Điều tra

Bắc Giang: Dự án làng nghề phân lô, bán nền có dấu hiệu phạm pháp hình sự

07/08/2019, 18:50

Bắc Giang đã lập đoàn thanh tra nhưng thật kỳ lạ, các sàn bất động sản, các “cò” bất động sản vẫn ngang nhiên rao bán các lô đất trong dự án.

img
Nhiều công trình vi phạm được xây dựng tại dự án làng nghề Mai Hương

Tới thời điểm này, những sai phạm trong việc GPMB, thu hồi đất và tự ý phân lô bán nền dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương đã được Báo Giao thông làm rõ, tỉnh Bắc Giang cũng đã lập đoàn thanh tra. Nhưng thật kỳ lạ, các sàn bất động sản, các “cò” bất động sản vẫn ngang nhiên rao bán các lô đất trong dự án làng nghề này.

Nhộn nhịp rao bán đất dự án

Theo phản ánh của người dân thôn Phúc Linh, xã Hương Lâm, trước đây khi mới triển khai dự án, ông Đinh Văn Tưởng, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng đô thị số 1 Hà Nội (chủ đầu tư dự án) có hứa sẽ đầu tư, mở rộng tuyến đường bê tông dẫn từ đường tỉnh 295 vào thôn Phúc Linh. Đồng thời, xây dựng một tuyến đường liên xã dài vài km nối làng nghề Mai Hương, xã Hương Lâm với xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa.
Tuy vậy, sau hơn 5 năm triển khai dự án, đường mới chẳng thấy đâu, mà trục đường chính nối đường tỉnh 295 vào thôn Phúc Linh ngày càng xuống cấp, hư hỏng do “oằn mình” phục vụ các xe chở vật liệu xây dựng ra vào dự án.


Những ngày đầu tháng 8, PV Báo Giao thông liên tục có mặt tại dự án xây dựng làng nghề Mai Hương (xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) và ghi nhận, Sàn bất động sản Skyland vẫn hoạt động bình thường. Trên các trang rao vặt, mua bán, mạng xã hội Facebook vẫn tràn ngập các thông tin rao bán đất dự án làng nghề Mai Hương, với giá 5,5 triệu/m2, từ 350 triệu đồng/lô...

“Dự án được phân thành các lô có diện tích nhỏ nhất 70m2, lớn nhất 150m2, hạ tầng đang hoàn thiện 80%, khách mua đất nhận mặt bằng xây dựng luôn”, nhân viên bất động sản giới thiệu với PV và khẳng định, các lô đất ở đây có tính pháp lý rõ ràng, sổ đỏ riêng biệt từng lô. “Quý ll/2019 bàn giao sổ đỏ, đầy nhà dân xây nhà ở và kinh doanh ở đây, khó có thể tìm được chỗ nào vị trí đắc địa để ở và đầu tư với giá mềm và an toàn như ở đây đâu”, nhân viên này quảng cáo.

Thông tin từ UBND huyện Hiệp Hòa và Cục Thuế tỉnh Bắc Giang cho thấy: Dù quảng cáo, rầm rộ bán đất, thu tiền trong dự án nhưng do chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), chưa được Nhà nước cho thuê, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên doanh nghiệp này chưa phát sinh thuế và các nghĩa vụ tài chính liên quan. “Dự án chưa bảo đảm thủ tục pháp lý, việc bán đất cũng là trái thẩm quyền nên chưa nộp bất kỳ khoản thuế, phí nào”, ông Phạm Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Giang cho hay.

Cần làm rõ trách nhiệm

Ngày 2/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh đã ký quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra toàn diện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương của Công ty CP Xây dựng đô thị số 1 Hà Nội trong thời gian 45 ngày (kể từ ngày 2/8).
Trước đó, Báo Giao thông đăng bài “Bắc Giang: Hô biến làng nghề thành khu đô thị bán trái phép”, phản ánh việc Công ty CP Xây dựng đô thị số 1 Hà Nội được cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương tại xã Hương Lâm và Mai Đình, huyện Hiệp Hòa nhưng đã tự ý phân lô bán nền.


Liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để sai phạm xảy ra trong thời gian dài, đến nay sai phạm đã lộ diện nhưng không có động thái giải quyết dứt điểm, quyết liệt, đại diện lãnh đạo UBND xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa cho biết: “UBND xã có biết việc chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, mua bán đất và xây dựng nhà cửa trong dự án làng nghề nhưng thẩm quyền quản lý, cấp phép và xử lý vi phạm là của UBND huyện Hiệp Hòa và tỉnh Bắc Giang, UBND xã không đủ thẩm quyền ngăn chặn vi phạm” (?).

Còn ông Nguyễn Văn Chính, Phó chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa giải thích, ngay từ khi Bộ TN&MT và UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến đất đai, xây dựng dự án, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng chuyên môn, Đội Trật tự, giao thông và xây dựng huyện vào cuộc kiểm tra, đình chỉ. “Tuy nhiên, ý thức chấp hành của chủ đầu tư chưa cao, dự án lại nằm cách xa trung tâm nên rất khó ngăn chặn, xử lý triệt để”, ông Chính nói.

Phân tích từ góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm, vụ việc trên cho thấy sự yếu kém, tắc trách trong quản lý Nhà nước tại địa phương, nhất là ở cấp xã, huyện. Đây là dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng làng nghề, trách nhiệm của UBND xã là phải nắm bắt quá trình sử dụng đất, lập biên bản vi phạm khi chủ đầu tư tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng công trình trái phép để báo cáo UBND huyện xử lý. Khi tiếp nhận hồ sơ từ UBND xã, UBND huyện Hiệp Hòa phải chỉ đạo các phòng chuyên môn kiểm tra, làm rõ. Nếu quá thẩm quyền phải báo cáo UBND tỉnh giải quyết.

Theo luật sư, đây là dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Hiệp Hòa là đơn vị thu hồi đất, nên việc chủ đầu tư tự ý đề ra chính sách đổi đất nông nghiệp lấy đất ở khi giải phóng mặt bằng rồi phân lô, bán nền khi chưa được Nhà nước giao, cho thuê đất là có dấu hiệu phạm pháp hình sự. UBND tỉnh Bắc Giang cần làm rõ, chuyển hồ sơ đến cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định.

“Ngoài ra, theo Luật Đất đai năm 2013, chủ đầu tư đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi dự án vì thực hiện sai mục đích sử dụng đất khi hô biến làng nghề thành đất ở đô thị. Các công trình nhà ở, quán karaoke, cây xăng cũng cần được tháo dỡ để nhường chỗ cho xưởng sản xuất theo đúng quy hoạch được duyệt của dự án”, luật sư Hoàng Tùng phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.