Xã hội

Bác sĩ 9X và hàng vạn cuộc gọi cứu F0

26/03/2022, 06:22

Thời gian Hà Nội có hàng chục nghìn ca F0 mỗi ngày, bác sĩ Đỗ Doãn Bách lại tiếp tục căng mình chiến đấu, giống như 2 tháng xung phong vào Nam.

Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành - vốn đã giúp tiếp cận với trên 150.000 F0, gọi được 450.000 cuộc gọi thành công - do anh tham gia sáng lập, vận hành, lại tiếp tục hỗ trợ các F0, cứu chữa kịp thời ca trở nặng.

Từ lời căn dặn của ông nội…

Phòng C3, nơi bác sĩ Đỗ Doãn Bách (SN 1991) công tác là một trong những khoa đầu vào của Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Tất cả bệnh nhân vào viện sẽ được sàng lọc Covid-19 tại đây và chuyển lên các khoa, phòng.

Từ khi Hà Nội trở thành điểm nóng Covid-19, bác sĩ Bách cùng các đồng nghiệp tiếp tục bước vào cuộc chiến, hỗ trợ tư vấn bệnh nhân F0 vượt qua giai đoạn khó khăn.

img

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách luôn tâm niệm, với một bác sĩ, điều tiên quyết là phải giàu lòng thương người, nêu cao tinh thần trách nhiệm (Trong ảnh: Bác sĩ Bách thăm khám cho bệnh nhân tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai)

Dù cuộc chiến lần này không khốc liệt như hồi anh cùng đoàn bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chiến đấu tại Bệnh viện Dã chiến số 16, TP.HCM, song nỗi vất vả không hề kém.

Giờ đây, trở lại với công việc thường ngày ở C3, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, tôi vẫn tâm niệm rằng: Tất cả những gì đã qua đều là những trải nghiệm đáng quý, để tôi thêm yêu thương, dấn thân hơn với nghề và cống hiến cho cộng đồng.

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách


Mặc dù sinh ra trong gia đình có truyền thống ngành Y, nhưng đã có thời điểm chàng trai trẻ Đỗ Doãn Bách chọn ngã rẽ vào trường Đại học Giao thông vận tải.

“Vì một lý do đặc biệt nên cha Bách từ bỏ ước mơ được trở thành kế nghiệp ông nội, vốn là một bác sĩ tim mạch giỏi để vào chiến trường phía Nam và trở thành giảng viên đại học sau khi giải ngũ.

Dù mong mỏi con trai nối nghiệp truyền thống của gia đình nhưng cha tôi luôn tôn trọng ý kiến của con cái. Tuy nhiên, ông nội mới chính là người động viên tôi đến với ngành Y”, anh chia sẻ.

Và Đỗ Doãn Bách chính thức quyết tâm dấn thân theo học chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Quảng Tây, Trung Quốc. Trở về nước, anh tiếp tục theo học chuyên sâu ngành Tim mạch tại Đại học Y Hà Nội và về công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.

Với anh, lời căn dặn của ông nội luôn là kim chỉ nam để bản thân phấn đấu trong sự nghiệp: “Là một bác sĩ, điều tiên quyết là phải giàu lòng thương người, tinh thần trách nhiệm và sự tỉ mỉ… Làm được những điều đó sẽ thành công và giúp ích được cho người khác”.

Đến Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành

Trong suốt 5 năm công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Bách tham gia rất nhiều chuyến tình nguyện khám, sàng lọc tim bẩm sinh cho đồng bào, trẻ em ở vùng cao.

Bác sĩ Bách luôn tận tâm với người bệnh, nhiệt tình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Anh là cán bộ có trình độ chuyên môn tốt, đã tham gia các công trình khoa học của Viện Tim mạch và Bệnh viện Bạch Mai.
Đặc biệt, anh luôn rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội Tim mạch học Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người dân…

TS. BS. Phan Đình Phong, Phó Phòng C3, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai


Gom góp những niềm hạnh phúc chữa lành những trái tim lỗi nhịp nho nhỏ ấy, hành trình thiện nguyện của anh cùng các đồng nghiệp cứ nối dài.

Thời điểm manh nha thông tin dịch Covid-19 lan rộng và nhanh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, anh cùng các đồng nghiệp trong Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã nhanh chóng tìm cách hỗ trợ người bệnh từ xa, nhằm giảm tải cho hệ thống y tế đang oằn mình chống đỡ.

Từ ý tưởng đến vận hành gói gọn trong đúng 10 ngày, “Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành” ra đời.

Suốt 10 ngày đó, nhóm thầy thuốc trẻ quên ăn, quên ngủ để tạo lập quy trình tư vấn, điều trị cho bệnh nhân, giúp họ yên tâm hơn.

“Rất may mắn là khi đó, chúng tôi nhận được sự ủng hộ, phối hợp tích cực của Bộ Y tế và Bộ KH&CN, sự đồng lòng, nhiệt huyết của các thầy thuốc trẻ khắp cả nước.

Chỉ trong tuần đầu tiên, mạng lưới đã thu hút 2.000 bác sĩ, tình nguyện viên tham gia. Đến thời điểm hiện nay, con số đã là 16.000”, bác sĩ 9X kể.

Qua hoạt động của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, các thầy thuốc trẻ đã nhanh chóng tiếp cận được hàng vạn F0 để tư vấn, hỗ trợ trong giai đoạn nhiều người dân hoảng loạn vì dịch bùng phát dữ dội.

Được ví như «trận chiến trên mây», ở mạng lưới đó, mỗi ngày, mỗi bác sĩ tiếp cận hàng trăm bệnh nhân thông qua điện thoại.

