Xã hội

Bác sĩ nhận phong bì bị bêu “kẻ lừa đảo siêu hạng”, chụp ảnh dán lên tường

14/03/2020, 20:52

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ra quy định cấm nhân viên nhận phong bì, ai vi phạm sẽ bị chụp ảnh dán lên tường với dòng chữ "kẻ lừa đảo siêu hạng".

img
PGS. TS. BS. Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Quy định “nhân viên y tế nhận quà, phong bì của bệnh nhân sẽ bị đình chỉ công tác, chụp ảnh dán lên tường cùng dòng chữ “kẻ lừa đảo siêu hạng” mới đây của BV Phụ sản Hà Nội đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Báo Giao thông trao đổi với PGS. TS. BS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, “tác giả” của quy định trên.

Thiếu nhân ái, nhân cách không thể làm thầy thuốc

Rất nhiều người nghi ngờ tính xác thực về quy định xử phạt nhân viên y tế vi phạm y đức của BV Phụ sản Hà Nội, ông nghĩ sao về điều này?

Ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2020, chúng tôi lấy chữ “Nhân” để chúc nhau quyết tâm phấn đấu. Với chúng tôi, chữ “Nhân” ở đây là nhân ái, nhân hòa, nhân cách và cả nhân lực. Mọi giá trị BV đang có là hữu hạn, kể cả giá trị về thương hiệu, nhưng nguồn nhân lực mới là giá trị đích thực mà chúng tôi cần phải giữ.

Điều mà nhiều người quan tâm đến nguồn nhân lực y tế chính là nhân cách và sự nhân ái. Làm người thầy thuốc mà thiếu lòng nhân ái, nhân cách thì không thể là một thầy thuốc giỏi được.

Một điều tồn tại rất lâu nay và được mặc định đúng là bệnh nhân cứ vào BV là phải có phòng bì cảm ơn thầy thuốc. Cần nhìn thẳng vào sự thật của câu chuyện phong bì thì mới có thể xóa được vấn nạn đó.

Hệ lụy của câu chuyện phong bì rất lớn, thứ nhất là nó sẽ tạo ra rào cản ngăn cách giữa thầy thuốc và bệnh nhân, tạo sự kỳ thị, sự mặc cảm, nhất là với bệnh nhân không có điều kiện. Điều thứ hai nguy hại hơn là khi chuyện phong bì nhiều khi không xuất phát từ sự tự nguyện mà từ kẻ cò mồi với việc tâng bốc, bệnh không nặng kêu rất nặng để bệnh nhân sợ đưa nhiều tiền, hay bác sĩ chưa giỏi thì nói là “bàn tay vàng”… họ vẽ chuyện để lấy tiền người bệnh nhiều hơn. Đó chính là lừa đảo.

Hệ lụy thứ 3 nghiêm trọng hơn nữa là khi nhân viên y tế cầm đồng tiền rồi sẽ bị đồng tiền chi phối. Chi phối nguy hiểm tới mức mà bệnh nhân đáng phải đi mổ thì không cho đi mổ vì nhận là đỡ đẻ rồi, cố chữa nội trú rồi sinh ra tai biến; Hoặc vì cầm tiền nhận mổ rồi thì cố lôi ra mổ dù bệnh nhân không đáng mổ… Hệ lụy của phong bì là như thế, nên cần phải chấm dứt.

Cũng vì những điều này mà năm nay chúng tôi quyết tâm xóa bỏ câu chuyện phong bì ở BV Phụ sản Hà Nội.

Ông có thể phân tích rõ hơn khi dùng từ “kẻ lừa đảo siêu hạng” khi nói về cán bộ y tế nhận phong bì của bệnh nhân? Vì sao lại là lừa đảo, mà còn là “lừa đảo siêu hạng”?

Hiện nay ở Việt Nam, đời sống cán bộ nhân viên ngành y khá ổn định, phải nói là ở mức khá so với mặt bằng chung xã hội. Người làm ngành y hoàn toàn có thể sống được bằng nghề, đó là điều rất tự hào. Thậm chí có thể sống ở mức khá giả trong xã hội thì làm sao còn tham đến thế? Khốn khổ ở chỗ là ở đâu đó người thầy thuốc vẫn còn tham, nên cảm thấy chưa đủ, vẫn muốn lấy thêm cho dù phần thu của BV cũng đã có phần của mình rồi.

