Xã hội

Bác sĩ hiến kế ngăn chặn bạo hành y tế trong... 2 giây

21/03/2018, 20:03

Một bác sĩ trình bày ý tưởng ngăn chặn hành vi bạo hành đối với y bác sỹ chỉ trong 2 giây.

28908175_1520792881383331_125455990_n

TS.BS Đinh Xuân Thành trình bày về ý tưởng áp dụng khoa học công nghệ để chống hành vi bạo hành y tế

Năm 2017 và đầu năm 2018, liên tục xảy ra tình trạng người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, nhân viên y tế, từ các bệnh viện tuyến T.Ư, đến các bệnh viện tuyến tỉnh hay cả trung tâm y tế, trạm y tế xã, hay các đơn vị cấp cứu 115. Đây là vấn đề nóng phát sinh, khiến đội ngũ y, bác sĩ thực sự bất an.

Tình trạng mất an ninh trong các bệnh viện, các cơ sở chữa bệnh cũng trở thành vấn đề đáng lo ngại khi không ít trường hợp bệnh nhân bị tấn công, hành hung ngay khi đang điều trị trong bệnh viện.

Là một người công tác trong ngành y, một bác sĩ đã nghiên cứu và đề ra ý tưởng về giải pháp công nghệ hệ thống an ninh thông minh phục vụ bảo vệ đội ngũ cán bộ y tế và cả bệnh nhân. Đáng lưu ý, với giải pháp này, mọi hành động tấn công trong bệnh viện có thể được ngăn chặn chỉ trong vòng 2 giây.

Kế hoạch và ý tưởng đó đang được dần hiện thực hoá khi mới đây, vị bác sĩ này đã trực tiếp trình bày ý tưởng của mình tại Hội nghị Triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ y tế năm 2018, do Bộ Y tế tổ chức.

Chủ nhân của sáng kiến này là TS. BS Đinh Xuân Thành - Giảng viên, Viện đào tạo Răng Hàm Mặt, Trường đại học Y Hà Nội.

Chia sẻ với phóng viên, TS.BS Đinh Xuân Thành cho biết, đây là một hệ thống an ninh thông minh phục vụ riêng cho việc bảo vệ đội ngũ cán bộ y tế, được phát triển trên ý tưởng giải pháp công nghệ của anh và Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cùng triển khai.

Mục tiêu cao nhất của ý tưởng này là đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cán bộ y tế trong những tình huống khẩn cấp.

Với hệ thống này, bác sĩ Thành cho biết có thể sử dụng, tích hợp dễ dàng với các trang thiết bị hiện có trên người của cán bộ y tế và các trang thiết bị sẵn có của bệnh viện. Đặc biệt, khi có hành vi bị bạo hành, chỉ trong vòng 2 giây, cán bộ y tế đó sẽ được hệ thống xác định vị trí và danh tính, đồng thời các thiết bị báo động được kích hoạt, thông báo đến bộ phận an ninh, cảnh sát trật tự để có sự hỗ trợ kịp thời.

TS BS Đinh Xuân Thành kỳ vọng, mô hình trên sẽ là giải pháp thiết thực, giải quyết tốt nhất một cách chủ động vấn đề bạo hành y tế.

mo-hinh-thong-minh-1249

Mô hình hoạt động của hệ thống an ninh thông minh nhằm ngăn ngừa các hành vi bạo hành y tế

Giải thích rõ hơn về cơ chế hoạt động của mô hình này, bác sĩ Thành cho biết, khi có sự cố, nhân viên y tế sẽ nhấn nút khẩn cấp trên thẻ thông minh, thẻ sẽ gửi tín hiệu cấp cứu thông qua đường truyền BLE (Bluetooth Low Energy) tới Bộ phận thu phát (Gateway). Tại đây, thông qua các tham số từ tín hiệu cấp cứu, vị trí “điểm nóng” và danh tính cán bộ y tế sẽ xác định và gửi về hệ thống điều hành trung tâm.

Hệ thống điều hành trung tâm ngay lập tức sẽ kích hoạt hệ thống camera ghi hình, chụp ảnh và thực hiện các quy trình báo động đồng thời (còi, phát thanh, an ninh bảo vệ, cảnh sát trật tự, trực viện) để có sự hỗ trợ ngăn chặn kịp thời hành vi bạo hành đồng thời gửi báo cáo, thông báo tới lãnh đạo bệnh viện, cơ quan chủ quản, cơ quan truyền thông….

Đặc biệt, nếu áp dụng, hệ thống này cũng có thể mở rộng phục vụ cho đối tượng bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt (sử dụng để gọi y tá, phục vụ, trực); hoặc có thể mở rộng phục vụ cho đối tượng người cao tuổi, người có nguy cơ đột quỵ, người có nhu cầu được bảo vệ…

Theo bác sĩ Thành, việc báo động này có thể góp phần thay đổi tức thời hành vi bạo hành của đối tượng gây rối, từ đó, đối tượng có thể dừng hành vi bạo hành hoặc có sự điều chỉnh phù hợp.

Đánh giá môi trường y tế giống một xã hội thu nhỏ nên còn nhiều tồn tại cần điều chỉnh, bác sĩ Thành cho biết ngành y tế nói chung cũng luôn cố gắng tự thay đổi phong cách và thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Nhưng bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ y tế cũng mong nhận được sự ủng hộ, hợp tác của mọi người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.