Tài chính

Bài học từ những dự án FDI “đắp chiếu” cả thập kỷ

17/08/2022, 06:30

Theo các chuyên gia, việc thu hút được nhiều vốn FDI là tốt, song nếu vốn đầu tư đổ quá nhiều vào BĐS thì cũng cần xem xét...

“Án binh bất động” sau khởi công

Nằm ở trung tâm phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội, Dự án tổ hợp chung cư Booyoung Vina có diện tích 4,3ha do Công ty TNHH Booyoung Việt Nam (đơn vị thành viên của Booyoung Hàn Quốc) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư lên tới 171 triệu USD (gần 4.000 tỷ đồng hiện tại).

Dự án được cấp phép từ năm 2006 và dự kiến hoàn thành vào năm 2010, với 6 tòa chung cư cao 30 tầng. Năm 2007, dự án khởi công lần đầu tiên nhưng sau đó nằm “bất động” thời gian dài.

img

Dự án Booyoung Vina hiện chỉ có 2 tòa chung cư được xây dựng trên lô đất CT-04 và CT-07, 4 lô đất còn lại đang quây tôn, bỏ hoang Ảnh: Tạ Hải

Đến tháng 9/2015, chủ đầu tư tiếp tục thi công xây dựng dự án trên các lô đất ký hiệu CT-04 và CT-07. Do đó hiện tại, “siêu dự án” chỉ có 2 tòa chung cư được xây dựng trên lô đất CT-04 và CT-07 và đón cư dân về ở, 4 ô đất còn lại đang quây tôn, bỏ hoang.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện phường Mộ Lao cho biết, đơn vị này đang điều chỉnh dự án, chưa triển khai xây dựng.

Theo số điện thoại của phường cung cấp, PV Báo Giao thông liên hệ với đại diện phiên dịch của doanh nghiệp, vị này xác nhận thông tin, dự án đang xin điều chỉnh, tăng thêm tầng hầm.

Lý giải về nguyên nhân “đắp chiếu” cả thập kỷ, vị này cho biết, chủ đầu tư chưa xây dựng là do chờ nghiên cứu thị trường.

Tương tự là Dự án Times Square được phát triển bởi liên doanh giữa VinaCapital và Công ty Thăng Long GTC - một đơn vị thành viên của Tổng công ty Du lịch Hà Nội, với tỷ lệ sở hữu tương ứng 65% - 35%.

Dự án bao gồm một khu đất có diện tích 40.000m2 liền kề trung tâm mua sắm Big C Thăng Long và đối diện Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Khởi công xây dựng ngày 18/12/2008, Times Square với tổng số vốn đầu tư khoảng 50 triệu USD dự kiến hoàn thành vào quý IV/ 2011.

Sau đó, VinaLand (VNL) đã thoái toàn bộ vốn khỏi dự án này và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài Elite Capital Resources Limited. Dù vậy, đến nay dự án này vẫn “án binh bất động”.

Không chỉ ở Hà Nội, những dự án FDI “đắp chiếu” còn diễn ra trên nhiều địa phương khác. Điển hình như Dự án Paradise Vũng Tàu.

Paradise Vũng Tàu được Bộ KH&ĐT cấp phép từ năm 1991 cho liên doanh giữa Công ty Du lịch quốc tế Vũng Tàu và Công ty Paradise Development and Investment của Đài Loan.

Theo giấy phép, dự án có diện tích 220ha tại khu vực Bãi Sau thuộc TP Vũng Tàu, tổng vốn đầu tư hơn 97 triệu USD. Vào thời điểm cách đây 25 năm, đây là dự án du lịch có quy mô lớn nhất cả nước có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo giấy phép đầu tư, Paradise Vũng Tàu có nhiều hạng mục, nhưng trong suốt thời gian qua chỉ có sân golf 27 lỗ, rộng 130ha và khu thể thao dưới nước, khách sạn 38 phòng, nhà rông 54 căn được đầu tư, hoạt động (chưa bằng 1/10 quy mô cam kết). Các hạng mục lớn khác vẫn nằm trên giấy.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc của dự án này là do đối tác Đài Loan không đủ năng lực tài chính. Phía đối tác Đài Loan đã đề xuất tìm nhà đầu tư mới với điều kiện dự án phải được gia hạn lên 50 năm nhằm tăng tính khả thi cho việc kêu gọi vốn…

Đầu tư FDI cũng cần thanh lọc

Ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội đánh giá, Việt Nam tiếp tục là “điểm sáng” thu hút doanh nghiệp FDI.

