Pháp luật

Bắc Giang: Hô biến dự án làng nghề thành khu đô thị bán trái phép

01/08/2019, 07:01

Dù chưa được giao, cho thuê đất nhưng nhiều công trình nhà ở, cây xăng, điểm kinh doanh... đã được tự ý xây dựng gây bức xúc dư luận.

img
Dù chưa được thuê đất nhưng nhiều nhà ở đã được xây dựng tại dự án làng nghề Mai Hương

Được cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương tại xã Hương Lâm và Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang nhưng Công ty CP Xây dựng đô thị số 1 Hà Nội (TP Hà Nội) đã tự ý phân lô bán nền. Đến nay, dù chưa được giao, cho thuê đất nhưng nhiều công trình nhà ở, cây xăng, điểm kinh doanh dịch vụ karaoke, cà phê đã được tự ý xây dựng gây bức xúc dư luận.

Rầm rộ mở bán

Những ngày gần đây, trong vai khách hàng cần mua đất, chúng tôi tìm đến dự án xây dựng làng nghề Mai Hương, nằm trên địa bàn xã Mai Đình và Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Tại đây, một phòng giao dịch bất động sản của Công ty CP Dịch vụ và đầu tư bất động sản Bầu Trời (Sàn bất động sản Skyland) được xây dựng thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Tại đây, nhân viên tên Hoàng Trung Thái giới thiệu: Dự án là đầu tư, kinh doanh hạ tầng làng nghề nhưng thực chất chủ đầu tư đang xây dựng khu đô thị hiện đại, văn minh, đầy đủ hệ thống đường, điện; cấp, thoát nước, khuôn viên cây xanh, nhà văn hóa... đáp ứng nhu cầu sinh sống của người dân. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, khách hàng có thể xây nhà ở, nhà trọ, khách sạn, nhà hàng, điểm kinh doanh dịch vụ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) có thời hạn 50 năm, hết hạn sẽ tiếp tục được thuê lại với chi phí thấp.

Theo UBND huyện Hiệp Hòa, dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương có quy mô 27ha, là nơi tập hợp các xưởng sản xuất, đáp ứng nhu cầu kinh doanh đồ gỗ của người dân. Trong đó, giai đoạn 1 là 9,9ha; tổng số vốn đầu tư gần 277,5 tỷ đồng, thời hạn thực hiện dự án là 50 năm. Theo tiến độ giao của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 dự án trên phải hoàn thiện, đi vào hoạt động. Tuy vậy, đến nay dự án chưa đạt 50% giá trị thi công, chậm tiến độ vài năm theo kế hoạch.


Theo ông Trịnh Trọng Mạnh, Quản lý bán hàng tại phòng giao dịch này thì đến nay dự án đã hoàn thiện giai đoạn 1 với 9,9ha với hơn 600 lô đất ở. Trong đó, đã có hơn 50% số lô được bán ra với giá từ 4,5 - 9 triệu đồng/m2. Dự án đang thu hút sự quan tâm của nhiều người vì có vị trí đẹp, gần Khu công nghiệp Hòa Phú và Cụm công nghiệp Việt Nhật, khả năng sinh lời cao.

Theo quan sát của phóng viên, các lô đất ở đây được chia thành nhiều loại có diện tích từ 70, 90 và 180m2. Mặc dù chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhưng đã có khoảng 10 công trình nhà ở, điểm kinh doanh cà phê, karaoke, cây xăng cao từ 1 - 4 tầng được xây dựng. Thông tin giới thiệu, quảng bá, chào bán đất nền tại dự án cũng được treo khắp nơi, được nhiều người chia sẻ, quan tâm trên các trang mạng.

Thiếu kiên quyết trong xử lý

img
Sàn giao dịch bất động sản nằm trong dự án thu hút đông đảo người dân

Được biết, dự án xây dựng làng nghề Mai Hương được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2014 với mục tiêu giải quyết nhu cầu đất sản xuất đồ gỗ và các ngành công nghiệp nhẹ như: Dệt may, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, cơ khí chế tạo, tiểu thủ công nghiệp; Đưa nghề đồ gỗ mỹ nghệ đạt chất lượng cao; hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị sản xuất theo hướng hiện đại, thúc đẩy kinh tế trên địa bàn...

Theo UBND xã Hương Lâm, dự án được quy hoạch là làng nghề nên UBND huyện đứng ra thu hồi đất, đơn giá GPMB được áp dụng là 78,1 triệu đồng/sào, Công ty CP Đầu tư xây dựng đô thị số 1 Hà Nội có hỗ trợ thêm nên người dân được hưởng mức giá 85 triệu đồng/sào. Ngoài ra, mỗi sào đất nông nghiệp, người dân sẽ được chủ đầu tư ưu tiên bán cho một lô đất ở diện tích 70m2 trong dự án với giá ưu đãi nên công tác GPMB khá thuận lợi. Tuy vậy, đến nay người mua đất tại dự án này vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ) như đã hứa dẫn đến bức xúc, khiếu kiện.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Chính, Phó chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa khẳng định: Đây là dự án phát triển làng nghề, không phải khu dân cư, đô thị. Đến nay, chủ đầu tư dự án vẫn chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), chưa được UBND tỉnh cho thuê đất nên tất cả các công trình, giao dịch mua bán đất đều trái quy định. Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh Bắc Giang và huyện Hiệp Hòa đã nhiều lần xử phạt chủ đầu tư về lỗi thi công dự án khi chưa có ĐTM; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép… tổng tiền phạt gần 500 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ công trình vi phạm, tuyệt đối không được quảng cáo, tiếp thị, bán đất trong dự án cho đến khi được UBND tỉnh cho thuê đất, phê duyệt giá thuê đất theo quy định.

Cũng theo ông Chính, UBND huyện đã nhiều lần kiểm tra, phát hiện chủ đầu tư còn một số sai phạm như chậm tiến độ đầu tư, năng lực kém, thiếu vốn và có biểu hiện bán “lúa non”, tự ý cho thuê lại đất khi chưa đủ điều kiện quy định.

Tuy nhiên, khi được hỏi về biện pháp xử lý, ngăn chặn, tránh những thiệt hại không đáng có, ông Chính lại không đưa được giải pháp cụ thể nào mà chỉ nói chung chung rằng “cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, “đây là dự án đầu tiên triển khai theo hình thức này nên sẽ nghiên cứu, kiến nghị tỉnh cho thay đổi quy hoạch, biện pháp quản lý phù hợp”...

Nhằm có thêm thông tin, PV đã nhiều lần liên hệ với ông Đinh Văn Tưởng, Tổng giám đốc và một số nhân viên Công ty CP Xây dựng đô thị số 1 Hà Nội, đơn vị chủ đầu tư dự án nhưng đều bị từ chối với lý do “lãnh đạo đi vắng, chưa thu xếp được”.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục làm rõ những khuất tất tại dự án này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.