Đô thị

Bãi xe “chặt chém” khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông

24/11/2021, 10:02

Nhiều người dân đã chọn tàu Cát Linh - Hà Đông để đi lại nhưng gặp khó khi tìm chỗ gửi xe, thậm chí phải gửi với giá “trên trời”.

Tuyến Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vừa được đưa vào vận hành khai thác thương mại từ ngày 6/11. Nhiều hành khách đã lựa chọn loại hình vận tải công cộng hiện đại này để đi lại.

Tuy nhiên, quá trình gửi phương tiện cá nhân để đi tàu, người dân vẫn rất chật vật, thậm chí phải gửi với giá “trên trời”.

img

Bãi trông giữ xe có phép được trông giữ trên vỉa hè ga Cát Linh trông khá nhếch nhác

Bất tiện vì khó tìm chỗ gửi xe

Hiện xung quanh khu vực ga Cát Linh (bán kính 300m) đang được bố trí 2 bãi đỗ xe có thu phí để phục vụ khách đi tàu. Bãi giữ xe thứ nhất nhận trông giữ xe máy được bố trí trên một đoạn vỉa hè phố Hào Nam ngay trước ga Cát Linh.

Bãi giữ xe thứ hai nhận trông giữ cả ô tô và xe máy được bố trí tại ngõ 168 phố Hào Nam. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khai thác ô tô Ngọc Quang là đơn vị duy nhất được chấp thuận cho tổ chức trông xe có thu phí, giá vé gửi xe phải tuân thủ theo quy định của UBND TP Hà Nội.

Tuy nhiên, phản ánh tới Báo Giao thông, anh Đoàn Ngọc Tùng (Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, quá trình gửi ô tô để đi tàu, anh và một số bạn bè đang bị bãi xe có phép trên “chặt chém”.

Theo anh Tùng, nhà anh ở Ngã Tư Sở gần với ga Láng và theo sổ tay hướng dẫn hành khách sử dụng tàu Cát Linh - Hà Đông anh rủ thêm bạn bè qua Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (220 đường Láng), nhưng tại đây bảo vệ không cho người dân gửi xe để đi tàu.

“Tìm xung quanh khu vực ga cũng không có, chúng tôi buộc phải di chuyển từ đường Ngã Tư Sở qua ga Cát Linh để vào gửi xe đi tàu. Qua đây, gửi xe ô tô của bãi xe có phép được bố trí tại ngõ 168 phố Hào Nam, họ thu 50.000 đồng/xe, nhân viên còn không đưa vé. Trong khi đó, gửi xe tại đây chúng tôi phải di chuyển qua một ngõ dài và 2 toà nhà mới đến toà nhà A để đi tàu, như vậy thấy rất bất tiện”, anh Tùng nói.

Anh Tùng chia sẻ, là người làm du lịch 30 năm và đã đi 64 nước trên thế giới, sử dụng không biết bao nhiêu tàu điện, song khu vực nhà ga của các nước đều có bãi đỗ xe ngầm rất rộng, được miễn phí.

“Mọi người đi xuống tầng hầm vừa gửi xe đi tàu điện, vừa mua sắm do họ thiết kế làm trung tâm thương mại, ăn uống’, anh Tùng kể.

Bãi trông giữ tự phát tha hồ “chặt chém”

img

Điểm trông giữ xe tự phát ngay ga Cát Linh thu với giá cao khiến hành khách bức xúc

Tìm hiểu của PV, để trang bị những thông tin thiết yếu cho hành khách sử dụng tàu Cát Linh - Hà Đông, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã phát miễn phí hàng nghìn “Sổ tay hướng dẫn đi tàu”.

Trong đó có danh sách 12 điểm trông giữ xe cho hành khách tương đương với 12 nhà ga dọc tuyến.

Tuy nhiên thực tế, đa số điểm được gợi ý trong sổ tay lại không nhận trông giữ xe như điểm: Cây xăng Văn Khê (ga Văn Khê); Trường THCS Văn Khê, số 35 Phan Đình Giót, Hà Đông (ga La Khê); Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, 220 đường Láng (ga Láng); Học viện Y dược học cổ truyền (ga Phùng Khoang); Trung tâm TDTT số 102 Đặng Tiến Đông (ga Thái Hà)…

Sáng 23/11, có mặt tại Trường THCS Văn Khê, (số 35 Phan Đình Giót, Hà Đông), trong vai hành khách vào gửi xe đi tàu, bảo vệ tại đây tỏ vẻ ngạc hiên hỏi: “Gửi xe sao lại vào đây?”.

PV chia sẻ, gửi theo hướng dẫn của sổ tay cho khách đi tàu, lập tức bảo vệ nhà trường từ chối nhận.

“Ở đây không phải là điểm bố trí cho khách đi tàu điện, chúng tôi chưa nhận được thông tin này, hiện học sinh sắp tới trường, chỗ để xe cho học sinh còn không đủ. Chắc họ cứ ghi đại thế cho hành khách yên tâm, sau đó ra ga người nào gửi đâu thì gửi”, bảo vệ này nói.

