Xã hội

Băm nát rừng Sóc Sơn: Vì sao không cưỡng chế công trình vi phạm trước 2017?

02/04/2019, 14:09

Trong kết luận đất rừng Sóc Sơn, Thanh tra TP.Hà Nội chỉ kiến nghị cưỡng chế đối với các công trình vi phạm phát sinh trong năm 2017- 2018.

img
Biệt thự xây dựng dưới chân núi tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn

Thanh tra TP.Hà Nội vừa công bố kết luận thanh tra vi phạm đất rừng Sóc Sơn và việc thực hiện các kết luận thanh tra trước đó. Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn An Huy, Chánh thanh tra TP.Hà Nội để làm rõ hơn một số vấn đề dư luận đang quan tâm.

Đối với địa bàn xã Minh Trí, Minh Phú theo kết quả khảo sát của PV thì phải có hàng nghìn công trình vi phạm, Thanh tra thành phố đã khảo sát hết chưa hay chỉ dừng lại ở số liệu như kết luận vừa công bố?

-Về số liệu các công trình vi phạm tại hai xã Minh Trí, Minh Phú, trong thời gian thanh tra, Đoàn thanh tra liên ngành thành phố đã kiểm tra và xác định có 688 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình, nhà ở trên đất rừng phòng hộ.

Thanh tra thành phố kiến nghị UBND thành phố giao UBND huyện Sóc Sơn thiết lập hồ sơ, có phương án xử lý đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp có vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, đảm bảo đất đai sử dụng đúng mục đích theo Luật Lâm nghiệp hiện hành.

Trường hợp PV có kết quả khảo sát hàng nghìn công trình vi phạm, đề nghị phóng viên gửi đến UBND huyện Sóc Sơn để xử lý; gửi Thanh tra Thành phố để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra. Thanh tra Thành phố trân trọng cảm ơn PV.

Tại xã Minh Trí, Minh Phú một phần đất rừng phòng hộ do UBND hai xã quản lý, một phần do Ban quản lý rừng phòng hộ- đặc dụng Hà Nội quản lý, Thanh tra thành phố đã kiến nghị xử lý đối với hai xã và Ban quản lý rừng phòng hộ- đặc dụng Hà Nội như thế nào?

-Về kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với UBND xã Minh Trí, Minh Phú và Ban quản lý rừng phòng hộ- đặc dụng Hà Nội, Thanh tra hành phố đã kiến nghị UBND Thành phố: Giao UBND huyện Sóc Sơn: kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân qua các thời kỳ từ năm 2006-2018 buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng để xảy ra các vi phạm trong việc mua bán, chuyển nhượng, chứng thực vào các hợp đồng mua bán chuyển nhượng đất rừng trái pháp luật, tự chuyển đổi mục đích, xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ tại hai xã Minh Trí, Minh Phú.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội để xảy ra những vi phạm đã được kết luận.

Nguyên nhân chưa thực hiện xử lý các trường hợp vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận từ năm 2006? Trách nhiệm thuộc cơ quan nào? Lý do không kiến nghị cưỡng chế đối với các công trình này mà chỉ là các công trình phát sinh năm 2017- 2018 là gì, mặc dù các trường hợp này đã được Thanh tra Chính phủ kết luận?

-Nguyên nhân và trách nhiệm chưa thực hiện xử lý đối với các trường hợp vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận là do UBND huyện Sóc Sơn, UBND các xã không nghiêm túc thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố. Trách nhiệm thuộc UBND huyện Sóc Sơn, UBND các xã để xảy vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.

Đối với các trường hợp vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận và kiến nghị xử lý, theo quy định của Luật Thanh tra các trường hợp này phải xử lý theo đúng kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Thanh tra Thành phố đã kết luận trách nhiệm và kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn khẩn trương thực hiện dứt điểm kết luận của Thanh tra Chính phủ.

img
Biệt thự xây dựng chân núi tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn

Các trường hợp sai phạm Thanh tra thành phố đề nghị UBND thành phố cho phép chuyển cơ quan điều tra là sai phạm gì? Trong các trường hợp kiến nghị chuyển cơ quan điều tra chỉ gồm của các hộ dân hay còn có của cán bộ, công chức?

-Thanh tra Thành phố kiến nghị UBND thành phố cho phép chuyển cơ quan điều tra đối với những vi phạm trong chứng thực, xác nhận hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đất trái quy định của pháp luật dẫn đến việc xây dựng công trình vi phạm trong quy hoạch rừng năm 2008 để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong kết luận, Thanh tra thành phố đề nghị tổ chức cưỡng chế ngay các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017-2018 trên địa bàn hai xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ, trả lại nguyên trạng ban đầu. Các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2006-2018, thanh tra đề nghị lập hồ sơ, có phương án xử lý đúng pháp luật, đảm bảo đất đai sử dụng đúng mục đích.

Sau khi có văn bản xử lý sau thanh tra của UBND Thành phố, Thanh tra Thành phố sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan điều tra; cơ quan điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của những cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

-Sai phạm đất rừng Sóc Sơn đã được Thanh tra Chính phủ, Sở Tài nguyên và Môi trường kết luận năm 2006, 2013 nhưng không được xử lý triệt để. Dư luận lo ngại rằng kết luận thanh tra lần này cũng sẽ bị “đắp chiếu” như các kết luận thanh tra trước. Thanh tra thành phố có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan như UBND huyện Sóc Sơn, các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng để thực hiện triệt để kết luận thanh tra này?

-Việc thực hiện kết luận thanh tra được quy định tại Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ, Thanh tra Thành phố căn cứ vào các quy định của Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ sẽ đôn đốc, kiểm tra để kết luận được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thanh tra, Thanh tra thành phố có gặp sức ép, khó khăn gì khi xác định các trường hợp có sai phạm?

Trong quá trình thanh tra, Thanh tra thành phố đã thực hiện theo quy định của pháp luật, không gặp sức ép gì khi xác định các trường hợp có sai phạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.