Tài chính

Bài học từ câu chuyện DN miền Bắc đầu tiên lên sàn

11/04/2021, 06:48

Năm 2000 thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời, dù muộn so với thế giới nhưng vẫn còn mới mẻ đối với doanh nghiệp trong nước...

img

Sau cổ phần hóa, huy động vốn từ sàn chứng khoán, HAPACO đã đầu tư Nhà máy Giấy Kraft

Từ một cơ sở sản xuất giấy nhỏ, sau đó công tư hợp doanh thành doanh nghiệp Nhà nước những năm 1960 (tên gọi Xí nghiệp Giấy bìa Đồng Tiến), Công ty CP Giấy Hải Phòng HAPACO là doanh nghiệp đầu tiên tại miền Bắc niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, khi quy mô vốn điều lệ chỉ có 10,8 tỷ đồng.

DN đầu tiên của miền Bắc chào sàn

Nhớ lại bước chuyển mình đầy táo bạo ấy, ông Nguyễn Đức Hậu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn HAPACO cho hay, năm 2000 thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời, dù muộn so với thế giới nhưng vẫn còn mới mẻ đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt doanh nghiệp quốc doanh.

Tâm lý chung là hết sức bỡ ngỡ, dè dặt, mông lung với những khái niệm mới như: Thị trường vốn, kênh huy động vốn, sàn vốn, chợ vốn… đại đa số người dân chưa có nhiều hiểu biết về loại hình thị trường này, trong khi đó nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội là vô cùng lớn.

“Nhưng với HAPACO thì khác, tiếp theo đà cổ phần hóa thành công, đẩy vốn điều lệ tăng trưởng gấp 3 lần, chúng tôi quyết định lên sàn với mục tiêu huy động vốn cho đầu tư phát triển. Đây cũng chính là điểm yếu khi doanh nghiệp trước đó đa phần chỉ biết huy động vốn từ ngân hàng, phụ thuộc nhiều vào hạn mức cho vay và các yếu tố rủi ro kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá… không đủ thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn”, ông Hậu kể.

Tháng 7/2000, với mã cổ phiếu HAP, HAPACO đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên của miền Bắc cùng với 2 doanh nghiệp khác tại miền Nam niêm yết đăng ký giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM (nay là Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM-HoSE).

“Từ những ngày đầu lên sàn, tất cả thông tin kế hoạch chiến lược đều mở công khai để cổ đông biết, góp ý. Do đó, ngay cả trong nội bộ cũng có nhiều người dao động, lo sợ bởi thói quen dựa dẫm vào Nhà nước từ trước. Từ phía ngoài, bên cạnh những lời khen, động viên, là những ánh mắt thăm dò sát sao từng động thái”, ông Hậu nói và cho hay, công khai minh bạch thông tin củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tuy nhiên cũng có mặt trái khi mở ra đồng nghĩa phải đối mặt những hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây khó khăn trong hoạt động đầu tư.

Do đó, HAPACO xác định phải củng cố, xây dựng vững chắc trong quản trị, đủ trí, đủ lực để không phải e dè với đối thủ.

Kết quả ngay sau khi chào sàn, HAP đã có sức hút lớn đối với nhà đầu tư, giá trị cổ phiếu trên thị trường đạt 146.000 đồng/cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng (tăng trưởng 1.460%).

Số lượng cổ đông tăng theo cấp số nhân, số lượng cổ phiếu giao dịch thanh khoản tăng cao hàng ngày, HAPACO quyết định phát hành chào bán 1 triệu cổ phiếu ra công chúng vào năm 2002 để tăng vốn điều lệ.

Kết quả thu về 32 tỷ đồng, thặng dư vốn tăng trưởng 320%, HAPACO đem đổ vào đầu tư Nhà máy Giấy Kraft, chuyên sản xuất các sản phẩm bao bì công nghiệp xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, công suất 22 nghìn tấn/năm.

Dấn thêm bước nữa, HAPACO tiếp tục phát hành cổ phiếu lần 2 và thu về hơn 100 tỷ đồng, cộng thêm vốn tích lũy và vay thêm ngân hàng, đã cho ra đời Bệnh viện Quốc tế Green, với tổng diện tích sàn hơn 20.000 m2, tỷ suất đầu tư 2,55 tỷ đồng/giường bệnh. Sau 6 năm hoạt động, bệnh viện hiện đang được khai thác vượt công suất thiết kế 21,35%.

Từ một Xí nghiệp Giấy bìa Đồng Tiến đến Công ty Giấy Hải Phòng nhỏ bé, đến nay HAPACO đã có vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng, tăng gần 100 lần so với khi chưa cổ phần hóa, tăng trưởng hàng năm luôn đạt trên 20%.

Trong 10 năm tiếp theo, ông Hậu cho biết, HAPACO đặt mục tiêu nâng vốn điều lệ lên gần 6.600 tỷ đồng, nâng vốn chủ sở hữu trên 35.000 tỷ đồng, tiếp tục đầu tư các dự án lớn hơn; Trong đó có Nhà máy Điện gió tại Gia Lai, công suất 100MW, dự án Bệnh viện Quốc tế Green thứ hai với quy mô gấp 3 lần hiện nay…

Thị trường vẫn ngóng các “ông lớn”

img

Bệnh viện Quốc tế Green do HAPACO đầu tư sau cổ phần hóa

Từ câu chuyện của những doanh nghiệp thành công trên sàn chứng khoán như HAPACO, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định: “Không có thị trường chứng khoán thì cũng không có sự trưởng thành của các tập đoàn tư nhân tại Việt Nam. Đây chính là kênh vốn vô tận nếu doanh nghiệp biết cách khai thác”.

