70 năm truyền thống ngành GTVT

"Bầm dập" đời tài xế xe quá tải

24/10/2014, 07:11

Dùng đủ chiêu trò, từ cơi thùng, độn nhíp, giảm tự trọng, thuê "chim lợn" dò đường, cảnh giới, đối phó lực lượng chức năng... đời tài xế xe quá tải đầy bầm dập với những chuyến hàng "được ăn cả, ngã về không".

Tài xế Võ Thái Vinh thất thần khi bị lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm chở quá tải Ảnh: Xuân Huy
Tài xế Võ Thái Vinh thất thần khi bị lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm chở quá tải

Làm liều, đối phó

40 tuổi, tài xế xe tải 43C-016.49 Chương Mậu Hân (Đà Nẵng) dáng vẻ khắc khổ. Nước da đen xạm, mặt đăm chiêu, anh Chương bảo: “Chưa bao giờ nghiệp tài xế xe tải lại nghiệt ngã như hiện nay. Các tuyến đường chính hầu hết bị giăng “thiên la địa võng” xử lý xe quá tải. Muốn chở thêm hàng, chúng tôi tìm đủ cách giảm trọng lượng thân, vỏ xe”.

Trước nhà anh Hân, hàng loạt xe ben, xe tải “án binh bất động” trước cảnh “đói” hàng, sợ biên bản. “Muốn đi được phải căn ngày, giờ, theo dõi “nhất cử, nhất động” của lực lượng chức năng. Ngoài trạm cân cố định trên QL1, Đà Nẵng còn tổ cân liên ngành lưu động, tuần tra đột xuất và các đội TTGT, nên khó lọt”, Hân nói.

Sau 20 năm gắn bó với nghiệp xe tải, giờ anh Hân tỏ ra “đuối sức”. Theo anh, đi chở thuê, lái xe khổ trăm bề. Biết chở quá tải là phạm luật nhưng chủ hàng ép, áp lực tiền công, khiến nhiều người “bấm bụng làm liều”.

Tài xế Đào Đức Băng (Đông Hà, Quảng Trị) chủ xe tải 74C- 018.72 chuyên chở hàng từ Lào về Đông Hà rồi vào Đà Nẵng lo ngại: “Chủ trương siết xe quá tải, mình phải chấp hành. Nhưng thời buổi cạnh tranh, mình chào giá cao, chủ hàng gạt hết. Cước thấp nên phải chở quá tải để bù phí”.

Theo anh Băng, tài xế tìm đủ cách “lách” trạm cân, CSGT. Trước đây, anh thường cho tài đánh xe chạy đêm nhưng giờ trạm cân hoạt động 24/24h, xe không chạy nổi. Nhiều tài xế cấu kết với đội “cò xe” quan sát nhất cử, nhất động của lực lượng chức năng. Mới đây, tài xế xe 74C-018.72 của anh Băng đã liều lĩnh lách vào con đường rừng “né” trạm cân. “Chạy đêm, đường lạ, tai nạn luôn rình rập nhất là qua các khúc cua tay áo, dốc đèo quanh co”, anh Băng lo lắng.

Hơn chục ngày ăn trực, nằm chờ ở cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), tài xế Võ Thái Vinh (Tuy Phước, Bình Định) lái xe đầu kéo 77C-065.01 kéo sơ-mi rơ-moóc 77R-003.26 “nhắm mắt” bốc hàng chục tấn gỗ. 35 tuổi, người đen đậm, anh Vinh tỏ ra mệt mỏi sau chặng đường 300 km chở xe gỗ quá tải từ Bờ Y về Đà Nẵng. “Tôi phải căn từng mét đường. Xe trước điện xe sau để cảnh giới. Mình đi thành từng đoàn, cứ trời tối mới dám nhấn ga. Vậy mà đâu dễ lọt”, anh Vinh nhớ lại.

Theo anh Vinh, cực chẳng đã cánh tài xế mới làm liều bốc hàng quá tải. Bởi mỗi ngày cửa khẩu Bờ Y có đến vài trăm xe xếp hàng cạnh tranh từng đồng cước phí. Chủ hàng hợp đồng với doanh nghiệp vận tải. Còn phần lớn tài xế lấy xe mình chạy thuê cho các doanh nghiệp. Biết là bị ép giá nhưng không nhận, không có hàng. Còn chở thì phải quá tải mới có ăn.

