Chính trị

Bác Hồ và quan điểm làm báo “Phò chính, trừ tà”

21/06/2022, 08:37

“Phò chính, trừ tà” mà Bác đề ra như một sứ mệnh của người làm báo, chỉ gồm 4 chữ nhưng bao quát cả sự nghiệp của những nhà báo chân chính.

Trong bức thư gửi trí thức Nam bộ, trong đó có các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà…”.

Theo PGS. TS. Trần Minh Trưởng, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), những lời dạy đó của Người sẽ luôn vẹn nguyên giá trị trong mọi thời đại.

img

PGS. TS. Trần Minh Trưởng

Di sản đặc biệt của nhà báo vĩ đại

Không chỉ là một Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là nhà báo lỗi lạc. Có thể khái quát điều này như thế nào, thưa ông?

Có thể khẳng định, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với hoạt động báo chí.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người coi báo chí là một thứ vũ khí cách mạng sắc bén và đã sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền cách mạng, vận động nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng.

“Tâm địa thực dân”, “Vấn đề dân bản xứ” hay “Yêu sách của nhân dân An Nam”… được xem là những bài báo tầm vóc đầu tiên của nhà báo Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động tại Pháp. Đây cũng là tiền đề để năm 1922, Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) trên đất Pháp.

Tiếp đến, ngày 21/6/1925, Bác đã sáng lập và cho xuất bản số đầu tiên tờ Thanh niên, mở đầu cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Tháng 12/1926, Bác lập ra báo Công nông cho giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa. Chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động.

PGS. TS. Trần Minh Trưởng


Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951), Bác chỉ đạo thành lập báo Nhân dân. Kể từ ngày báo Nhân dân ra số đầu tiên (11/3/1951), Bác đã có 28 năm gắn bó với tờ báo này.

Bên cạnh các tác phẩm báo chí xuất sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại một di sản tư tưởng đặc biệt có giá trị về báo chí cách mạng, bao gồm các quan điểm về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tính chất của báo chí cách mạng; vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo, nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén, là đội xung kích trong công tác tư tưởng. Điều đó được thể hiện cụ thể như thế nào?

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác sử dụng trên 170 bút danh để viết trên 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, nhiều thể loại khác nhau (chính luận, tiểu phẩm, truyện, ký và thơ...) đề cập đến toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng, của đời sống xã hội.

Ngòi bút của Bác bao quát rộng lớn những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đang đặt ra, phân tích một cách sắc sảo, cụ thể, đánh giá rõ ràng, xác đáng, đưa ra các giải pháp thiết thực, khả thi.

Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những bài viết của Bác như một lời kêu gọi, có tác dụng vô cùng to lớn, trở thành sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, cổ vũ toàn dân tham gia kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một nhà báo cách mạng vĩ đại. Những tác phẩm báo chí của Người dù ở thể loại nào, viết về vấn đề gì đều có một sắc thái rất riêng, hết sức độc đáo, sáng tạo.

Nói sự thật, đồng hành cùng lẽ phải

img

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô Hà Nội, tháng 5/1968

Trong bức thư ngày 25/5/1947 gửi trí thức Nam bộ, trong đó có các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà…”. Theo ông, “phò chính, trừ tà” trong thư Bác được hiểu như thế nào?

“Phò chính”, tức là bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải. “Trừ tà”, tức dám phản ánh cái xấu, cái ác, chống lại sự phi lý, bất công. “Phò chính, trừ tà” mà Bác đề ra như một sứ mệnh của người làm báo, chỉ gồm 4 chữ nhưng bao quát cả sự nghiệp của những nhà báo chân chính.

Hiểu rộng ra theo nghĩa “phò chính, trừ tà” là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống, lợi quyền của dân, vạch trần, phê phán và tẩy trừ những gì sai trái, làm tổn hại tới sự nghiệp cách mạng, tới lợi ích chung của xã hội, của nhân dân. Nhất là trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, báo chí cần phải thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình.

Thực tế những năm qua cho thấy, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được báo chí phát hiện, phản ánh, từ đó cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự do báo chí được thể hiện như thế nào và điều này có giá trị ra sao trong đời sống báo chí hiện nay, thưa ông?

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề tự do báo chí và tự do ngôn luận, coi đó là một trong những quyền tự do cơ bản của nhân dân, điều này được thể hiện xuyên suốt trong cuộc đời làm báo của Người.

Một trong 8 điểm ở bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” của Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Hòa bình Versailles (Pháp), tháng 6/1919 là tự do báo chí và tự do ngôn luận. Điều đó để thấy tư tưởng về tự do báo chí, tự do ngôn luận đã hình thành từ rất sớm trong Nguyễn Ái Quốc.

Bác nhấn mạnh, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của cách mạng là “đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân”, trong đó có quyền tự do báo chí.

Thực hiện lời căn dặn của Người, nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện đại có những bước phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo và các sản phẩm báo chí. Đó là điều kiện quan trọng để quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của nhân dân được thực hành ngày càng rộng rãi và thực chất.

Giữ tâm sáng, lòng trong, bút sắc

Theo ông, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người làm báo có ý nghĩa như thế nào trong thời đại hiện nay?

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xã hội hóa thông tin hiện nay, mỗi bài báo đều có những tác động nhất định đến dư luận xã hội trong và ngoài nước. Do đó, làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung và cả cách viết.

Như Bác từng dạy, trước khi thực hiện tác phẩm báo chí cần phải trả lời những câu hỏi: Viết cho ai?, viết để làm gì?, vì ai mà viết?, mục đích viết làm gì?. Từ đó người làm báo mới cho ra đời những tác phẩm báo chí chất lượng về cả nội dung và hình thức.

Để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, báo chí cách mạng phải phản ánh nhanh chóng, kịp thời những vấn đề thời sự của đất nước, những vấn đề dư luận đang quan tâm. Muốn làm được điều đó đội ngũ những người làm báo chí cách mạng phải không ngừng trau dồi nghiệp vụ báo chí và đạo đức cách mạng.

Từ đó thực hiện tốt lời dạy “người làm báo cách mạng phải có tâm sáng, lòng trong, bút sắc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn sinh thời.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.