Chuyện dọc đường

Bài học quản lý ngành điện

22/05/2019, 07:00

Quyết định tăng giá điện được đưa ra đúng vào cao điểm mùa nắng nóng trên cả nước khiến hóa đơn tiền điện của mọi gia đình tăng vọt.

img
Tiền điện tăng cao khiến nhiều người dân than phiền. Ảnh minh họa: EVN

Lý do tiền điện tăng đột biến tới cả từ phía người dùng (sử dụng nhiều) lẫn nhà cung cấp (vì tăng giá bán), ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống dân sinh cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Xăng liên tiếp tăng chưa hết nóng lại tới điện, đã đánh trực tiếp vào túi tiền của người dân. Điều này ít nhiều nói lên tầm nhìn vĩ mô của Bộ Công thương đối với vấn đề hoạch định chính sách, nhất là những mặt hàng thiết yếu. Trong đó, giá điện luôn là nghi vấn lớn của người dân về năng lực quản lý, điều hành của EVN nói riêng và chính sách điều hành của Bộ Công thương nói chung.

Trước sự phản đối của đại đa số người dân, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc, chỉ đạo Bộ Công thương làm rõ vấn đề giá điện. Bộ Công thương đã phải thành lập đoàn kiểm tra để rà soát lại toàn bộ quá trình xây dựng giá điện mới 2019. Đồng thời, cho biết sẽ nghiên cứu, chỉnh sửa những bất hợp lý trong thang bậc giá điện hiện tại để phù hợp với thực tế cuộc sống và thu nhập của người dân.

Điện là một mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống. Do vậy, trước khi ban hành quyết sách liên quan đến giá điện, lẽ ra EVN và Bộ Công thương phải tổ chức khảo sát, lập hội đồng khoa học, lấy ý kiến rộng rãi… để việc định giá điện được minh bạch, khách quan, phù hợp với thu nhập của người dân. Biểu giá điện bậc thang được đưa ra từ năm 2014 đến nay đã lỗi thời, song không hề được xem xét, nghiên cứu, chỉnh sửa, cho tới khi bị dư luận phản ứng gay gắt.

Nếu người tiêu dùng không lên tiếng quyết liệt, thì chắc chắn EVN và cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ Công thương sẽ không có động thái rà soát lại công tác quản lý, kinh doanh điện. Và như vậy, cả nền kinh tế vẫn phải tiếp tục chịu đựng những hệ lụy tiêu cực của sự bất hợp lý trong giá điện: Người dân phải móc hầu bao nhiều hơn để trả tiền điện; doanh nghiệp phải tăng gánh nặng chi phí đầu vào; hàng hóa tới tay người tiêu dùng có nguy cơ đắt đỏ hơn; sức mua của đồng tiền yếu đi và đây là một trong những nguyên nhân làm lạm phát tăng, đi ngược lại với chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Điểm đáng chú ý trong khi dư luận bức xúc, phản ứng về tăng giá điện vô lý lẽ ra cơ quan quản lý nên, cần có sự lắng nghe, cầu thị, dành thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa những điều bất hợp lý về giá điện thì Bộ Công thương lại có văn bản yêu cầu xử lý những người phản biện, vô tình tạo vùng cấm, dung dưỡng cho sự bất hợp lý trong việc bán điện cho người dân.

Dư luận cho rằng, chừng nào còn có phản ứng về giá điện nhiệm vụ của EVN và Bộ Công thương là đưa ra giải pháp giá điện đi sát đời sống của người dân và doanh nghiệp. Có như vậy, EVN mới hòa nhịp được vào nền kinh tế thị trường và đảm bảo nhiệm vụ an ninh năng lượng được Chính phủ giao phó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.