Là ngành kinh tế mũi nhọn với sức tăng trưởng ổn định và bền vững tại Việt Nam, bất động sản tất yếu trở thành “miếng bánh hấp dẫn” cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, 2/3 doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng.

Theo thống kê, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 6 tháng qua đạt trên 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Bên cạnh đó, cũng có tình trạng dự án của doanh nghiệp FDI chậm triển khai do một số nguyên nhân như vướng mắc về mặt pháp lý, hay như việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.

Song nguyên nhân phổ biến nhất vẫn đến từ năng lực của chủ đầu tư, bao gồm cả năng lực tài chính hoặc chủ đầu tư thiếu sự tìm hiểu, nghiên cứu thị trường.

Ngoài ra, cũng có nhiều dự án mà chủ đầu tư thiếu tầm nhìn về quy hoạch, vội vã chạy theo xu hướng của thị trường nhưng không thẩm định kỹ lưỡng...

Do đó, ông Thành cho rằng, doanh nghiệp FDI khi gia nhập thị trường nên liên doanh với các chủ đầu tư hoặc tìm đến các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức sâu rộng trong ngành bất động sản để được tư vấn, đảm bảo quy trình và tiến độ pháp lý trong quá trình phát triển dự án.

“Về phía Nhà nước, cũng cần chọn ra các nhà đầu tư tiềm năng và chất lượng, có thể yêu cầu chứng minh tài chính và hồ sơ năng lực từ các nhà đầu tư”, ông Thành nói.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần phải có “bộ lọc” để chỉ thu nạp những nguồn vốn FDI “sạch”, mang tính chất lâu bền từ doanh nghiệp có tầm chứ không chạy theo FDI bằng mọi giá.

Đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, trì trệ để đấu giá, tìm nhà đầu tư tiềm năng, phù hợp hơn…

“Thay vì thu hút FDI một cách ồ ạt, chúng ta nên chấp nhận bước chậm lại qua “bộ lọc” để đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai”, ông Thịnh nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng khẳng định, hút được nhiều vốn FDI là tốt, nhưng nếu vốn đầu tư đổ quá nhiều vào bất động sản thì cần xem xét.

Đặc biệt, nếu dòng vốn chủ yếu chạy vào các sản phẩm cao cấp, nghỉ dưỡng thì chỉ làm nóng thị trường, làm dư thừa nguồn cung ở phân khúc đó, chứ không tạo ra lực đẩy cho nền kinh tế.

“Để làm được điều đó, chúng ta cần có những thống kê, tổng hợp một cách đầy đủ về vốn FDI trong bất động sản, để xem cơ cấu dòng vốn đổ vào các phân khúc ra sao. Từ đó, có được cái nhìn chính xác và cân nhắc có nên tiếp tục khuyến khích FDI đổ vào bất động sản hay không”, ông Hiếu nói.

Bộ KH&ĐT vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.

Đối tượng rà soát là các dự án có vốn đầu tư đăng ký từ 100 triệu USD trở lên; dự án có diện tích đất sử dụng từ 50ha trở lên; dự án trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích đất từ 2ha trở lên... Trong đó, tập trung vào nhóm dự án khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và nhóm không triển khai hoặc chậm triển khai, không thực hiện theo tiến độ đã cam kết.

Từ đó, đề xuất giải pháp tháo gỡ cũng như đề xuất sửa đổi luật pháp, chính sách để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.