Xã hội

Bài học đắt giá từ vụ 3 du khách tử nạn ở Đà Lạt

29/02/2016, 06:28

Khám nghiệm tử thi bước đầu xác định, ba du khách tử nạn tại thác Datanla là do chấn thương sọ não.

A2
Lực lượng chức năng tiến hành đưa thi thể nạn nhân ra khỏi khu vực bị nạn

Vụ ba du khách người Anh tử nạn tại thác Datanla (TP Đà Lạt) đã gióng lên hồi chuông báo động, đồng thời cũng là bài học đắt giá cho những người làm quản lý ngành Du lịch của thành phố đầy mộng mơ này.

Ngày 28/2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi bước đầu xác định, ba du khách tử nạn tại thác Datanla là do chấn thương sọ não. Những người tử nạn đến Việt Nam từ đầu năm 2016, họ đều mang quốc tịch Anh.

Nhiều du khách thích tham quan “chui”

Cơ quan pháp y nhận định, các nạn nhân tử vong do va đập vào đá gây chấn thương sọ não, loại trừ khả năng bị ngạt nước. Cụ thể, anh Snoal Chirstian (25 tuổi) bị vết thương sâu ở trán phải, rách da; Hai cô gái Anderson Beth Gisele (25 tuổi) bị rách da đầu bên trái, bầm tím mắt trái và Squireisobel Mackensie (19 tuổi) bị bầm tím 2 mắt, xây xát toàn bộ mặt, gãy chân phải và tay phải. Cũng theo Công an tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm Hữu Hoài Nguyên (31 tuổi), Giám đốc Công ty Đam Mê Đà Lạt (là đơn vị tổ chức tour cho các du khách đi thám hiểm), cùng anh Đặng Văn Sỹ (26 tuổi, hướng dẫn viên) đã được công an triệu tập ngay sau đó.

Trước đó, chiều 26/2, nhóm du khách gồm ba người (2 nữ và 1 nam) khi đang thám hiểm tại thác Datanla không may bị trượt chân, rơi xuống thác tử vong. Ngay sau đó, lực lượng cứu hộ đã đưa thi thể nạn nhân vượt theo đường mòn gập ghềnh, hiểm trở, với khoảng 400 m đường rừng cùng những con dốc dựng đứng ra QL20, rồi chuyển về Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng chờ cơ quan chức năng tiến hành điều tra. Ngay trong đêm, sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã đưa thi thể du khách bị nạn về TP HCM, bàn giao cho Lãnh sự quán Anh và chờ thân nhân sang nhận đưa về nước.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Lâm Đồng (đơn vị chủ quản khu du lịch thác Datanla) cho biết: “Khu vực du khách gặp nạn khá nguy hiểm. Đường gập ghềnh, hiểm trở, nếu đi theo đường rừng giữa đèo Prenn vào khoảng 400 m, nhưng dốc ngoằn ngoèo và dựng đứng. Ba du khách này đã không mua vé vào đây, hiện chưa biết họ đi vào bằng đường nào, nhưng nhiều khả năng họ đi “chui” và vào bằng đường rừng, đoạn giữa đèo Prenn.

Trước đây, có nhiều đơn vị du lịch lữ hành đưa khách đi “chui” vào đây để du lịch mạo hiểm. Tuy nhiên, từ tháng 6/2015, đơn vị đã thông báo và đề nghị các công ty du lịch không được đưa khách đi “chui” nữa. Để đưa du khách vào phải mua vé và có hợp đồng với khách. Thế nhưng, vẫn có một vài đơn vị đưa khách đi vào bằng hình thức “chui”, để hôm nay xảy ra sự việc không mong muốn”, ông Dũng cho biết thêm.

Bài học đắt giácho du lịch

Sáng 27/2, Sở VH,TT&DL tỉnh Lâm Đồng triệu tập cuộc họp khẩn để chấn chỉnh các hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch dã ngoại đối với tất cả các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, đặc biệt với các đơn vị kinh doanh du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch dã ngoại… để cảnh báo, buộc các đơn vị kinh doanh du lịch rà soát lại tất cả các điều kiện, phương tiện phải bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Lâm Đồng cho biết, vụ ba du khách người Anh tử nạn tại thác Datanla là bài học đắt giá cho những người làm du lịch của tỉnh Lâm Đồng. Ngành Du lịch cần chấn chỉnh ngay hoạt động kinh doanh du lịch lữ hành để đảm bảo an toàn tuyện đối và cần phải lấy đó làm bài học “xương máu” để phát triển ngành Du lịch thân thiện, an toàn cho du khách.

Chiều 27/2, ông Giles Lever - Đại sứ Vương quốc Anh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, ông cũng có chuyến thị sát thực tế tại hiện trường, khu vực thác Datanla, nơi ba du khách gặp nạn để tìm hiểu về vụ việc.

Công ty Du lịch Đam Mê (TP Đà Lạt) đã bị tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh.Đây không phải là lần đầu du khách tử nạn tại khu vực thác Datanla.

Ngày 24/9/2011, đoàn du khách nước ngoài gồm 7 người đã gặp nạn khi bất ngờ bị cây cổ thụ có đường kính khoảng 1 m, cao 20 m bật gốc đè sập một phần nhà chờ làm anh Ignatius Adri Aristiono (28 tuổi, quốc tịch Indonesia) tử vong và 6 du khách còn lại bị thương.

Ngày 25/3/2010, 8 sinh viên Trường CĐ nghề Đà Lạt đã đến khu vực thác Datanla dã ngoại và sau đó hai sinh viên trượt chân rơi xuống dòng thác tử vong.

Cũng tại cuộc họp, nhiều đại biểu đã chỉ ra nhiều bất cập trong dịch vụ tổ chức tour đưa khách đi du lịch khám phá, thám hiểm xuyên rừng, vượt thác, leo núi… Cụ thể, một số doanh nghiệp vì thu hút du khách đã hạ giá vé và tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Chính vì vậy, giá tour giảm dẫn tới chất lượng dịch vụ thấp. Song song với đó, hiện ngành Du lịch mạo hiểm chưa có một cơ quan độc lập nào đứng ra kiểm tra, thẩm định những cơ sở vật chất du lịch, việc giám sát những hoạt động tour của các đơn vị này cũng rất lỏng lẻo và tồn tại bất cập.

Ông Võ Đức Trung, Giám đốc chi nhánh Công ty CP Mạo hiểm Việt tại Đà Lạt nêu ý kiến: “Sự việc xảy ra ngày hôm nay, tôi đã cảnh báo tại cuộc họp giữa các công ty với cơ quan quản lý Nhà nước cách đây mấy năm rồi. Đừng để kiểu làm ăn thiếu tính chuyên nghiệp và cẩu thả của không ít doanh nghiệp “giết chết” du lịch Đà Lạt. Tour du lịch mạo hiểm số lượng người tham gia lên tới 20, nhưng chỉ có 2 hướng dẫn viên đi theo, làm sao đáp ứng đủ 20 con người, làm sao cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết cho du khách, tai nạn xảy ra đối với du khách là điều khó tránh khỏi”.

Được biết, Lâm Đồng có 12 đơn vị đủ điều kiện kinh doanh du lịch lữ hành quốc tế, trong đó có 8 đơn vị được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh du lịch thể thao mạo hiểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.