Trong nhiều cuộc giao ban trên hội trường tôi đã quá bức xúc với điều này, chính vì vậy tôi đã từng phát biểu, bản chất của hiện tượng này chính là hành vi lừa đảo, mà là lừa đảo siêu hạng. Cái siêu hạng chính là ở chỗ anh dùng chuyên môn, dùng tình cảm, sự trân trọng của người bệnh để lừa người ta.

Không ai thu nhập dưới 20 triệu/tháng

img
Y, bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội kiểm tra sức khỏe người bệnh. Ảnh: Tạ Tôn

Cũng có ý kiến cho rằng chính thu nhập của cán bộ y tế không đảm bảo đời sống nên mới nảy sinh câu chuyện phong bì, ông nghĩ sao?

Với bệnh viện khác tôi không biết, nhưng riêng với BV Phụ sản Hà Nội thì tôi đảm bảo đời sống cho cán bộ nhân viên rất ổn định, họ hoàn toàn có thể sống được bằng nghề, chỉ cần làm chân chính, làm theo những quy định của nhà nước, của bệnh viện. Không có nhân viên nào của chúng tôi thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng, còn những người có uy tín cao được bệnh nhân đặt lòng tin, giỏi thì thu nhập từ 100 triệu đồng/tháng trở lên. Như vậy không có lý do gì lại nghĩ đến chuyện phong bì của bệnh nhân.

Để dảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân viên, tôi nghĩ rằng chúng tôi phải cảm ơn cơ chế tự chủ hiện nay. Với cơ chế này, chúng tôi đều biết rằng phải làm tốt để bệnh nhân đến với mình đông hơn, phải tự biết tiết kiệm từ số điện, giọt nước cho đến cuộn chỉ, cái kim, không như trước đây của Nhà nước, cứ xài thoải mái.

Hơn nữa, đó là làm tốt dịch vụ đáp ứng yêu cầu của người bệnh. Người bệnh không chỉ có nhu cầu chăm sóc sức khỏe mà còn nhiều dịch vụ khác… vậy phải phục vụ để hài lòng bệnh nhân và họ sẽ chi trả các chi phí đó một cách tự nguyện. Đó là cách mà các BV tự chủ đều phải làm.

Việc sử dụng đồng tiền thu từ đó vào chi phí hàng hóa vật tư tiêu hao, chi phí cho các hoạt động bệnh viện; đẩy mạnh quản lý tài chính một cách hợp lý nhất, từ đó, để dư ra khoản kinh phí quay lại việc quan trọng nhất là chăm lo đời sống nhân viên. Đời sống cán bộ nhân viên y tế được đảm bảo như vậy, thì không có lý do gì lại nghĩ đến chuyện phong bì của bệnh nhân.

Chấp nhận “vượt đèn đỏ” để cứu hình ảnh BV

Bảng giá dịch vụ y tế BV Phụ sản Hà Nội được chia làm 3 loại gồm: Khám tự nguyện tại B5, B7; tự nguyện 1 và khám nội trú.

Theo bảng giá cập nhật tới tháng 9/2019, giá khám tự nguyện tại B5, B7 thấp nhất là 10 nghìn đồng, cao nhất là 3,4 triệu đồng; Bảng giá điều trị nội trú thấp nhất 10 nghìn đồng và cao nhất là 25 triệu đồng; Bảng chi phí khám tự nguyện 1 thấp nhất từ 10 nghìn đồng, cao nhất 4,5 triệu đồng.

Một số dịch vụ như: Mổ phụ khoa 6 triệu đồng; giường dịch vụ loại 1 là 1,25 triệu đồng/ngày; mổ đẻ, mổ phụ khoa trọn gói 25 triệu đồng với người nước ngoài; đẻ thường yêu cầu bác sĩ 15 triệu; đẻ mổ yêu cầu bác sĩ 11 triệu đồng...


