Bất động sản

Bám lỗ hổng để trốn thuế khi mua bán nhà: không thể đổ lỗi cho người dân

25/08/2019, 10:47

Do quy định mức giá nhà đất phi thực tế, người dân bám vào lỗ hổng đó để trốn thuế, nên không thể đổ lỗi cho họ ở trường hợp này.

img
Do quy định mức giá nhà đất phi thực tế, người dân bám vào lỗ hổng đó để trốn thuế, nên không thể đổ lỗi cho họ ở trường hợp này. Ảnh minh hoạ

Tổng cục Thuế vừa có công văn gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, yêu cầu tăng cường công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân đối với các giao dịch chuyển nhượng nhà, đất. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu, khi chuyển hồ sơ để phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan chức năng, các cục thuế phải có trách nhiệm thu thập, củng cố đầy đủ hồ sơ, căn cứ pháp lý, xác định cụ thể mức giá chênh lệch, số thuế kê khai thiếu so với quy định. "Với trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo quy định thì cơ quan thuế phải chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để xử lý", văn bản của Tổng cục Thuế nêu.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, nhận định: Tình trạng kê khai giá mua bán nhà đất thấp hơn giá trị mua bán thật diễn ra khá phổ biến trong thời gian dài. Nguyên nhân chính của việc làm này là do cơ chế kiểm soát chưa chặt chẽ, giá đất Nhà nước quy định chưa sát với thực tế.

“Khi giao dịch mua bán, người mua bán thường giao dịch mức giá trên hoặc bằng mức giá Nhà nước quy định là được, có nghĩa không vi phạm. Trong trường hợp mức giá giao dịch cao hơn nhiều mức giá Nhà nước quy định, nhưng giữa người mua và người bán có sự thỏa thuận thì các cơ quan chức năng như cơ quan thuế cũng khó mà phát hiện.

Đây chính là lỗ hổng của luật pháp từ việc quy định mức giá phi thực tế, nên người dân bám vào đó làm cơ sở để trốn thuế là việc đương nhiên, chúng ta không thể đổ lỗi cho người dân ở trường hợp này. Tất nhiên, bất kể hành vi nào lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế là không tốt. Có thể có lợi trước mắt nhưng cũng có thể có những tổn thất rất lớn nếu pháp luật phát hiện vi phạm, hoặc bị chính người tham gia mua bán lừa gạt trong giao dịch dân sự”, ông Cường phân tích.

Để kiểm soát tình trạng trên, theo ông Cường, trước hết người dân khi tham gia vào quá trình giao dịch nhà, đất cần phải nhận thức, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình. Bên cạnh đó, điều căn bản và quan trọng nhất đó là cần thay đổi về quy định của luật pháp, đó là thay đổi về hình thức định giá đất của Nhà nước sát với giá thực tế thị trường.

“Mức giá đó phải được người dân – người chủ sở hữu nhà hoặc có quyền quyết định trên đất, tài sản đó được chấp nhận và chịu nghĩa vụ. Khi họ đã chấp nhận và có nghĩa vụ đóng thuế, nếu có giao dịch mua bán, đương nhiên họ sẽ chấp nhận mức giá đó, không thể sai lệch nhiều so với thực tế như hiện nay”, ông Cường nói và nhấn mạnh: “Cần có chế tài xử lý nghiêm với các sai phạm, ở đây không chỉ xử lý người trốn thuế mà cần có biện pháp mạnh tay hơn. Ví dụ, tại một số nước, họ có quy định quyền ưu tiên mua cho cơ quan Nhà nước. Trong trường hợp phát hiện có hành vi giao dịch phi thực tế, Nhà nước có quyền đứng ra mua của người vi phạm với mức giá thấp như đang giao dịch”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.