năm qua. Từ tình thương và nỗi đau với 3 người con, bà Đông đã giang tay chăm sóc cho nhiều số phận nghiệt ngã khác.

Người đầu tiên mà "mẹ Đông" nhận chăm sóc chính là anh Khương Văn Đức (1977, P. Nhật Tân), bị trại Nghệ An trả về vào năm 2000 với cơ thể đầy vết lở loét. Mặc kệ hàng xóm kỳ thị, bàn tán, bà vẫn chăm sóc anh như một người con của chính mình.

Mặc dù nhiều người nghi kị nhưng bà Đông vẫn tắm, cho Đức ăn trong 5 ngày cuối cùng của cuộc đời. Và khi Đức ra đi, bà Đông cũng tự tay khâm liệm.

Năm 2005, Ngân hàng Agribank hỗ trợ thành lập một câu lạc bộ sinh hoạt giữa những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở Nhật Tân. Và bà Đông cũng là người đầu tiên tham gia vào CLB “Hãy đến bên nhau” này.

Khi tham gia CLB, bà Đông không chỉ nhận chăm sóc những người nhiễm HIV mà còn tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về căn bệnh này. Những hành động của bà đã khiến nhiều người đã dần không còn kỳ thị những người không may mắc bệnh.

Tháng 9/2005, dự án kết thúc, bà Đông vẫn tiếp tục kiên trì theo đuổi công việc chăm sóc những người nhiễm HIV. 11 năm đã qua đi, có tới hàng trăm người được bà tận tình chăm sóc cho tới khi qua đời.

Trong những năm ấy, bà Đông không khỏi ngậm ngùi khi nhớ về Hiển (SN 1978, Tây Hồ). Được biết, Hiển là một thanh niên có hoàn cảnh rất đáng thương, vì chơi với bạn xấu mà lỡ bước.

Chứng kiến người nhà tỏ ra "ghê sợ" khi đốt quần áo của Hiển, bà Đông không khỏi đau lòng. Với bàn tay trần, bà Đông không ngại bế hay tắm cho Hiển. Và sau đó, Hiển thanh thản qua đời trong vòng tay bà.

Chia sẻ về công việc đầy "nguy hiểm" nhưng cũng rất nhân văn này, bà Đông nói: “Tôi và các bạn ấy như mẹ con, tôi giúp các bạn ấy được thoải mái những giây phút cuối cùng, bù lại tôi được thanh thản, động lực để tôi cố gắng sống tốt”.

Sự hi sinh thầm lặng

DSC08532
Hơn 100 bệnh nhân được bà lưu lại trong những quyển sổ của mình rất cẩn thận.

Với 2 người con nhiễm HIV giai đoạn cuối, cuộc sống của bà Đông rất cực khổ. Làm thuê, làm mướn vất vả lắm một tháng bà mới kiếm được 3 triệu đồng. Chi phí đó, với 2 người con của mình cũng chẳng đủ.

Vậy mà, mỗi khi có người gọi điện nhờ, bà lại tất tả đi, bất kể mưa nắng, ốm đau. Thậm chí, bà còn bỏ tiền túi để mua lá thuốc tắm cho họ. Bà Đông ngậm ngùi: “Tôi thấy những đứa con của tôi khi làm công việc này. Tôi chỉ nghĩ mình có thể giúp đỡ họ được từng nào, tốt từng đó”.

"Chồng tôi không may nhiễm HIV. Khi biết tin, bà Đông đã nhiều lần giúp đỡ. Đến cả khi anh ấy mất cũng một tay bà lo liệu", chị Hiền (có chồng nhiễm HIV, P. Nhật Tân) đến bây giờ vẫn thầm biết ơn người đàn bà tình nghĩa ấy.

Trước kia, không ít lần bà Đông tủi thân, tủi phận khi người đời gièm pha. Thậm chí, họ còn buôn lời miệt thị: "bà ấy vừa đi tắm cho thằng sida về, đừng có động vào” hay “đừng uống nước trà tại quán bà ấy pha”.

Lâu dần thành quen, bà không để ý đến những lời đàm tiếu đó. Và người đời cũng dần hiểu ra và cảm phục bà hơn.

Khi được hỏi về ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, bà Đông gạt nước mắt: "Cũng không khác ngày thường, tôi không muốn nhận hoa mà chỉ muốn "các con" mình được sống".

Rời nhà bà Đông mà chúng tôi vẫn còn ngậm ngùi và ám ảnh bởi câu nói khi chia tay: "Tôi không biết những sẽ vẫn làm cô ạ, làm đến khi tôi không còn sức nữa".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.