Ông có nghĩ rằng quy định vẫn sẽ khiến ai đó cả trong và ngoài BV không đồng tình?

Nói thật chuyện phong bì chỉ rơi vào nhóm nhỏ và nhiều khi từ cò mồi bên ngoài vào làm loạn trong bệnh viện. Tôi tin rằng số người phản đối điều đó là có, nhưng rồi họ sẽ hiểu ra thôi.

Cũng có câu hỏi đặt ra liệu tôi có e ngại sự phản ứng của những người trong ngành về điều này khi họ chưa có điều kiện để làm được như BV Phụ sản HN không. Tôi thẳng thắn trả lời rằng, tôi không có gì e ngại, bởi lẽ đây là việc làm đúng lòng người, đúng đạo lý.

Hơn nữa, thực tế là sau khi có chính sách thay đổi về BHYT, về giá trong dịch vụ y tế thì vài năm trở lại đây, đời sống y tế ở bất kỳ nơi nào đều cũng đã ổn định, không lý do gì nhăm nhăm lấy thêm tiền của bệnh nhân thông qua cái phong bì cả.

Chúng tôi rất tự tin là sẽ làm được, bởi tôi được sự ủng hộ đông đảo của cán bộ nhân viên và thứ hai là tôi đã suy nghĩ rất kỹ mọi khía cạnh của việc này, phải biện chứng, không phải duy y chí. Với quyết tâm của người đứng đầu, ai chống đối việc này sẽ đứng sang một bên, đó là điều chắc chắn.

Cũng đã có người cản tôi làm việc này nhưng tôi chấp nhận mình có thể “vượt đèn đỏ” nhưng cứu hình ảnh, thương hiệu của BV Phụ sản Hà Nội. Còn nếu không thương hiệu đó chỉ lấp lánh, giả tạo vì sau đó là tiếng oán thán của người dân khi bị nhân viên y tế tư vấn lấy thêm tiền. Slogan của bệnh viện rất rõ “Trao - nhận niềm tin”, vậy niềm tin ở đâu khi người bệnh vào viện lại ứa nước mắt vì chuyện vòi vĩnh phong bì?

Quy định là vậy, song ông có dám chắc nó sẽ được thực hiện nghiêm túc?

Trong nội quy của BV nêu rõ, với nhân viên y tế vi phạm (nhận quà biếu, phong bì của bệnh nhân) sẽ tạm đình chỉ công tác, không tiếp xúc người bệnh; Phạt tiền đời sống 1 năm; Tên người đó nêu trước toàn thể cán bộ và nhân dân trong nhiều ngày bằng việc đọc tên trên loa phát thanh của bệnh viện…

Lần này không chỉ nhắc chung chung, bởi nếu không kiên quyết, không xử nặng thì chỉ làm trá hình mà thôi. Chúng tôi rất quyết tâm, họp và đưa ra trong hội nghị công nhân viên chức và cùng nhau cam kết. Với sự đồng nhất từ cả hệ thống, dành mọi nguồn lực để giám sát, theo dõi, kiên quyết thực hiện, tôi nghĩ không gì ngăn cản được điều này trở thành hiện thực.

Vẫn có ý kiến cho rằng, cách làm này là cực đoan bởi người bệnh có người rất mong muốn được cảm ơn y bác sĩ, người đã giúp mình?

Đền ơn, đáp nghĩa khi nhờ nhau điều gì có thể là điều rất bình thường, là đạo lý… nhưng không thể đưa điều đó vào trong y tế, vì bệnh nhân đã trả công rồi.

Ở BV nào cũng có dịch vụ, bệnh nhân đã trả bằng dịch vụ, bệnh viện nào cũng có BHYT và hiện BHYT chi trả cao, ổn định, gồm cả giá công y tế và lương y tế đẩy lên mức cao. Vậy không có lý do gì bắt bệnh nhân phải trả thêm lần nữa.

Đừng lấy cớ ở đời giúp nhau phải cảm ơn nhau vào câu chuyện ngành y bây giờ. Như vậy là đánh tráo quan niệm.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.