Bạn cần biết

Bạch tuộc cắn chết người ở biển Hòn Chảo, TT-Huế

09/07/2017, 16:12

Gia đình từ chối kiểm nghiệm bạch tuộc đã cắn tử vong chị T. tại Huế và chỉ xem là như một tai nạn.

bachtuot

Con bạch tuộc không quá lớn đã bị đánh chết sau khi tấn công chị T. (Ảnh: Infonet)

Liên quan đến vụ việc một người dân bị bạch tuộc cắn tại khu vực biển Hòn Chảo (Thừa Thiên - Huế) và sau đó tử vong trên đường đến bệnh viện cấp cứu, trả lời báo Infonet sáng 9/7, ông La Đình Tân – Chủ tịch xã Vinh Hà (huyện Phú Vang) cho biết, gia đình từ chối kiểm nghiệm con bạch tuộc.

Được biết, sau khi xảy ra sự việc cơ quan chức năng đã về địa phương làm việc, thu giữ con mực bạch tuộc (đã chết) cắn tử vong chị T. và sau đó giao lại cho gia đình.

“Các cơ quan chức năng có về làm việc nhưng con bạch tuộc đó đã giao lại cho gia đình và gia đình cam kết không làm các thủ tục liên quan. Nguyện vọng của gia đình là không đưa con bạch tuộc đó đi kiểm nghiệm và chỉ xem là tai nạn” – ông La Tân thông tin.

Ngoài ra, ông Tân cho biết thêm, sau khi nhận được tin người dân bị con bạch tuộc cắn tử vong, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tiền để cho gia đình lo mai táng cho nạn nhân.

Trước đó, vào khoảng 2h ngày 7/7, vợ chồng anh Xuân chạy thuyền ra thả lưới đánh cá tại vùng biển Hòn Chảo (thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế), giáp ranh với khu vực biển Đà Nẵng.

Đến 3h cùng ngày, trong lúc kéo lưới thu cá, chị T. bất ngờ bị một con bạch tuộc cắn vào chân phải. Sau đó, toàn thân chị T. trở nên đau nhức, tê buốt, rồi bất tỉnh. Anh Xuân nhanh chóng chạy thuyền về hướng Đà Nẵng, đưa vợ vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Tại đây, bác sĩ bệnh viện thông báo chị T. đã tử vong.

Nguyên nhân tử vong bước đầu được xác định do trúng độc cấp từ cú cắn của bạch tuộc.

Trả lời báo Thanh Niên, GS-TS Ngô Đắc Chứng, chuyên gia sinh học - nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Huế nhận định, với những thông tin ban đầu nhiều khả năng con bạch tuộc tấn công chị T. là giống bạch tuộc đốm xanh lớn (tên khoa học Hapalochlaena lunulata).

Giống này có độc tính mạnh ở tuyến nước bọt có tên là tetrodotoxin - tương đương chất độc ở cá nóc. Chất độc sẽ theo đường máu gây tê liệt hệ thần kinh, sau đó làm trụy tim nên nguy cơ tử vong rất cao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.