Điều tra

Bắc Giang: Doanh nghiệp tố bị chủ tịch xã “vòi” tiền

08/01/2021, 06:55
image

Doanh nghiệp phản ánh với Báo Giao thông về việc liên tục bị lãnh đạo chính quyền xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang làm khó, “vòi” tiền.

img

Không chỉ lập trạm barie, UBND xã Thái Sơn còn đổ nhiều trụ bê tông ngăn phương tiện qua lại trên đê tả Cầu.

​Báo Giao thông nhận được phản ánh của Công ty TNHH Phát triển, xây dựng Long Dương (Công ty Long Dương) - doanh nghiệp được UBND tỉnh Bắc Giang cấp phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi) tại xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, phản ánh về việc liên tục bị lãnh đạo chính quyền địa phương làm khó, “vòi” tiền.

Nhận tiền rồi... trả lại

Theo phản ánh, các xe chở cát, sỏi do Công ty khai thác buộc phải đi qua đoạn đường khoảng 800m đê tả Cầu, thuộc địa phận xã Thái Sơn. Trước đó mọi việc diễn ra bình thường.

Việc lập trạm barie, đổ trụ bê tông trên đê là chủ trương của UBND tỉnh Bắc Giang. Sáng 7/1/2021, Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh và UBND huyện Hiệp Hòa đã tổ chức hội nghị giải quyết vấn đề này. Theo đó, các bên đều đồng ý cho Công ty Long Dương đầu tư, nâng cấp tuyến đê thành đường giao thông; khi nào tuyến đường hoàn thành thì sẽ dỡ trạm barie và các trụ bê tông. Riêng vấn đề Chủ tịch xã Thái Sơn nhận tiền thì huyện chưa nắm được.Ông Nguyễn Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2020, ông Dương Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn dựng trạm barie chắn ngang đường khiến việc vận tải khoáng sản đến nơi tiêu thụ của doanh nghiệp gặp khó khăn.

“Sau đó, ngày 23/10/2020, ông Huân hẹn gặp tôi ra quán nước để bàn chuyện, yêu cầu phải đưa 72 triệu đồng để sửa, nâng chiều cao trạm barie này lên 3,8m nhằm tạo điều kiện cho phương tiện vận chuyển cát, sỏi của Công ty đi qua. Ông Huân còn nói rõ, trong khoản tiền này thì kinh phí sửa chữa trạm barie là 12 triệu đồng. Tôi phải cảm ơn riêng ông Huân 50 triệu đồng, cán bộ địa chính, xây dựng xã 10 triệu đồng”, lãnh đạo Công ty Long Dương nói.

Cũng theo lãnh đạo Công ty Long Dương, sau cuộc gặp trên, ông Huân còn liên tục nhắn tin, gọi điện thúc phải làm ngay, đồng thời yêu cầu lúc đưa tiền cho những nguời có liên quan phải lưu lại hình ảnh, gửi cho ông để ông xác nhận thì mới đồng ý cho sửa trạm.

Đến sáng ngày 29/10/2020, đại diện Công ty Long Dương đã buộc phải đưa cho cán bộ địa chính xã Thái Sơn 22 triệu đồng “cảm ơn” và chi phí sửa chữa trạm barie. Các lần đưa tiền đều phải bí mật ghi hình, gửi cho ông Huân qua tài khoản mạng xã hội để ông xác nhận. Đến tối cùng ngày, ông Huân hẹn người của Công ty Long Dương ra xe ô tô của mình và nhận tiền.

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, lãnh đạo xã không sửa lại trạm barie như cam kết. Hai tháng sau, các ngày 28 và 29/12/2020, ông Huân đã tự chuyển vào tài khoản cá nhân của nhân viên Công ty Long Dương tổng số tiền 17 triệu đồng với nội dung “UBND xã Thái Sơn chuyển trả Công ty Long Dương 12 triệu đồng tiền hỗ trợ sửa lại trạm barie” và “Anh Huân chuyển trả lại em S., Công ty Long Dương 5 triệu đồng tối 29/10/2020 đưa cho anh trên xe ô tô của anh”.

Clip ghi nhận trạm barie và trụ bê tông do UBND xã Thái Sơn lập ra để chặn phương tiện.

“Có chứng cứ sẽ chịu trách nhiệm”

img

Nội dung ông Dương Văn Huân nhắn khi chuyển tiền qua tài khoản của nhân viên Công ty Long Dương

​​Sau khi trả lại khoản tiền trên, những ngày gần đây, các phương tiện của Công ty Long Dương càng khó khăn hơn khi qua trạm barie, bởi hai bên cổng trạm bị đổ đất và có thêm 2 trụ bê tông.

Không chỉ Công ty Long Dương, nhiều người dân 2 xã Thái Sơn và Hòa Sơn phải đi qua trạm barie này cũng bức xúc bởi họ cho rằng, với việc dựng trạm, đổ trụ bê tông như hiện nay thì nếu trong vùng không may xảy ra hỏa hoạn, thiên tai, sự cố đê điều cần ứng cứu thì xe cứu thương, cứu hỏa không thể đi qua.

Trước đó, từ năm 2017, ngay khi được cấp phép khai thác khoáng sản, Công ty Long Dương đã liên tục có đơn xin đầu tư, nâng cấp tuyến đê nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Sau đó, tỉnh đồng ý cho phép cải tạo mặt đê kết hợp làm đường giao thông, thời gian thực hiện, xong trước tháng 12/2019. Tuy vậy, từ đó đến nay việc này chưa được thực hiện.

“Chúng tôi được tỉnh Bắc Giang cấp phép khai thác mỏ cát này trong 50 năm và đã nộp hàng chục tỷ tiền thuế, phí; nay lại bị chặn đường, chèn ép như vậy thì làm sao sống được”, lãnh đạo Công ty Long Dương cho biết.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Dương Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Thái Sơn cho biết: Việc lập barie trên là thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo huyện Hiệp Hòa. Đúng là ông có nhận tiền của Công ty Long Dương nhưng chỉ có 5 triệu đồng, không phải 50 triệu đồng như phản ánh.

“Số tiền này và 12 triệu đồng nhận để sửa trạm barie tôi đã chuyển khoản trả lại. Nếu Công ty có chứng cứ tôi nhận 50 triệu đồng, tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Huân quả quyết.

Clip cán bộ UBND xã Thái Sơn nhận tiền của Công ty Long Dương sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.