Cụ thể, khởi đầu với 3 mã cổ phiếu là REE, SAM và HAP, đến nay, đã có hàng nghìn doanh nghiệp góp mặt trên sàn chứng khoán. Đến cuối tháng 2/2021,thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 2.254 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch.

Tính chung, vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt khoảng 6,6 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 110% GDP năm 2020. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết theo báo cáo tài chính quý IV/2020 (chưa kiểm toán) ghi nhận 82% doanh nghiệp có lãi - mức tương đương với quý IV/2019.

Trong đó, lợi nhuận sau thuế quý IV/2020 của các công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, quy mô thị trường chứng khoán Việt vẫn còn khá nhỏ, các sản phẩm chưa đa dạng, tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao... trong khi chế tài chưa đủ sức răn đe, hạn chế về hạ tầng dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh, ảnh hưởng đến niềm tin vào thị trường.

Ông Võ Trí Thành cho rằng, thị trường chứng khoán Việt đang thiếu những “món ăn hấp dẫn” được kỳ vọng tạo ra từ chính những “ông lớn” là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Thế nhưng, kết thúc năm 2020, còn 91 doanh nghiệp chưa được cổ phần hóa theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, Agribank với tổng tài sản ngân hàng đã đạt trên 1,57 triệu tỷ đồng cũng đã thông báo lùi lại thời gian.

Được kỳ vọng không kém là hai ông trùm ngành viễn thông là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng chưa công bố thời gian IPO cụ thể. Ngoài ra, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam… là những cái tên đáng chú ý khác.

Hay như tại TP HCM, số doanh nghiệp nằm trong danh sách cổ phần hóa cũng có nhiều tên tuổi lớn như: Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (Saigoncons), Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), Tổng công ty Bến Thành (BenthanhGroup), Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist)...

Giải pháp đẩy nhanh DN Nhà nước ra thị trường

Chia sẻ với Báo Giao thông, Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, giá trị vốn Nhà nước đang nằm trong các doanh nghiệp chưa niêm yết rất lớn. Cụ thể, tính tới hết năm 2019, tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 818 doanh nghiệp là 1.601.182 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 3.806.789 tỷ đồng.

Thời gian tới tái cơ cấu gắn với niêm yết sẽ trở thành quy định bắt buộc đưa vào luật, chứ không chỉ còn là 1 chủ trương hay kế hoạch nữa. Đây được coi là giải pháp để doanh nghiệp Nhà nước xét lại mình, nếu không làm sẽ bị thụt lùi và tự đào thải. Mong rằng thị trường vốn cũng là kênh phản ánh chuyên nghiệp về tình hình sức khỏe, xếp hạng quản trị của doanh nghiệp.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính

“Quá trình cổ phần hóa, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước với mệnh lệnh hàng đầu là cung cấp hàng ra thị trường vốn, dần dần “cởi trói” cho doanh nghiệp đi theo thị trường. Thế nhưng, nhìn lại, giai đoạn từ 2016 trở về trước, chỉ có 8% vốn Nhà nước được giải phóng ra thị trường. Giai đoạn tiếp theo từ 2016-2020 với tinh thần quyết liệt, con số này cũng chỉ tăng lên được 11%. Do đó, ở góc độ cổ phần hóa, tái cấu trúc đã không thành công, song xét về thị trường vốn vẫn còn dư địa lớn, tới 89% giá trị vốn Nhà nước”, ông Tiến phân tích.

Theo ông Tiến, một trong những yếu kém của doanh nghiệp Nhà nước cũng là rào cản cổ phần hóa chính là cách quản trị vẫn mang tính đối phó. Có hơn 70% doanh nghiệp Nhà nước không chấp hành quy định công bố thông tin, đó là chưa kể chất lượng thông tin có minh bạch, đúng, đủ hay không.

“Chính vì vậy, trọng tâm tái cơ cấu lần tới phải là đổi mới quản trị. Đây cũng là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp Nhà nước minh bạch phát triển theo thị trường. Tất cả doanh nghiệp Nhà nước phải chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần gắn với niêm yết. Tức là khi đã đủ điều kiện thì mời anh lên sàn, nếu không thì buộc phải cải tổ lại bộ máy, người đại diện vốn để lãnh đạo doanh nghiệp”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, tập đoàn, tổng công ty phải là “những con sếu đầu đàn”, phải gương mẫu, phải khỏe, không thể lẹt đẹt mãi được. Chính vì thế, tới đây sẽ không có chuyện bảo lãnh cho doanh nghiệp Nhà nước nữa.

Ví như ngành điện, không thể nào đánh giá hệ số tín nhiệm rồi vẫn “ngửa tay” vay Chính phủ hay xin vay ưu đãi vượt hạn mức; cũng không có động thái nào hướng ra thị trường như thiếu tiền thì phát hành trái phiếu, cổ phần hóa đưa lên niêm yết….

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.