Thị trường

Bàn cách mở cửa xuất khẩu để "cứu" giá thịt lợn trong nước

25/11/2022, 20:39

Để mở cửa xuất khẩu thịt lợn nhằm "cứu" giá nội địa, theo giới chuyên môn, cần phải bàn kỹ đến những hệ lụy.

Giá lợn hơi thấp hơn giá thành

Liên quan đến một số thông tin báo chí phản ánh về đề xuất "mở cửa xuất khẩu lợn tiểu ngạch để cứu giá”, trong bối cảnh giá mặt hàng này liên tiếp giảm thời gian qua, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hộ chăn nuôi.

Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các bộ ngành liên quan truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc phối hợp nghiên cứu vấn đề xuất khẩu thịt lợn.

Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung báo chí phản ánh.

img

Hiện giá lợn hơi trên cả nước dao động trong khoảng 53-59 nghìn đồng/kg, giảm mạnh so với thời điểm đỉnh 115 nghìn đồng/kg

Bộ NN&PTNT cũng được yêu cầu chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.

Đánh giá tổng quan mức giá hiện nay trên thị trường, đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện giá lợn hơi trên cả nước dao động trong khoảng 53-59 nghìn đồng/kg. Dự báo nhiều khả năng về quanh ngưỡng 50 nghìn đồng/kg nếu sức mua vẫn ảm đạm.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi, với mức giá trên, người chăn nuôi không có lãi, bởi lẽ, giá thức ăn chăn nuôi tăng rất cao, khiến cho giá thành thời điểm xuất chuồng còn cao hơn giá lợn hơi hiện nay.

Vì thế, theo Hiệp hội Chăn nuôi, chúng ta cần tìm nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, nhằm nâng giá lên. Từ đó, giúp người chăn nuôi có lợi nhuận để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định.

Hiện, Việt Nam chỉ mới có Công ty C.P Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu lô hàng thịt heo đầu tiên sang Nhật Bản, trong khi đó, đã và đang nhập khẩu thịt từ 24 thị trường, nhiều nhất là từ Brazil, Nga, Đức, Canada, Hà Lan…

Về vấn đề này, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam hiện chưa có cơ sở, vùng chăn nuôi đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Việc chăn nuôi của chúng ta chưa được phân vùng rõ rệt. Những vùng khép kín nằm xen kẽ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đủ điều kiện an toàn dịch bệnh.

Còn nhiều việc phải bàn

Việc xây dựng mô hình theo tiêu chuẩn OIE cần phải có thời gian và chiến lược rõ ràng, do đó, trước mắt việc mở cửa xuất khẩu lợn tiểu ngạch là một giải pháp cần thiết.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai (vùng chăn nuôi lợn lớn nhất cả nước) bày tỏ, nước ta gần thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc. Hiện giá thịt lợn tại nước này đang tăng cao, mức 90 nghìn đồng/kg.

Trong khi đó, tình hình hạn hán khắc nghiệt nhiều nơi, khiến cho nguồn cung thịt lợn tại Trung Quốc khan hiếm. Dự báo, giá và nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc sẽ tăng từ nay đến cuối năm.

Bởi vậy, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, nhà nước cần có chính sách điều hành linh hoạt, kể cả xem xét xuất khẩu theo hình thức mậu biên, trao đổi hàng hóa qua biên giới.

Tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại, việc này sẽ khiến giá trong nước tăng, gây áp lực lên tiêu dùng những tháng cuối năm.

Chưa kể, việc xuất biên mậu nguy cơ lây dịch bệnh rất cao.

Đó là những hệ lụy cần phải bàn khi thực hiện giải pháp xuất khẩu thịt lợn, bất kể theo hình thức biên mậu hay chính ngạch. Vấn đề này cần được tính toán sớm để ổn định thị trường thịt lợn lâu dài...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.