Xem - ăn - chơi

Bà Ù

03/04/2016, 16:15

Bà Ù là cách mà người dân quê dùng để gọi một cách kính trọng chiếc cối xay lúa, ...

Cối xay lúa giờ chỉ còn hiện diện trong bảo tàng l

Cối xay lúa

Trong một gia đình nhà quê chính gốc nhất định không được thiếu chiếc cối xay lúa, như không được thiếu cái liềm, cái hái, chiếc hòm đựng thóc.

Cối xay lúa báo hiệu sự no đủ, sung túc. Một nhà nào đó không thấy có cối xay lúa, chắc chắn gia đình ấy đi ăn vay, ăn mượn từng ngày, vay trước trả sau hoặc khá lắm thì cũng chỉ đủ thóc nửa vụ nên có thể xay nhờ. Cối xay lúa còn là vật chứng ghi dấu về một thời đau thương. Với những chị vợ xa chồng quá lâu ngày do chiến tranh, do kiếm sống… thì cái cối xay lúa thực sự là vật cứu tinh. Nửa đêm da thịt cựa quậy, dây thần kinh nổ râm ran nơi thắt lưng, hơi thở nóng như phả ra lửa, vật mình vật mẩy chán chê, “đánh cho lằn cái xuân tình” mà thịt da không chịu yên thì chỉ còn một cách là trở dậy xúc thóc ra xay một mình.

Xay cho bõ tức cái thanh xuân hơ hớ không chịu cam phận! Bao nhiêu sức lực dư thừa dồn vào cả cái giằng (chàng xay), khiến chiếc cối gào lên thảm thiết. Thây kệ! Không xay thì chết. Hết lúa thì xay trấu. Xay hết đợt này sang đợt khác, kì cho trấu nát vụn, mồ hôi tháo ra đầm đìa, người mệt lử, mới mong hạ hỏa cơn giận của kiếp phải làm đàn bà. Không có thóc thì xay chay, xay nát dăm cũng bất cần. Thân gái hơ hớ còn chả ra gì nữa là cái cối làm bằng tre và đất?

Nhưng, không giống như việc mua sắm những vật dụng quan trọng, để có được chiếc cối xay lúa, là cả một kế hoạch về tiền bạc và tâm thế.

Chưa có một món tiền dư dật chưa vội nghĩ đến “bà Ù” khó tính, khó chiều ấy. Nhà đang có chuyện cãi cọ, đang có việc khiến tâm tính rối bời thì đừng dở hơi nghĩ đến chuyện đóng mới (hoặc đóng lại) một cái cối xay lúa. Trời mưa sũng nước, mưa thối đất, thối cát hoặc nóng chết cò cũng không vội giở rói mà hỏng việc.

Thông thường vào cữ thời tiết mát mẻ, tâm trí thảnh thơi, công việc đồng áng không còn cấp tập, tiền bán nông sản cũng có tí đỉnh, là thời điểm các ông thợ đóng cối bộn việc. Mỗi vùng chỉ có vài ông nên các ông phó thường kiêu lắm. Mời không khéo cứ việc ngồi mà chờ, nhất là với loại thợ có tay nghề cao nhiều khi vài vùng mới có nổi một người. 

Tuy là một nghề sử dụng vật liệu đơn giản, nhưng đóng cối là cả một nghệ thuật tinh vi. Để có một cái cối tốt, phải kỹ càng từ khâu chọn vật liệu. Không phải tre nào cũng cứ hạ đại đi rồi làm nan để đan áo cối. Không phải loại đất thịt nào cũng có thể dùng tạo thớt cối. Rồi là gỗ dùng để chẻ dăm cối, kỹ thuật phơi sấy, gia công… là cả một quá trình chuẩn bị kĩ lưỡng, với nhiều bí truyền về nghề.

Cối tốt là cối khi xay tiếng kêu nghe êm, trơn tru, gạo và trấu ra vừa phải, đều xung quanh, ít giập gãy, tỉ lệ hạt bị sống (thóc còn nguyên vỏ) ở mức thấp, thậm chí là không đáng kể. Nhưng quan trọng nhất là mặt cối lì, không ra theo cả đất, thớt trên và thớt dưới khít đều, dăm cối chắc, phẳng, mòn chậm, tức là tuổi thọ của cối cao.  

Nghề đóng cối cũng có thợ cả, thợ phụ, có thầy có trò, có ngay thẳng, gian dối. Thường những ông thợ có tên tuổi, làm ăn đứng đắn luôn không hết việc. Cối của ông làm ra có thể xay ròng rã ba bốn vụ vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Trong khi những ông thợ gian dối, mồm miệng đỡ chân tay thì thường ăn bớt công đoạn làm đất, nêm dăm ẩu, đóng dăm thưa, đóng dối, thậm chí dùng lại dăm cũ để chèn vào. Khi đã có một chiếc cối xay đặt ngay ngắn trong gian xép (thường là đầu hiên) của ngôi nhà chính hoặc dưới nhà ngang, coi như có thể ung dung trong một không gian tràn ngập vị phong lưu. Còn gì yên bình hơn cảnh chồng xay lúa, vợ ngồi sàng sảy, bên cạnh đám trẻ bò lê la, hát u ơ…

Những hạt rơi hạt vãi nhường cho lũ gà, mỗi lần nghe tiếng cối xay là lại thấp thỏm hy vọng…Bức tranh quê hoàn hảo nhất định không thể thiếu cảnh xay giã.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.