Bạn cần biết

Bắc Giang: Vắng bóng cơ quan thú y, buôn cả gà bệnh

07/03/2017, 13:10

Một số điểm tập kết gà lớn tại khu vực tiếp giáp giữa Bắc Giang-Lạng Sơn, công tác phòng, giám sát dịch lơ là

29

Gà vẫn được vô tư vận chuyển, buôn bán mà không thực hiện bất cứ biện pháp kiểm dịch nào (Ảnh chụp tại huyện Lạng Giang, Bắc Giang)

Khảo sát của Báo Giao thông tại khu vực chăn nuôi cũng như một số điểm tập kết gà lớn tại khu vực tiếp giáp giữa Bắc Giang - Lạng Sơn cho thấy, công tác phòng, giám sát dịch lơ là trong bối cảnh nguy cơ bùng nổ dịch H7N9 rất cao.

Lơ là phòng dịch

Trải dọc từ Cao Thượng, Yên Thế tới Phố Bằng, Lạng Giang - nơi tiếp giáp giữa Bắc Giang với Lạng Sơn “lãnh địa gà” có tiếng với hàng chục đầu mối, mỗi ngày tập kết, vận chuyển hàng tấn gà đi tiêu thụ tại các tỉnh lân cận như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội...

Tại một đầu mối có tiếng của chủ hàng tên Giang (Phố Bằng, Lạng Giang, Bắc Giang), từ tờ mờ sáng, cửa hàng đã có gần chục cửu vạn chở những lồng gà lớn, nhỏ tới đổ buôn. Gà cân xong được lùa vào chuồng tại cửa hàng, song chưa “ấm chỗ” đã có khách tới cân mang đi, hết lượt này tới lượt khác.

Quan sát của PV Báo Giao thông cho thấy, các chuồng gà đều đã lâu không được vệ sinh, phân gà bám đặc vào khe chuồng. Suốt buổi sáng, cả chủ cửa hàng, khách hàng đến nhân viên tại đây đều không rắc vôi khử trùng, cũng không xịt thuốc tiêu độc, càng không kiểm dịch bất cứ con gà nào.

Tại cuộc họp khẩn về ngăn chặn chủng virus cúm A/H7N9 tổ chức tại Lạng Sơn cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chỉ đạo: “Các địa phương cần chủ động giám sát lấy mẫu gia cầm, phun xịt khử trùng tiêu độc tại các chợ đầu mối, điểm tập kết, cơ sở giết mổ và địa bàn có nguy cơ cao”.

Ông chủ hàng nói với PV Báo Giao thông: “Đây là gà đồi Yên Thế, nhà tôi lấy ở trong dân, giá 50 nghìn đồng/kg. Yên tâm là siêu sạch. Làm gì có gà Trung Quốc mà phải lo kiểm dịch”. Tuy nhiên, chủ hộ chăn nuôi tên Định, ở Bãi Trăm, Đồng Sơn, Yên Thế - một người nuôi gà Yên Thế nhiều năm cho biết: "Rất khó để phân biệt gà mía nuôi ở Yên Thế với gà thải loại Trung Quốc, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường".

Dò hỏi một thương lái gà tên Hoa về nguồn gốc gà tại đây, chị Hoa dè dặt: “Gà Trung Quốc nhập qua Lạng Sơn về cũng có, nhưng đã được "thay quốc tịch", trà trộn với gà khắp nơi đổ về”.

Lơi lỏng phòng dịch là tình trạng chung tại nhiều đầu mối tập kết, buôn bán gà khác tại đây. Chủ cửa hàng thờ ơ với việc vệ sinh chuồng trại, kiểm dịch sản phẩm; Cơ quan thú y cũng vắng bóng. Một tiểu thương kinh doanh gà tại Phố Bằng cho biết: “Từ ngày gia đình tôi buôn bán tới nay, chưa từng thấy xe kiểm dịch hay phun xịt hóa chất khử trùng nào. Trong làng gần đây tập trung nhiều hộ chăn nuôi gà cũng không thấy có hoạt động này”.

