Thị trường

Sắp vào mùa vải, Bắc Giang kiểm soát thương lái thế nào giữa dịch Covid-19?

14/05/2021, 10:06

Các thương nhân Trung Quốc nhập cảnh phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính của nước bạn trong vòng 3 ngày và cách ly 21 ngày.

img

Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí, thông tin về các sản phẩm trái cây Lục Ngạn năm 2020.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm Covid-19 liên quan đến ổ dịch KCN Vân Trung, huyện Việt Yên.

Cùng đó, toàn huyện Lục Nam và một số xã, phường, thị trấn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang thực hiện cách ly, giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhận định tình hình dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Do vậy, UBND huyện Lục Ngạn đã chính thức kích hoạt kịch bản hỗ trợ người dân trên địa bàn tiêu thụ vải thiều trong mùa dịch Covid-19.

Theo đó, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép 164 thương nhân Trung Quốc đầu tiên (đợt 1) nhập cảnh sang Lục Ngạn thu mua vải thiều.

img

Ngay từ đầu vụ, các phòng chức năng huyện Lục Ngạn đã hỗ trợ người dân chăm sóc, bảo đảm chất lượng quả vải.

Đến nay, UBND huyện Lục Ngạn đã chuẩn bị sẵn phương án cách ly, phòng dịch Covid-19. Theo đó, các thương nhân Trung Quốc phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 của nước bạn trong vòng 3 ngày. Sau đó, những người này sẽ phải cách ly y tế tập trung 21 ngày; lấy mẫu xét nghiệm 3 lần; đồng thời tiếp tục theo dõi 7 ngày sau thời gian cách ly trên để phòng dịch.

Cùng đó, UBND huyện Lục Ngạn cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức ở những vùng có dịch tích cực xây dựng các lò sấy vải thiều công suất lớn; xây dựng các dây chuyền chế biến bảo quản quả vải thiều tươi.

img

Các vườn vải bạt ngàn, sai trĩu tại Lục Ngạn đã sắp bước vào giai đoạn thu hoạch.

Đến nay, đã có hàng trăm lò sấy vải thiều; đã có 3 đơn vị đầu tư dây chuyền bảo quản vải thiều gồm: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu; Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hồng Giang và Hợp tác xã Tâm Thịnh; mỗi đơn vị đều có dây chuyền công suất đạt khoảng 10-20 tấn/ngày, ước cả vụ bảo quản khoảng 600 tấn (thời gian bảo quản quả tươi từ 15- 30 ngày).

Bên cạnh đó, UBND huyện và tỉnh Bắc Giang cũng xây dựng kế hoạch tổ chức chuỗi các sự kiện hội nghị, diễn đàn, lễ hội quảng bá, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021, trong đó đặc biệt coi trọng hình thức trực tuyến. Theo đó, hội nghị trực tuyến sẽ được tổ chức với các điểm cầu trong và ngoài nước, truyền hình trực tiếp trên sóng của nhiều đài truyền hình các tỉnh, thành phố, các fanpage, mạng xã hội; các điểm cầu trong nước, bao gồm UBND các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn và 20 điểm cầu tại Trung tâm VNPT của các tỉnh, TP trong cả nước và 4 điểm cầu trực tuyến đặt tại tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc), UBND tỉnh mở thêm nhiều điểm cầu trực tuyến tại Nhật Bản, Úc và Singapore...

UBND huyện Lục Ngạn cũng lên sẵn kế hoạch giúp thương nhân và người dân tiêu độc, khử trùng, bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 khi thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ vải thiều.

Đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ quả vải tươi trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, tích cực kết nối, tiêu thụ vải thiều tại các chợ đầu mối hoa quả, các khu công nghiệp và dân cư lớn trên cả nước; hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất giúp các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Úc, Đông Nam Á...

Được biết, mỗi năm, người dân Lục Ngạn đều thu từ 5.000 đến 6.000 tỷ đồng từ vải thiều. Năm nay, sản lượng vải thiều Lục Ngạn ước đạt khoảng 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm 2020; thời gian thu hoạch vải chín sớm bắt đầu từ trung tuần tháng 5, vải chính vụ từ ngày 10/6 đến ngày 20/7.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.