Xã hội

Bạc Liêu đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia trận Giồng Bốm năm 1946

15/04/2022, 12:25

Địa điểm trận Giồng Bốm (Bạc Liêu) - một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng vừa được công nhận di tích Quốc gia.

Sáng 15/4, tại Tòa thánh Ngọc Minh, Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo (ấp 7, xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai), UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Lễ Đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia địa điểm trận Giồng Bốm năm 1946.

Phát biểu tại lễ đón nhận Di tích, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều bày tỏ, di tích địa điểm trận Giồng Bốm được đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đúng vào dịp kỷ niệm 76 năm ngày diễn ra trận Giồng Bốm (15/4/1946 - 15/4/2022). Đây là niềm vinh dự, tự hào, niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, nhất là các chức sắc, tín đồ Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo.

img

Đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (bìa phải) trao bằng xếp hạng Di tích Quốc gia địa điểm trận Giồng Bốm năm 1946 cho đại diện UBND tỉnh Bạc Liêu.

"Trong tương lai, địa điểm trận Giồng Bốm sẽ tiếp tục là một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, ý thức tự lực tự cường, lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Tự hào về truyền thống đó, chúng ta phải biết trân trọng gìn giữ và phát huy những giá trị mà các thế hệ đi trước đã chăm bồi, vun đắp", ông Thiều nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng giao Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch chủ trì triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

img

Đại biểu tham dự lễ đón nhận di tích địa điểm trận Giồng Bốm năm 1946.

"Tổ chức xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch và huy động tốt các nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo thêm nhiều hạng mục, công trình, tạo vẻ mỹ quan di tích; từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch... để kết nối tour, tuyến du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu lịch sử và du lịch của du khách", ông Thiều lưu ý.

img

Lối vào di tích Quốc gia trận Giồng Bốm.

Theo bà Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo dưới sự chủ trì của cụ Cao Triều Phát đã quy tụ trên 2.000 đồng bào tín đồ, chức sắc, chức việc và thành lập các ban chuyên trách; xây dựng, tổ chức lực lượng phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu.

Đặc biệt, đã tổ chức tới 18 trung đội, mỗi trung đội gần 40 người, tổng quân số tương đương 2 đại đội trực tiếp chiến đấu. Trận Giồng Bốm năm 1946 là trận chiến vô cùng ác liệt, mặc dù chỉ có vũ khí thô sơ.

Với lòng quả cảm của các chức sắc, chức việc và đạo tâm của toàn phái Cao Đài Minh Chơn Đạo, nhất là theo lời kêu gọi cứu nước của Hồ Chủ tịch, tất cả lực lượng đã xông lên chiến đấu hết sức anh dũng và tiêu diệt được nhiều sinh lực địch.

img

Nơi ghi danh những liệt sỹ đã hy sinh trong Trận Giồng Bốm năm 1946.

Song, do tương quan về lực lượng, vũ khí trang bị và kỹ thuật nên cuộc chiến đấu của các "chiến sĩ áo trắng" bị thất bại, với 137 chức sắc, chức việc, đạo tâm, thanh niên đoàn đạo đức của Cao Đài Minh Chơn Đạo đã anh dũng hy sinh vào những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến.

"Đây là một trong những trận đánh lớn ở miền Tây Nam Bộ vào thời điểm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Trận đánh đã gây tiếng vang và ấn tượng mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, các chi phái Cao Đài và các tôn giáo bạn mang tâm hồn dân tộc, làm nung nấu tinh thần yêu nước và ý chí căm thù giặc sâu sắc", bà Phương nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.