Không chỉ vậy, tại đây khách mua gà cũng dễ dàng tìm được nguồn cung cấp gà bệnh nếu có nhu cầu. Trong vai người phụ trách bếp ăn cho công nhân, PV Báo Giao thông đã tiếp cận được với chị Đoan, một thương lái đổ buôn gà dày dặn kinh nghiệm tại Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang. Trong kho hàng chưa đầy 20m2, không khí đặc sánh mùi hôi của gần 100 con gà trộn lẫn mùi phân, cám đến nghẹt thở. Chị Đoan kéo chiếc ghế ra cửa tiếp chúng tôi cho dễ thở. Biết chúng tôi tìm mua loại gà rẻ về nấu bếp tập thể, ban đầu chủ hàng khá dè chừng, nhưng rồi khi vào chuyện, chị khẳng định, nếu mua nhiều và mua thường xuyên, chị sẽ để giá ưu đãi hết mức. “Bây giờ em làm bếp ăn mà lấy gà Yên Thế 40 - 50 nghìn đồng/kg thì đúng là không ăn thua. Nên nếu mua gà ốm, gà bệnh, chị để cho chỉ 4 - 5 triệu đồng/100 con gà thì mới lãi nhiều”, chị Đoan nói.

Chuồng trại cũng “2 không”

Tình trạng lơi lỏng phòng chống dịch cũng diễn ra tương tự tại nơi sản xuất gà đồi Yên Thế có tiếng của Bắc Giang là Bãi Chăm, xã Đông Sơn, Yên Thế - nơi có hàng chục nghìn con được chăn nuôi rải rác trong các hộ dân. Mặc dù tin tức về dịch cúm gia cầm H7N9 liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong những ngày vừa qua, nhưng khi hỏi nhiều người nuôi gà ở đây vẫn thản nhiên: “Lo gì, dịch vẫn ở bên Trung Quốc!”. Thực tế cho thấy, các hộ chăn nuôi tại đây đang “3 không” trong phòng chống dịch như: Không kiểm dịch, không tiêu độc, không khử trùng.

Ông Định, một trong những hộ nuôi gà lớn tại Bãi Chăm cho biết: “Nhà tôi vừa mới xuất hơn 1.000 con gà, thương lái họ vào tận nhà cân, bây giờ chỉ còn 100 con gà lai chọi thôi, cũng muốn vào đàn mới nhưng lo dịch nên chưa làm”.

Mặc dù nói là lo dịch nhưng chuồng trại của gia đình ông Định vô cùng đơn sơ, chất thải của gà đầy chuồng không được thu dọn và vệ sinh thường xuyên nên bốc mùi nồng nặc. Mặc dù nuôi nhiều gà nhưng các biện pháp tiệt trùng thông thường như rắc vôi cũng không được hộ nuôi thực hiện. Khi PV Báo Giao thông hỏi gia đình có thường xuyên tự phun khử trùng chuồng trại hoặc được cơ quan chức năng hướng dẫn, thực hiện, ông Định lắc đầu: “Không bao giờ có chuyện vào đây phun xịt hay khử trùng cả, năm ngoái có dịch cũng không thực hiện nữa là bây giờ mới cảnh báo nguy cơ”.

Bên cạnh gà giống Yên Thế, tại đây cũng nuôi ấp gà giống Trung Quốc. Ông Định cho biết thêm: “Trước Tết, ở đây thường tập trung nuôi gà ri Tàu, hoặc chip Tàu, cung cấp gà cúng Tết cho thị trường. Nhà tôi cũng nuôi vài trăm con. Nhưng so với mùa trước, giống ri Tàu đã giảm mạnh”. Theo ông Định, không khó để phân biệt gà ri Tàu với gà ri Việt Nam. Theo đó, gà ri Tàu bé, mào cao, màu lông rất đẹp. “Mặc dù ăn không ngon bằng gà ri Việt nhưng mã đẹp hơn nên ri Tàu thường phục vụ Tết là chính”, ông Định nói.

Điều đáng quan tâm, theo GS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, virus H7N9 không có biểu hiện trên gia cầm, tức là gia cầm mắc cúm không hề có biểu hiện lâm sàng, hoàn toàn khỏe mạnh như gà bình thường nhưng mang virus cúm. Chính vì vậy, các biện pháp kiểm dịch cũng như đảm bảo vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đặc biệt cần thiết nhằm phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh. Qua khảo sát của Báo Giao thông, có thể thấy nguy cơ không nhỏ bùng nổ dịch tại những đầu mối buôn bán, chăn nuôi như tại Bắc Giang.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.