Hạ tầng

Bài cuối: Bỏ bao cấp chống ngập mới chống được... ngập

27/04/2016, 16:02

Theo PGS.TS. Hồ Long Phi căn nguyên của ngập lụt xuất phát từ việc đô thị hóa không bền vững...

15

PGS.TS. Hồ Long Phi

Theo PGS.TS. Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP HCM), căn nguyên của ngập lụt xuất phát từ việc đô thị hóa không bền vững, trong đó trọng tâm là vấn đề mất ưu tiên cho nguồn nước trong quy hoạch.

Không thể bao cấp cho chống ngập lụt

Thưa ông, mỗi năm TP.HCM bỏ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng chống ngập lụt, vậy tại sao vẫn không hiệu quả?

Hiện nay xây dựng hạ tầng, điện, nước… mọi thứ đều thị trường hóa, ai dùng nhiều trả nhiều, ai dùng ít trả ít. Vậy tại sao duy nhất chỉ có chống ngập là hoàn toàn bao cấp. Có những khu đô thị mới xây dựng lên, có những dòng chảy tràn rất lớn, nước lùa ra hết khu vực đó. Rồi đến khi nước chảy ra khu vực khác gây ngập lụt thì Nhà nước phải lo, phải gánh hậu quả.

Trước khi xây dựng TP này, TP.HCM có nhiều vùng trũng, thấm nước. Khi đô thị hóa nghĩa là lấp và xây chứ không có sự quan tâm đúng mức đến xử lý khu vực thấm nước này. Khi ta chiếm chỗ của nước, thì nước sẽ tràn vào chỗ khác nên mới có tình trạng nhà này xây lên thì nhà kia ngập. Khu đô thị này xây lên thì khu kia lụt. Như Bình Tân, Bình Chánh… trước đây đều là vùng trũng nhưng khi xây dựng thành khu đô thị mới, lại không dành phần đất cho chống ngập nên nước buộc phải chảy tràn đi chỗ khác. Đó là, hậu quả của việc phát triển hạ tầng thiếu bền vững, vô tội vạ rồi hậu quả dồn hết cho Nhà nước lo. Nhưng đó cũng là kết quả của việc bao cấp chống ngập lụt.

10 năm trước, nhắc ngập lụt thì chỉ có TP.HCM nhưng rồi đây Thủ đô Hà Nội ngập, rồi tới Hải Phòng và sau đó là Đà Lạt, Buôn Mê Thuột cũng ngập... Những nơi này, nguyên nhân ngập đâu phải do triều cường mà ra.

Tại sao ông cho rằng, ngập lụt là kết quả của việc bao cấp chống ngập lụt?

Trong chi phí địa ốc luôn tiềm ẩn chi phí hậu quả. Sau khi làm khu dân cư xong coi như lùa nước chỗ khác; chỗ này nâng, nghĩa là chỗ khác ngập, đó là chi phí tiềm ẩn. Chi phí này phải được tính luôn vào giá thành dự án mới hợp lý. Chứ anh tạo ra lợi nhuận nhưng lại gây ra gánh nặng của xã hội thì anh phải chia sẻ trách nhiệm này với xã hội. Nói một cách đơn giản, anh xây bê tông lên khu đất đó nhưng không làm khu vực thấm nước thì nước chảy ra chỗ khác anh phải chia sẻ trách nhiệm này.

Phải đưa vào quy định xây dựng

Nghĩa là theo ông phải luật hóa, đưa các quy định cụ thể như phải có hồ điều tiết cho từng dự án?

Đúng vậy, nên áp dụng vào quy định cụ thể chứ không thể để tình trạng “thả gà ra đuổi”, tự mình tạo phiền phức cho chính mình như hiện nay. Hiện người dân, DN… đều coi việc chống ngập là chuyện của ai đó chứ không phải của mình. DN thậm chí nghĩ rằng, khi làm hồ điều tiết thì giá thành đội lên, hay tại sao ông đi trước không làm mà ông đi sau lại phải làm. Nhưng thực tế đâu có đội giá thành vì dự án nào chẳng có đất cây xanh là 18%, thì lấy 5% dành cho nước thì quỹ đất xây dựng không hẹp và không tốn kém. Thậm chí, làm ngay từ đầu thì còn đẹp cảnh quan, thân thiện với môi trường và không ngập lụt.

Ở nước ngoài quy định thế nào cho phần chống ngập trong một dự án thưa ông?

Ở Singgapore họ chỉ quy định tỷ lệ dòng chảy tràn trên mỗi một diện tích xây dựng. Chẳng hạn họ tính một dự án đó khi mưa rơi xuống thì phần dòng chảy tràn ra ngoài không được vượt quá 50% ra khỏi miếng đất của anh. Nếu lượng mưa chảy quá, thì anh phải có cách giải quyết. Và nếu không có cách giải quyết thì sẽ bị xử lý rất nặng như là rút giấy phép kinh doanh.

Tại Hà Lan từng có giai đoạn họ đã lấn sông để đô thị hóa. Nhưng rồi sau đó họ đã dẹp bỏ nhà cửa mở rộng lòng sông, tạo không gian cho sông. Tương tự như vậy ở Hàn Quốc, một con kênh đã bị lấp ngay ở Seoul và thay vào đó là đường cao tốc. Tuy nhiên, đến nay họ đã phá bỏ đoạn đường cao tốc đó và đào lên khôi phục lại dòng sông vốn có.

14
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) ngập sau mưa và triều cường - Ảnh: Phạm Hữu

Vốn chống ngập chỉ mới được 30% so với yêu cầu

Đó là vấn đề của sắp tới, vậy thưa ông vấn đề là chúng ta đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng rồi mà sao vẫn ngập?

Vốn hiện nay cho các dự án chống ngập đều xin từ ngân sách Trung ương là chính và vốn vay ODA và số tiền này còn thấp hơn nhiều lần so với quá trình xây dựng đô thị hóa. Hàng nghìn tỷ đồng đổ vào bê tông hóa, đô thị hóa nhưng lại chỉ có khoảng 30% số tiền bỏ vào hạ tầng thoát nước so với yêu cầu thành ra mất cân đối. Với số tiền ấy, việc chống ngập chỉ giống như nhà chỉ có tiền làm móng và cột, mà chưa có mái nên vẫn còn dột. Xã hội có tình trạng một người chống ngập nhưng có 100 người làm ngập.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa số tiền bỏ ra không hiệu quả. Bằng chứng những nơi đã bỏ tiền vào chống ngập đã giảm hẳn như giai đoạn 2008-2010, có tới 150 điểm ngập ở khắp thành phố (ngay cả UBND TP, chợ Bến Thành, vòng xoay Lý Thái Tổ, đường 3/2… đều ngập). Nhưng đến nay chỉ còn 60 điểm ngập nghĩa là đã giảm được 100 điểm chủ yếu là nhờ diện tích đã được đầu tư cho việc chống ngập.

Được biết, TP.HCM đang triển khai 2 dự án ở phía Bắc và phía Nam để chống ngập lụt. Theo ông như thế đã đủ để giải phóng dòng chảy chưa?

Hiện TP.HCM đang triển khai 2 dự án lớn: Thứ nhất, ở khu vực phía Nam thuộc Nhà Bè và Q7 để giảm ngập do triều cường. Mình làm được không phải bằng vốn Nhà nước bỏ ra mà giao lại cho tư nhân làm sau đó mình trả bằng đất. Hoàn thành khu vực này không chỉ tốt cho khu vực phía Nam mà còn tác dụng cả với 10 quận trung tâm. Thứ hai, dự án phía Bắc hay còn gọi là khu Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên thai nghén đã lâu nhưng nay mới bắt đầu triển khai. Nếu đẩy mạnh khu vực này thì sẽ giảm ngập Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú… Nhưng hai dự án này sau 2020 mới có tác dụng và hiệu quả thì khi ấy tổng diện tích chống ngập coi như đã đi được nửa đường, tương đương khoảng 400km. Còn khu vực Thủ Thiêm, Q2, Q9 Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi… vòng rìa nữa cần phải xử lý chống ngập. Chiến lược TP HCM là làm lõi, sau đó nới ra và làm đến vòng ba thì mới hết ngập theo kiểu vết dầu loang.

Nhưng để làm được 400km chống ngập mình mất khoảng 15 năm. Và thêm 15 năm nữa để làm hệ thống hạ tầng cho việc chống ngập còn lại, nghĩa là chúng ta sẽ mất những 30 năm.

Nếu tăng số tiền cho đầu tư liệu thời gian có được rút ngắn không thưa ông?

Kinh phí cho việc chống ngập từ năm 2010 trở về trước là 5.000 tỷ đồng/năm cho TP.HCM. Từ 2010-2015 do gặp khủng hoảng kinh tế nên con số đầu tư chỉ còn 500-700 tỷ đồng mà thôi. Với số tiền ít ỏi này dường như không có gì mới mở ra mà tiền để chống ngập chỉ là vá víu sửa chữa. Tuy nhiên, từ 2016-2020, TP.HCM đã được hứa mỗi năm dành 5.000 tỷ đồng, tương đương như giai đoạn trước. Với tốc độ 5.000 tỷ đồng/năm trong khi vốn cần 80.000 tỷ đồng để làm cho 400km chống ngập, nghĩa là mất 16 năm để làm. Nếu muốn rút ngắn thời gian thì cần phải tăng số tiền. Mà tiền ở đâu ra, Nhà nước không thể bao cấp mãi. Chúng ta cũng có thể để DN làm rồi trả bằng đất, nhưng sợ rằng chẳng có quỹ đất mà đổi. DN cũng không mặn mà lắm với việc này, vì làm cao tốc thì còn có trạm thu phí mà hoàn vốn, chứ làm chống ngập thì hoàn vốn bằng cách nào.

Thế nên ngoài vấn đề phát triển đô thị bền vững, đưa quy định về dòng chảy tràn ra ngoài không được vượt quá 50% và cần đa mục tiêu. Chẳng hạn có thể kết hợp với các vật liệu công nghệ mới của Thụy Sĩ, Pháp với loại bê tông có tính năng có thể hút phần nào lượng nước và bốc hơi nhưng lại thân thiện môi trường. Bê tông để lát vỉa hè nhưng nay có thêm chức năng nữa là thấm nước, một vốn nhưng hai tác dụng.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.