Đường bộ

Bài cuối: Loạt dự án giao thông nghìn tỷ thay đổi diện mạo TP.Thuận An

04/01/2022, 10:56

TP.Thuận An (Bình Dương) tiếp tục trở thành “mảnh đất vàng” thu hút nhà đầu tư bất động sản với loạt dự án hạ tầng sắp được triển khai.

LTS: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại để tạo nền móng cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, trên thực tế, đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng kinh tế Đông Nam Bộ vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được đòi hỏi phát triển.

Tới đây, thực hiện các quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ có sự đầu tư đột phá về hạ tầng giao thông, từ đó tạo cơ hội, động lực phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ. Báo Giao thông xin giới thiệu tới độc giả loạt bài cho thấy sự cần thiết đầu tư lớn cho hạ tầng thúc đẩy vùng kinh tế TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 22/12, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm về chủ đề này tại 35 Hàn Thuyên, TP.HCM với sự tham gia của đại diện các địa phương, cơ quan quản lý, nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế. Kính mời độc giả quan tâm theo dõi.

Quốc lộ 13 - Con đường bạc tỷ

Năm 2021, tỉnh Bình Dương tiếp tục trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới (Smart21) của Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF).

Thuộc vùng đổi mới sáng tạo của Bình Dương, Thuận An được định hướng trở thành thành phố thông minh - đô thị loại 1 của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 bắt đầu từ việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng hiện đại mở đường cho sự phát triển.

img

Dọc tuyến quốc lộ 13 đoạn qua TP Thuận An, Dĩ An tỉnh Bình Dương đang có nhiều nhà đầu tư bất động sản triển khai hàng loạt các dự án quan trọng.

Quốc lộ 13 là một trong những trục giao thông xương sống của các tỉnh thành thuộc vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Với tổng chiều dài 140,5 km, đi qua TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, tuyến Quốc lộ 13 góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Nam.

Một phần trục QL13 ngang qua TP Thuận An hiện nay đã được quy hoạch thành đại lộ tài chính - thương mại - dịch vụ lớn nhất Bình Dương.

Đồng thời, từ trục đại lộ này sẽ phát triển 5 trung tâm thương mại cấp đô thị. Việc quy hoạch hạ tầng bài bản cùng tiến độ triển khai nhanh chóng khiến bất động sản tại Thuận An những năm gần đây được đà tăng giá.

Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia bất động sản đánh giá, với lợi thế kết nối xuyên suốt từ quốc lộ 13 về TP.Thủ Đức và trung tâm TP.HCM, các dự án tại khu vực này hưởng lợi rất lớn và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Chuyên gia này lý giải, một trong những lý do lớn thúc đẩy nhu cầu sở hữu bất động sản tại TP Thuận An, Dĩ An nói riêng và Bình Dương nói chung chính là nhu cầu ở thực của những người đang sinh sống và làm việc trong toàn vùng TP.HCM và các đô thị vệ tinh.

"Mặt bằng giá bất động sản tại TP.HCM hiện đã lên rất cao. Những căn hộ giá 30-35 triệu đồng/m2 từ rất lâu đã gần như không còn trên thị trường. Điều này kéo theo xu hướng di cư của những người có nhu cầu ở thực, họ tìm đến những nơi có chất lượng sống tương đương, kết nối không quá xa, nhưng giá phải chăng hơn nhiều", ông Nguyễn Hoàng nói.

Bên cạnh đó, nhờ lợi thế vị trí giáp ranh TP.Thủ Đức, TP.HCM và kết nối đồng bộ qua hạ tầng hoàn thiện, người dân tại TP. Thuận An chỉ mất khoảng 20 phút về TP.Thủ Đức và 30 phút để di chuyển vào trung tâm TP.HCM thông qua quốc lộ 13 kết nối Phạm Văn Đồng, ĐT 743, ĐT 743B, ĐT 43, Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối ra Quốc lộ 1K đến xa lộ Hà Nội...

img

Sau khi hoàn thiện, tuyến đường được kỳ vọng tạo trục đường liên kết, nâng cao hiệu quả khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong khu vực.

Tuyến kết nối hơn 2.000 tỷ đồng

Ngày 5/10/2021, tỉnh Bình Dương tổ chức khởi công xây dựng hai tuyến đường, bao gồm đường nối ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng dài gần 17.8 km, tổng mức đầu tư gần 1.471 tỷ đồng và đường nối Tân Long đến Lai Uyên trị giá gần 564 tỷ đồng dài khoảng 8.7 km. Tổng mức đầu tư 2 dự án là hơn 2.000 tỷ Đồng.

Đây là tuyến giao thông quan trọng nhằm kết nối các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng với huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, TP.HCM và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Sau khi hoàn thiện, tuyến đường được kỳ vọng tạo trục đường liên kết, nâng cao hiệu quả khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của toàn vùng.

Có thể nói, với quan điểm hạ tầng giao thông đi trước tạo đột phá, tỉnh Bình Dương đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhiều dự án hoàn thành đã phát huy hiệu quả.

Đến nay tỉnh Bình Dương có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Là mảnh đất vàng cho các nhà đầu tư bất động sản trong thời gian tới.

Loạt bài: Cấp thiết đầu tư hạ tầng giao thông cho tam giác TP.HCM - Đồng Nai - Vũng Tàu

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.