Đường sắt đô thị

Ba tuyến đường sắt đô thị sắp đồng loạt khai thác

02/01/2021, 15:38

Sau nhiều năm triển khai, năm 2021, đồng loạt 3 tuyến tàu điện thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM sẽ được đưa vào chở khách.

img

Đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông được vận hành thử toàn hệ thống trong tháng 12/2020

Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của phương thức vận tải mới, hiện đại, cũng là tiền đề quan trọng để tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị khác theo quy hoạch.

Háo hức khi thấy tàu điện nối đuôi nhau

Những ngày cuối cùng của năm 2020, nhiều người dân Thủ đô vui mừng khi chứng kiến những đoàn tàu điện màu xanh của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông nối đuôi nhau trên đường ray cả ngày lẫn đêm. Chị Lê Thị Quỳnh, sống ở tòa chung cư cạnh bến xe Hà Đông cũ (đường Trần Phú, Hà Đông) chia sẻ, tòa nhà gần với đường tàu nhưng không thấy tiếng ồn.

“Dạo này tàu chạy liên tục, xuôi ngược. Tàu chạy êm nên có khi vô tình nhìn ra ngoài mới thấy có tàu vụt qua. Ban đêm, ánh sáng bên trong đoàn tàu phát ra nhìn rất vui mắt. Trục đường Nguyễn Trãi ngày nào cũng ùn tắc, mong tuyến tàu điện này sớm được đưa vào chở khách để nhiều người đi lại an nhàn”, chị Quỳnh bày tỏ và cho biết, khi tàu hoạt động chính thức, chắc chắn sẽ lựa chọn để đi lại hàng ngày.

Tương tự, anh Tuấn (ngõ 5, phố Giáp Nhất, quận Thanh Xuân) cho hay, nhà gần vị trí khúc cong và cách đường tàu chưa đến chục mét nhưng không thấy bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn hay nhà cửa bị rung lắc dù các đoàn tàu hoạt động liên tục, cả ban đêm. “Đi tàu nhanh, văn minh nên chắc hẳn nhiều người sẽ lựa chọn đi lại hàng ngày thay cho xe cá nhân”, anh Tuấn nói.

Thông tin về dự án trên, lãnh đạo Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị và trong tháng 12/2020 được đưa vào vận hành thử toàn hệ thống để đánh giá các điều kiện an toàn trước khi đưa dự án vào khai thác, phục vụ người dân.

“Dự án được lên kế hoạch vận hành thử toàn bộ hệ thống vào đầu năm 2020 để sớm đưa vào khai thác, song đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nên phải lùi lại. Sau khi vận hành thử toàn hệ thống và một số thủ tục cần thiết khác, dự án sẽ được đưa vào phục vụ người dân”, đại diện Ban QLDA thông tin.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro, đơn vị khai thác tuyến) cho biết, trong khoảng 2 tuần đầu tiên tuyến tàu điện này đưa vào hoạt động chính thức, người dân được đi lại miễn phí.

“Tại các sảnh đón khách ở các nhà ga sẽ được bố trí các dịch vụ tiện ích như mua sắm, dịch vụ ngân hàng, trưng bày sản phẩm, ăn uống nhẹ…”, ông Trường cho biết.

Đại diện Hà Nội Metro cũng cho biết, đơn vị đang chuẩn bị các điều kiện về tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng bộ máy khai thác vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Tuyến tàu điện này cũng đã đưa đoàn tàu đầu tiên về dự án và theo kế hoạch cũng sẽ được đưa vào khai thác 8,5km trên cao, với 8 nhà ga vào cuối năm 2021.

Phương thức vận chuyển mới

Cùng với Hà Nội, tại TP.HCM, dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên sau gần chục năm khởi công xây dựng cũng đang dần về đích.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, tháng 10/2020, đoàn tàu đầu tiên của dự án đã được đưa về nước và dự kiến đưa tuyến tàu điện dài hơn 17km này vào khai thác cuối năm 2021.

Như vậy, đích đến của các tuyến đường sắt trên đang hiện hữu và việc các tuyến tàu điện đô thị được đưa vào hoạt động mở ra một phương thức vận chuyển mới, mang lại diện mạo hiện đại, văn minh cho giao thông Hà Nội và TP.HCM.

Đây là sự khởi đầu cho giai đoạn phát triển mới của đường sắt đô thị. Bởi theo các đơn vị quản lý dự án đường sắt tại Hà Nội và TP.HCM, trong năm 2020, một số dự án đường sắt đô thị ở hai thành phố tiếp tục được nghiên cứu, thẩm định.

Có thể kể đến như dự án nối dài tuyến Nhổn - ga Hà Nội, tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Văn Cao - Hòa Lạc (Hà Nội), tuyến Bến Thành - Tân Kiên (TP.HCM)...

Ông Nguyễn Thái, giảng viên Trường Đại học GTVT TP.HCM cho biết, trên thế giới có rất nhiều dự án bị “khai tử” khi chưa được thi công hoặc “chết non”, không có dấu hiệu hồi sinh khi đang thi công. Do đó, sự kiện đoàn tàu tuyến Bến Thành - Suối Tiên cũng như dự án khác được đưa về, dự kiến thời gian khai thác, phục vụ hành khách là tín hiệu vui.

“Metro hay đường sắt đô thị là hệ thống chuyên chở hành khách đóng vai trò “xương sống” hay “mạch máu chính” trong đô thị thì mạng lưới xe buýt là các mạch máu con nuôi sống nó. Do đó, trước khi các tuyến metro tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM đi vào hoạt động, cần có kế hoạch thiết lập lại mạng lưới xe buýt. Trong đó, lưu ý các tuyến xe buýt có liên quan đến tuyến metro nhằm giải quyết vấn đề hành khách đến và đi tại mỗi ga. Để một tuyến hay một hệ thống metro làm việc hiệu quả thì cần phải có một hệ thống xe buýt vững mạnh tương tác tích cực với nó”, giảng viên Nguyễn Thái cho hay.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dài 13,1km đi trên cao, có 12 nhà ga. Từ ga Cát Linh đi bộ vài phút đến ga ngầm Cát Linh của tuyến tàu điện Nhổn - ga Hà Nội, đến nhà chờ tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa.

Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, dài 12,5km, với 12 nhà ga, trong đó 8,5km đi trên cao từ Nhổn - Cầu Giấy (trước Trường Đại học GTVT Hà Nội) và 4km đi ngầm từ Kim Mã đến phố Trần Hưng Đạo (trước ga đường sắt Hà Nội). Dự kiến cuối năm 2021 khai thác trước đoạn trên cao và cuối năm 2022 khai thác toàn tuyến.

Tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km, với 12 nhà ga, trong đó hơn 17km đi trên cao và 2,6km đi ngầm, dự kiến vận hành thử tại Depot vào quý I/2021 và đưa vào khai thác trong quý IV/2021.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.