Ngày 18/8, ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy và ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình giải ngân, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trong bảy tháng đầu năm và đề ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho rằng, từ đầu năm đến nay tiến độ giải ngân vẫn chưa đạt yêu cầu.
Quang cảnh cuộc họp đánh giá tình hình giải ngân, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trong 7 tháng đầu năm và đề ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Dự án nào không giải ngân được, điều chuyển vốn sang dự án khác
Theo bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, nguyên nhân lớn dẫn đến tỷ lệ giải ngân chưa cao là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn chậm; năng lực của một số nhà thầu thi công yếu kém, thi công dự án chậm trễ, kéo dài; sự phối hợp giữa các chủ đầu tư với các địa phương và nhà thầu thi công không chặt chẽ, nhiều lúc còn đùn đẩy trách nhiệm.
Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính dù có chỉ đạo, nhưng chưa chuyển biến mạnh mẽ, doanh nghiệp và người dân còn nhiều phiền hà.
Để tăng tỷ lệ giải ngân từ nay đến cuối năm, ông Lữ Văn Hùng đề nghị, các sở, ngành liên quan soát lại các công trình dự án, nếu dự án nào có tỷ lệ giải ngân thấp, không giải ngân được phải điều chuyển vốn sang công trình dự án khác đang cần nguồn vốn.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị các sở, ngành và địa phương phải thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm.
“Tập trung rà soát, xem xét lại tiến độ của từng dự án, phân tích thuận lợi, khó khăn, làm rõ các nguyên nhân vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phải rà soát giám sát chặt chẽ công tác đấu thầu các dự án, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu có năng lực”, ông Thiều lưu ý.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị các chủ đầu tư phải giám sát chặt chẽ chất lượng công trình các dự án, cũng như tiến độ các dự án đang triển khai.
“Nếu nhà thầu nào thi công chậm tiến độ theo hợp đồng thì phải kiên quyết xử lý theo quy định. Đồng thời, tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, nhằm giảm bớt phiền hà cho người dân và doanh nghiệp”, ông Thiều nhấn mạnh.
Tuyến đường Ninh Quới - Ngan Dừa (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) thi công đến nay vẫn chưa hoàn thành do còn vướng giải phóng mặt bằng.
Tỷ lệ giải ngân đạt thấp
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023 tổng nguồn vốn phân bổ từ nguồn ngân sách Nhà nước của tỉnh Bạc Liêu hơn 3.900 tỷ đồng, trong đó hơn 2.314 tỷ đồng là ngân sách địa phương, còn lại là nguồn vốn Trung ương phân bổ.
Tính đến ngày 15/8, tổng nguồn vốn toàn tỉnh đã giải ngân đạt gần 1.367 tỷ đồng (bằng 35,04% so kế hoạch vốn đã phân bổ).
Nhìn chung, trong bảy tháng qua, so với tổng nguồn vốn được phân bổ thì kết quả giải ngân của một số chủ đầu tư đạt khá thấp, trong khi đó, mục tiêu trong năm nay là tỷ lệ giải ngân phải đạt từ 95% trở lên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguyên nhân giải ngân đạt thấp.
Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là công tác bồi thường, GPMB còn gặp nhiều vướng mắc; năng lực thi công của một số nhà thầu yếu kém; công tác lập chủ trương đầu tư, tư vấn, lập dự án còn hạn chế, chưa tính đầy đủ các hạng mục, chưa xác thực tế dẫn đến vượt tổng mức đầu tư phải chờ điều chỉnh vốn...
Đại diện các chủ đầu tư cũng đã phân tích các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân trong thời gian qua và cam kết với UBND tỉnh là sẽ triển khai thực hiện quyết liệt, bằng nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn kế hoạch được phân bổ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận