Chuyện dọc đường

Bài học về ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng

02/12/2020, 06:35

Chỉ cần một cá nhân chủ quan, lơ là, cụ thể ở đây là bệnh nhân 1342, cái giá mà cộng đồng và xã hội phải trả là rất đắt.

img
Trường Tiểu học Võ Văn Tần là một trong hai trường ở quận 6, TP.HCM cho học sinh nghỉ học để phòng tránh Covid-19

Trong hai ngày qua, cuộc sống của người dân TP.HCM có phần nào xáo trộn bởi những thông tin về việc xuất hiện các ca lây nhiễm Covid-19 mới.

Một số trường đã cho học sinh nghỉ học, một số điểm sinh hoạt cộng đồng phải đóng cửa - điều mà trước đó chỉ một ngày, rất ít người nghĩ rằng nó sẽ xảy ra. Thậm chí, đã không ít người hoang mang, nghĩ tới điều mà bất cứ một ai đều cầu mong nó sẽ không diễn ra: Dịch bùng phát. Khi đó, giãn cách xã hội sẽ lại thực hiện, các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương buôn bán lại bị đình trệ.

Đó sẽ là điều thực sự khủng khiếp, bởi giai đoạn hai của dịch Covid-19 vừa kết thúc chưa được bao lâu, trong khi nhiều doanh nghiệp còn chưa vực dậy được, cuộc sống của người dân vẫn còn biết bao khó khăn sau hai đợt dịch.

Có thể nói, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đề cao cảnh giác. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn xuất hiện ca lây nhiễm đầu tiên ra cộng đồng sau 88 ngày không ghi nhận.

Đây chắc chắn là điều mà các cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ, để trả lời cho câu hỏi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi ông chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ vào chiều 1/12: “Trách nhiệm về việc lây nhiễm này thuộc bộ phận nào, cá nhân nào trong thực hiện quy trình cách ly? Cơ quan nào chịu trách nhiệm?”.

Ngay sau khi xuất hiện ca nhiễm mới, việc truy vết nguồn gốc lây nhiễm đã được các cơ quan chức năng TP.HCM thực hiện nhanh chóng và áp dụng các biện pháp cần thiết để kiểm soát dịch. Tuy nhiên, sự việc này cũng lại một lần nữa cho thấy, chỉ cần một cá nhân chủ quan, lơ là, cụ thể ở đây là bệnh nhân 1342, cái giá mà cộng đồng và xã hội phải trả là rất đắt.

Từ sau đợt dịch lần thứ hai đến nay, không khó để nhận thấy sự chủ quan, coi thường các quy định, khuyến cáo phòng, chống dịch của nhiều người dân. Họ sẵn sàng đến nơi công cộng, đi trên các phương tiện giao thông công cộng, vào rạp hát, khu vui chơi giải trí mà không hề đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn...

Tại Hà Nội và TP.HCM quy định chặt chẽ việc đeo khẩu trang nơi công cộng, trong khi một số tỉnh, thành phố khác lại không. Trong khi đó, tại Hà Nội và TP.HCM, dù có quy định nhưng không phải lúc nào, thời điểm nào người dân cũng ý thức được việc tuân thủ để đảm bảo phòng chống dịch một cách hiệu quả nhất.

Từ nay đến cuối năm, đất nước sẽ diễn ra nhiều sự kiện lớn, các ngành, các cấp, các địa phương chắc chắn cũng sẽ có rất nhiều các cuộc họp tổng kết cuối năm, tập trung đông người; hoạt động giao thương, mua bán, đi lại dịp giáp Tết chắc chắn cũng sẽ rất nóng... Chưa kể, chúng ta đã và sẽ còn đón nhiều công dân từ các “trung tâm dịch” của thế giới về nước. Vậy thì biện pháp nào để đảm bảo an toàn?

Và dù có là biện pháp nào đi nữa, mà ý thức phòng, chống dịch của mỗi người dân chưa cao, còn lơ là, chủ quan, coi thường các quy định và khuyến cáo, thì chắc chắn khi đó dịch bùng phát vẫn sẽ là mối lo thường trực. Bởi nhiều khi, chỉ cần sự chủ quan, thiếu ý thức của một cá nhân thôi, công sức và mọi sự cố gắng của cả hệ thống chính trị sẽ trôi sông, đổ bể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.