Xã hội

Ba người xin thôi Ủy viên Trung ương: Cán bộ xin từ chức sẽ không còn hiếm

05/10/2022, 11:32

Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.

Đưa ra khỏi đội ngũ những người không còn xứng đáng

Tại ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (sáng 3/10), Trung ương thảo luận và quyết định một số nội dung về công tác cán bộ; trong đó, có việc cho 3 ủy viên Trung ương thôi tham gia Ban Chấp hành khóa XIII.

Việc cho 3 ủy viên Trung ương thôi tham gia Ban Chấp hành khóa XIII căn cứ vào quyết định hiện hành, ý kiến của các cơ quan liên quan và chủ trương của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật; trên cơ sở đề nghị của cấp ủy, tổ chức đảng, ý kiến của các cơ quan chức năng và xem xét nguyện vọng của cán bộ.

img

Các ông Huỳnh Tấn Việt, Nguyễn Thành Phong, Bùi Nhật Quang (từ trái sang phải) được Trung ương đồng ý cho thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa XIII

Ba nhân sự thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII là các ông: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Huỳnh Tấn Việt, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương.

Trước đó, các nhân sự này đều đã bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì những sai phạm trong quá trình công tác.

Luận bàn về nội dung này, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận ý thức tự giác của ông Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt và Bùi Nhật Quang trong sự việc này.

"Các ông này đều bị hình thức kỷ luật là cảnh cáo, vì vậy ít nhiều uy tín giảm sút, cho nên việc tự nguyện xin thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa XIII cũng là việc nên làm.

Đây cũng phần nào thể hiện ý thức chấp hành Kết luận số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật", ông Túc nói.

img

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Nguyễn Túc cho biết, việc cho thôi chức 3 Ủy viên Trung ương sau khi có quyết định kỷ luật cũng cho thấy tính gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của Đảng.

"Việc ba cán bộ cấp chiến lược ra khỏi Trung ương, dù với bất cứ lý do gì cũng rất buồn, xót xa, bởi để đào tạo một cán bộ như vậy không thể nhanh chóng, dễ dàng. Nhưng sự việc này cho thấy, Đảng sẵn sàng đưa ra khỏi đội ngũ những người không còn xứng đáng", ông Túc nhìn nhận.

Cần xây dựng văn hóa từ chức

Chia sẻ về văn hoá từ chức nhân sự việc này, ông Túc cho biết, Kết luận số 20-TB/TW đã nêu rõ, cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.

"Như vậy, khi soi chiếu vào điều này, cán bộ thuộc diện bị xử lý kỷ luật đó cần có thái độ chủ động xin từ chức, không nên để bị "gọi tên".

Hiện nay, thông tin xử lý kỷ luật cán bộ rất công khai, minh bạch, báo chí đưa tin đầy đủ, nên cán bộ nào bị xử lý kỷ luật thì dư luận đều nắm rõ. Không nên "tham quyền cố vị" khi mình không còn đủ năng lực, uy tín", ông Túc nói và cho biết, việc cho thôi chức vụ cũng thể hiện tính nhân văn của Đảng trong xử lý cán bộ.

Ông Nguyễn Túc tin rằng sự kiện cho 3 cán bộ thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương vừa rồi sẽ là tiền đề trong việc thực hiện nghiêm túc Kết luận số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật trong các tổ chức đảng từ Trung ương đến cấp cơ sở.

"Trung ương làm nghiêm túc như vậy thì tôi tin rằng ở bên dưới cũng sẽ làm nghiêm túc theo. Tới đây, việc một cán bộ nào đó bị kỷ luật, uy tín giảm sút xin từ chức sẽ không còn là chuyện hiếm. Việc này sẽ trở thành nền nếp, thường xuyên, giúp công tác cán bộ trở nên tròn khâu "có vào, có ra, có lên, có xuống", ông Túc nói.

Ông Túc cũng cho rằng, cần xây dựng văn hóa từ chức. Việc từ chức khi không còn đủ uy tín cũng là thực hiện trách nhiệm nêu gương.

"Cán bộ cần vượt qua các vấn đề về tâm lý, xem việc từ chức là hoàn toàn bình thường. Cùng với đó là vượt qua vấn đề về lợi ích để từ bỏ vị trí khi không còn đủ uy tín", ông Túc nói.

img

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Cũng nói về văn hóa từ chức, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, hiện nay có không ít văn bản, quy định về vấn đề từ chức. Nhưng thực tế trong thực hiện vấn đề này là như thế nào mới là điều đáng quan tâm.

Theo đại biểu Hoà, văn hóa từ chức đã được nhắc đến không ít, nhưng xây dựng và thực hiện nó là điều không hề đơn giản. Nếu chúng ta vẫn xem từ chức là "bất thường" thì rất khó để khuyến khích cán bộ từ chức.

"Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật xin từ chức là bước khởi đầu của quá trình xây dựng văn hóa từ chức. Văn hóa này đề cao sự tự trọng và liêm sỉ của người cán bộ", ông Hòa cho hay.

Ông Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, công tác tổ chức cán bộ cũng cần công khai, minh bạch, khéo léo để bản thân cán bộ xin từ chức cảm thấy nhẹ nhàng khi đưa ra quyết định đó. Chức vụ sau khi được giao, cán bộ đó nếu thấy không đủ khả năng đảm đương thì xin từ chức là bình thường.

"Nếu cán bộ có suy nghĩ, nhận thức được như vậy thì sẽ dần hình thành được văn hóa từ chức. Tuy nhiên muốn trở thành nền nếp được thì cần có thời gian", ông Hòa nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.