Thời sự

Băm nát quy hoạch, ai chịu trách nhiệm?

06/04/2017, 14:30

Đó là câu hỏi được các đại biểu đặt ra khi góp ý vào Dự thảo Luật Quy hoạch tại Hội nghị chiều 5/4.

bam-nat-quyhoach

Khu đô thị Linh Đàm hiện không còn được coi là "đáng sống".

 Chưa rõ trách nhiệm

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, công cụ để hoạch định phát triển ở Việt Nam bao gồm: Chiến lược - quy hoạch - kế hoạch. Quy hoạch giữ vai trò kết nối giữa chiến lược và kế hoạch, đồng thời để cụ thể hóa mục tiêu, định hướng phát triển của Chiến lược phát triển KT-XH. Tuy nhiên, có một thực tế là ở Việt Nam đã có chiến lược và kế hoạch phát triển KT-XH cấp quốc gia, nhưng không có quy hoạch tổng thể quốc gia, dẫn tới việc hoạch định phát triển không có sự cân đối chung, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Đây là nguyên nhân chính làm lãng phí hoặc phân tán nguồn lực, giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Theo kế hoạch, dự án Luật Quy hoạch sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thêm một lần nữa. Sau khi ban soạn thảo tiếp thu ý kiến các ĐBQH, nếu thấy đủ điều kiện sẽ trình ra kỳ họp tới.

ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật mới chỉ đề cập đến lập quy hoạch, còn quản lý sau khi quy hoạch không đề cập. “Có quy hoạch rồi vậy quản lý sau đó như thế nào? Đây là vấn đề từ trước đến nay tương đối yếu. Phải xác định lập quy hoạch rồi quản lý cái gì? Trách nhiệm các cấp, các ngành đến đâu trong quản lý quy hoạch thì cần chỉ rõ. Ai là người lập nhiệm vụ quy hoạch? Ai phê duyệt quy hoạch cần quan tâm cho thỏa đáng. Cần làm rõ điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn hay không?...”, ĐB tỉnh Vĩnh Phúc đặt câu hỏi.

Trong khi đó, ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) phân vân khi Luật giao cho các Bộ hướng dẫn địa phương lập quy hoạch tỉnh, nhưng các tỉnh khi làm quy hoạch phải xin hướng dẫn từng ấy Bộ có liên quan sẽ rất khó vì nhiều bộ ngành hướng dẫn sẽ dẫn đến rối trong thực hiện.

TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đặt vấn đề, trong quy hoạch có phân công, phân cấp, nhiệm vụ và quyền hạn. Vậy trách nhiệm của việc phân công ra sao? Theo ông Liêm, trong Nghị quyết T.Ư năm 2012 có yêu cầu làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong quy hoạch vì quy hoạch đưa ra nhiều thứ nhưng đến khi không khả thi thì không ai chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm tập thể. “Lập ra quy hoạch không khả thi vừa tốn kém vậy ai chịu trách nhiệm?”, ông Liêm đặt vấn đề và cho rằng, hệ thống quy hoạch phải có thứ bậc để chống lại hỗn loạn chồng chéo, chủng loại và thứ bậc.

Duy nhất Bộ Xây dựng chưa thống nhất với Luật quy hoạch

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, Luật Quy hoạch góp phần chuyển tư duy quy hoạch từ bao cấp sang thị trường. Điều này khiến hệ thống quy hoạch bị chia cách theo bộ, ngành, lĩnh vực, dẫn đến quy hoạch chồng quy hoạch. Ông Võ đưa ra hai thách thức cần vượt qua: Một là, tích hợp để có một kịch bản thống nhất, không có tình trạng quy hoạch chống quy hoạch nữa. Thứ hai, bản đồ mô tả sự phát triển đó phải là tốt nhất. “Nếu không vượt qua được hai thách thức này thì không thể có được kịch bản quy hoạch như mong muốn”, ông Võ nói.

Đại diện ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, dự án luật này đưa ra cách tiếp cận mới, tránh chồng chéo, gây cản trở cho hoạt động phát triển KT-XH. Và điểm nổi bật nhất trong luật là có bản quy hoạch tổng hợp, được làm theo phương pháp tích hợp, tránh chồng chéo trong quy hoạch hiện nay khi quy định rất rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành. Cùng trên một mảnh đất, không gian lãnh thổ thì chỉ có quy hoạch này và không thể có quy hoạch khác.

Thứ trưởng Đông cho rằng, với cách làm mới này, sẽ không một cơ quan nào có quyền lực tuyệt đối cả. Tất cả đều tích hợp, ngồi cùng nhau để phân tích cái nào lợi, cái nào hại, cái gì mang lại lợi ích tối đa cho quốc gia thì chọn. Tuy nhiên, ông Đông cũng bày tỏ sự đáng tiếc, bởi sau nhiều vòng làm việc, tiếp thu những ý kiến, tìm được tiếng nói chung, thì đến nay chỉ duy nhất Bộ Xây dựng vẫn chưa đồng thuận. Mặc dù vậy, tại hội nghị này không có một đại diện nào của Bộ Xây dựng phát biểu ý kiến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.