Tiếp tục ghi nhận tại lối vào gửi xe khu vực Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, khi đề cập việc gửi xe để qua ga Hà Đông đi tàu, lập tức nhân viên bệnh viện yêu cầu PV quay xe và nói: “Ở đây chỉ tiếp nhận người gửi xe vào viện, không được nhận xe từ bên ngoài”.

Cũng trong vai hành khách gửi xe tại ga Cát Linh, PV được một người phụ nữ tên Oanh đon đả mời chào gửi xe ở cạnh sảnh A ga tàu cho tiện thay vì phải đi vòng vèo tìm lối lên tàu.

Khi vừa đưa vé cho khách, người này yêu cầu trả tiền trước với giá 10.000 đồng. PV thắc mắc khi vé gửi tại đây ghi thông tin: “Trông giữ xe Phủ Tây Hồ - Phường Quảng An”, người phụ nữ này liền trấn an: “Yên tâm, dù là điểm gửi tự phát nhưng thực tế chúng tôi đều xin phép địa bàn rồi, không tự dưng mở ra trông giữ được đâu”.

Cũng gửi xe tại đây để đi tàu về khu vực Yên Nghĩa (Hà Đông) làm việc từ sáng, đến chiều tối tới nhận xe, chị Hiền (Hào Nam, Đống Đa) rất bức xúc khi phải trả 20.000 đồng do điểm tự phát này tự ý thu theo giờ.

“Họ thu giá tuỳ tiện, nếu cứ gửi xe đi tàu thay phương tiện cá nhân số tiền tôi bỏ ra chắc chắn sẽ nhiều hơn đi xe máy. Thành phố đã làm được tàu điện để trợ giá cho dân đi nhưng điểm gửi xe không lo được. Điều này khiến tôi và một số đồng nghiệp khác không mặn mà”, chị Hiền bày tỏ.

Sẽ rà soát, đề xuất các vị trí để xe tạm thời

img

Gửi xe để đi tàu Cát Linh - Hà Đông phóng viên lại nhận được vé với tên địa điểm ở Phủ Tây Hồ

Cũng theo khảo sát của PV, tại một số ga cho thấy, sau khi tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông chính thức khai thác thương mại, một số lối đi, lên xuống thang máy nhà ga (như ga Văn Quán) thường xuyên bị cửa hàng kinh doanh gần đó chiếm dụng để làm nơi đỗ hoặc trông giữ xe máy tự phát gây cản trở đi lại và mất mỹ quan nhà ga.

Cụ thể, trên một số ga Văn Khê, Hoàng Cầu, Thượng Đình đều đang xuất hiện điểm trông giữ xe tự phát và thu với giá tuỳ tiện 10.000 đồng/xe.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Việt Hải, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, vừa qua xuất hiện tình trạng nhiều cá nhân lập bãi xe tự phát “chặt chém” phí gửi xe của hành khách cao gấp nhiều lần quy định, gây phản cảm, bức xúc đối với người dân.

Hiện Sở GTVT đang yêu cầu Thanh tra GTVT phối hợp liên ngành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Chúng tôi có văn bản đề nghị UBND các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội phối hợp rà soát, đề xuất các vị trí để xe đạp, xe máy tạm thời dưới gầm cầu thang lên, xuống hay những vị trí dưới lòng đường, vỉa hè để phục vụ người dân đi tàu”, ông Hải nói.

Liên quan việc miễn phí cho khách gửi phương tiện cá nhân để thu hút khách đi tàu, ông Hải cho biết, việc này cần trao đổi với các quận để xin ý kiến thành phố.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi ghi nhận từ thông tin báo chí sẽ yêu cầu đội địa bàn phối hợp để xử lý nghiêm.

“Hành khách nên chọn bãi xe có phép để gửi, tránh gửi ở điểm trông giữ tự phát dễ bị “chặt chém”. Đơn cử, ở ga Cát Linh, khách có thể gửi vào điểm trông giữ có phép. Trường hợp thu quá giá, vi phạm chúng tôi đề xuất thu hồi giấy phép để cho đơn vị khác làm”, ông Cường nói và cho rằng, việc xử lý các điểm trông giữ tự phát, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương.

Theo chuyên gia giao thông, TS. Khương Kim Tạo, trước mắt cần tận dụng các không gian trống gần các nhà ga để làm nơi trông giữ xe cho khách đi tàu.

Tùy theo nhu cầu, khi lượng khách cao hơn, nhu cầu gửi xe lớn hơn có thể cần phải giải tỏa, tổ chức thành các khu vực giữ xe bài bản hơn để phục vụ người dân.

“Với thực trạng giao thông đan xen các loại phương tiện ở Hà Nội như hiện nay, lượng khách đi tàu đông hơn nhiều xe buýt nên không thể để khách đi tàu chỉ đi bộ tới điểm dừng xe buýt”, ông Tạo nói và cho rằng, việc tổ chức bãi giữ xe cần sự chỉ đạo từ thành phố và phối hợp của các quận, phường nơi có nhà ga.

Còn về lâu dài, trong tổ chức triển khai quy hoạch xây dựng các tuyến đường sắt đô thị cũng cần tính đến vấn đề này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.