Chỉ tính riêng trong đợt bùng phát dịch Covid-19 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam (từ tháng 7 - 10/2021), Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã huy động hơn 10.000 bác sĩ và tình nguyện viên trên khắp cả nước tham gia tư vấn từ xa cho hàng nghìn F0.

Riêng Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành tại tỉnh Bình Dương do bác sĩ Đỗ Doãn Bách trực tiếp điều hành đã hỗ trợ khoảng 90.000 bệnh nhân.

Đến nay, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành được chuyển giao cho Bộ Y tế và bàn giao cho Sở Y tế của các địa phương tiếp quản như: TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nội… góp phần kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn “bình thường mới” với hàng vạn ca F0 điều trị tại nhà mỗi ngày.

Tâm huyết với Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, bác sĩ Bách hy vọng, đây sẽ là tiền đề để phát triển thành mạng lưới Thầy thuốc gia đình, góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở, góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải trong các bệnh viện Trung ương.

Ký ức những trận chiến nơi tâm dịch

img

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách

Nói về lý do gửi đơn xung phong lên đường vào hỗ trợ miền Nam khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, bác sĩ Bách chia sẻ: “Vì tham gia Mạng lưới đồng hành, nên tôi hiểu rất rõ trận chiến ấy sôi sục đến nhường nào và người bệnh cần chúng tôi đến thế nào. Không thể chần chừ, phải lên đường thôi”.

Đầu tháng 8/2021, trở về nhà sau nhiều ngày “dầm” mình với Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, anh xách balô lên đường theo đoàn y, bác sĩ đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai vào TP.HCM gây dựng cơ sở Bệnh viện Dã chiến số 16 để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. Lúc rời chân đi, anh chỉ kịp gọi điện về cho gia đình thông báo.

Đến khi Bệnh viện Dã chiến 16 mở cửa, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thật sự choáng ngợp bởi số lượng bệnh nhân nặng. Gần 500 giường bệnh dường như được phủ kín chỉ trong ít ngày.

Đường dây nóng đổ chuông suốt ngày đêm không ngớt, bởi tình hình dịch thời điểm đó vô cùng cấp thiết. Nhiều xe cấp cứu chở bệnh nhân đi trên đường mà không thể vào bất kỳ bệnh viện nào vì cơ sở y tế nào cũng đã kín giường.

“Ngày cũng như đêm, liên tục bệnh nhân nặng hôn mê, thở máy được chuyển đến, khiến các bác sĩ luôn trong tình trạng căng mình để chăm sóc, điều trị và cố gắng cứu bệnh nhân hết sức có thể”, anh nhớ lại.

Tại Bệnh viện Dã chiến số 16, bác sĩ Bách được phân công làm ở phòng Hồi sức 3, nơi chuyên làm ECMO cho người bệnh nguy kịch. Do vậy tỷ lệ tử vong tại đây luôn cao nhất và đó chính là áp lực lớn đối với các bác sĩ.

“Nhiều khi “lực bất tòng tâm”, chúng tôi xót xa khi chứng kiến quá nhiều người bệnh ra đi. Tôi và nhiều đồng nghiệp không tránh khỏi stress, căng thẳng và day dứt.

Nhưng thời gian không cho phép chúng tôi dừng lại, nhiều bệnh nhân khác vẫn đang chờ. Và guồng quay của công việc cứ thế miệt mài cuốn chúng tôi đi…”, giọng anh như trùng xuống.

Không chỉ chăm sóc, điều trị người bệnh, anh cùng các đồng nghiệp còn làm cầu nối kết nối với người bệnh với người thân. Đó cũng như liều thuốc tinh thần với chính các bệnh nhân Covid-9 nặng trong thời điểm mà nếu không trong ở hoàn cảnh đó, ít ai tưởng tượng được ra sao…

Những ngày tháng đó, bệnh nhân để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho bác sĩ Bách là một sản phụ vừa sinh con thứ hai, được chuyển đến từ Bệnh viện Hùng Vương khi phổi đã bị tổn thương, phải đặt ống thở máy.

Khi mới được chỉ định cai máy thở, chị không nói được, có biểu hiện hoảng loạn. Giây phút đó, bác sĩ cố gắng trấn an sản phụ và đưa cho chị một tờ giấy để viết thông tin liên lạc của người nhà.

“Tôi nhớ lúc ấy chị viết nguệch ngoạc lên tờ giấy số điện thoại của chồng, sau đó tôi cố gắng đưa được điện thoại vào bên trong phòng cách ly để hai vợ chồng gọi điện gặp nhau, để chị được nhìn thấy chồng và con gái đầu lòng.

Cuộc gọi đó là động lực để chị dũng cảm chiến thắng Covid-19 và ra viện. Đến bây giờ, chị vẫn nhắn tin liên lạc và cảm ơn bác sỹ. Tôi hiểu rằng được gặp người nhà là một trong những nguồn động viên rất lớn với người bệnh,” bác sĩ Bách kể.

Top 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2021

Hiện nay, bác sĩ Đỗ Doãn Bách đã lập gia đình và có con trai 4 tuổi. Gia đình anh có truyền thống ngành Y, ông nội là GS. Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và bà nội là bác sĩ Phạm Thị Hoan, cùng nhiều người thân đều công tác trong ngành Y.

Với thành tích là thành viên sáng lập và tham gia vận hành mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, tiếp cận với 150.000 bệnh nhân F0, gọi được 450.000 cuộc gọi thành công, phát hiện 1.415 bệnh nhân nguy cơ cao được hỗ trợ cấp cứu, chuyển viện, bác sĩ Đỗ Doãn Bách vinh dự được Trung ương Đoàn, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 chọn vào top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021. Lễ tuyên dương diễn ra ngày 26/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trong năm 2021, bác sĩ Bách cũng nhận được giấy khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; nhận Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp năm 2021” của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.