Áp lực cước phí khiến nhiều xe gỗ phải chở quá tải với hi vọng được ăn cả, ngã về khôngẢnh: Xuân Huy
Áp lực cước phí khiến nhiều xe gỗ phải chở quá tải với hi vọng "được ăn cả, ngã về không"

Bầm dập

Anh Vinh kể, anh đã bật khóc khi ký tờ biên bản do Đội cân tải trọng liên ngành Đà Nẵng lập ngay tại đường Yết Kiêu (Đà Nẵng). Xe anh chở hơn 50 tấn gỗ dổi, quá tải 22 tấn. Trung tá Nguyễn Văn Minh (cán bộ Phòng CSGT Công an Đà Nẵng) ra quyết định phạt 6 triệu, tước GPLX 60 ngày. Ngặt nỗi, GPLX của anh Vinh bị Công an Lào Cai xử lý lỗi quá tốc độ cuối tháng 9/2014. Không bằng lái, xe bị tạm giữ, mỗi ngày anh “cõng” thêm 150 nghìn đồng tiền dịch vụ đậu đỗ. “Tiền chi phí ra Lào Cai mất 4 triệu, cộng thêm triệu bạc phí tạm giữ, biên bản quá tải 6 triệu, hai tháng “nghỉ không lương” chừng 8 triệu đồng. Đúng là “được ăn cả, ngã về không”, anh Vinh não nề sau chuyến xe chở quá tải bất thành.

Mỗi chuyến chở 50 tấn gỗ, anh Vinh và các tài xế xe gỗ từ Bờ Y về Đà Nẵng được trả trọn gói 30 triệu đồng. Chi phí xăng xe, chưa kể tài xế ngốn hết 18 triệu đồng. “Nếu trót lọt, bỏ túi được 8 triệu, coi như lấy công làm lãi, chưa kể khấu trừ hao mòn xe. Nhưng bị bắt lỗi quá tải thì hết sạch, thậm chí còn âm tiền”, anh Vinh ngán ngẩm.

Giọng buồn buồn, tài xế xe tải 74C-009.82 Nguyễn Thanh Sơn (Đông Hà, Quảng Trị) trăn trở: “Bầm dập lắm, chẳng thua đủ gì. Hai đứa con nheo nhóc, vợ không có việc làm nên mình phải nai lưng mà chạy. Nghề nào nghiệp đó, muốn có cái ăn lại phải chở quá tải. Bức bối lắm”.

Chạy vạy vay nóng 1,8 tỷ đồng đầu tư xe đầu kéo Trung Quốc 77C-064.23, tài xế Nguyễn Thế Hải (32 tuổi, Quy Nhơn, Bình Định) chua chát: “Mỗi chuyến gỗ chở quá tải hơn 20 tấn, xe xuống cấp mau lắm. Đi kiểm định mà xót, nhưng đành vì cái lợi, mưu sinh trước mắt và áp lực trả lãi vay ngân hàng”.

28 tuổi, quê Gia Lai, Huỳnh Văn Nguyên xuống thuê trọ ở Nha Trang (Khánh Hòa) làm tài xế xe ben 79N-0207 chở đất đá cho các dự án san lấp trên địa bàn. Với mỗi chuyến xe chất đầy đá tảng, đi xuyên các con đường cấm, Nguyên được chủ xe trả 30 nghìn đồng cho hành trình khoảng 5-7 km. Mỗi chuyến mất cả tiếng đồng hồ, trung bình một ngày Nguyên được vài ba trăm nghìn. Mới làm hai ngày, Nguyên bị Thanh tra GTVT Khánh Hòa lập biên bản, tước GPLX một tháng. “Chủ xe ép chở quá tải, biên bản họ chịu, nhưng GPLX mình bị tịch thu coi như thất nghiệp”, Nguyên nói.

Dẹp “tiêu cực phí”, tài xế sẽ tự giác chở đúng tải

Ông Nguyễn Duy Biểu, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thanh Hà (Khánh Hòa) - đại diện đơn vị vận tải, chia sẻ: “Chở quá tải, cước phí có thể giảm đến 50% nhưng bù lại, chủ xe chịu nhiều áp lực về “luật lá”, xử phạt, nguy cơ TNGT, hao mòn xe lớn. Trong khi đó, chạy đúng tải, tiêu hao nhiên liệu giảm được 10-15%, hao mòn lốp có thể giảm đến 40%, giảm tiêu cực phí... Cả xã hội phải chung tay, cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để kiểm soát xe quá tải, hoạt động vận tải sẽ đi vào trật tự”.

Đồng quan điểm, hầu hết lái xe khi được hỏi đều cho rằng, việc dẹp xe quá tải phải làm căn cơ, quyết liệt để lập lại trật tự vận tải. Dẹp nạn quá tải, giá cước vận chuyển sẽ tăng lên, cánh tài xế sẽ không bị áp lực về số lượng, đơn giá. “Muốn tài xế tự giác chở đúng tải, phải dẹp được “tiêu cực phí” trên đường, “sự nhũng nhiễu”, cạnh tranh không lành mạnh”, một tài xế xe đầu kéo nói.

Nga Dương

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.