Chuyện dọc đường

Sửa từ 1 điểm lên 27,45 điểm: Bán điểm bị bêu tên, mua điểm được giấu nhẹm?

15/04/2019, 11:03

Dư luận vẫn chờ đợi danh sách phụ huynh, thí sinh gian lận điểm thi được công bố hoặc bị khởi tố điều tra.

img
28 sinh viên gian lận thi được trả về các đơn vị sơ tuyển tại Hòa Bình

Sau gần 1 năm học, 28 thí sinh liên quan gian lận điểm thi của tỉnh Hòa Bình chính thức bị các trường an ninh Bộ Công an trả về địa phương.

Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT cũng công bố kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Sơn La về vụ việc gian lận thi cử của tỉnh này. Theo đó, 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 22 bài thi Ngữ văn có dấu hiện gian lận điểm thi một cách trắng trợn.

Còn tại Hòa Bình, theo kết luận của cơ quan điều tra, trường hợp gian lận khó tin nhất thuộc về một học sinh có tổng điểm thi 3 môn... 1 điểm nhưng được sửa thành... 27,45 điểm.

Dư luận vẫn “nín thở” chờ đợi danh sách phụ huynh mua điểm, thí sinh gian lận trong kỳ thi đại học được công bố công khai để lấy lại công bằng trong thi cử. Tuy nhiên, ngành giáo dục và các cơ quan liên quan vẫn “kiên định” cho rằng việc công khai danh tính các thí sinh gian lận là không nên vì tính nhân văn.

Nhưng dư luận dường như không thỏa mãn với lý do này.

Bằng cách này hoặc cách khác, trên các trang mạng, diễn đàn và nhiều tờ báo chính thống, danh tính thí sinh những gia đình quan chức ngành công an, lãnh đạo ngành thuế, văn phòng tỉnh ủy, con em một số gia đình buôn bán có “máu mặt” ở Sơn La, Hòa Bình… hoặc bằng tiền, hoặc bằng quyền đã nhúng tay vào quá trình sửa điểm dần được hé lộ. Và họ cho rằng đó là việc làm cần thiết để răn đe.

Bạn đọc Lê Hùng (Hà Nội) bày tỏ: “Những ngày qua, các cơ quan chức năng đã “cho ra ánh sáng” những đối tượng là cán bộ ngành giáo dục, ngành công an nhận tiền để… "bán điểm". Còn người “mua điểm” tại sao lại phải che đậy vì lý do cần hành xử “nhân văn”? Câu chuyện “nhân văn” này chẳng khác nào tranh cãi việc công khai người bán dâm mà “giấu nhẹm” tên người mua dâm. Nếu không công khai để cảnh báo, răn đe mạnh mẽ, tình trạng này sẽ chẳng bao giờ kết thúc”.

Trong khi đó, bạn đọc Kiều Minh cho rằng: “Việc công khai là cần thiết để trả lại sự công bằng cho những thí sinh trượt oan. Cùng đó, công khai để các em có một bài học và thấy rằng, phải đi bằng đôi chân của chính mình chứ không phải bằng tiền, bằng quyền của cha mẹ”.

Phụ huynh Nguyễn Thu Hồng (Hòa Bình) cho rằng, những ngày qua, thông tin về gian lận thi cử đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con chị. “Những lúc cháu lơ là học tập, tôi có nói chuyện, khuyên bảo thì con đáp lại kiểu “cãi cùn”: “Học nhiều cũng không bằng mấy đứa có tiền, có quyền đâu mẹ ơi!”. Cháu đã mất niềm tin vào thi cử và rất nhiều học sinh khác cũng vậy. Các cháu không còn niềm tin thì phụ huynh phải gì để con mình cố gắng, phấn đấu?”, chị Hồng nói.

Trong đại án gian lận thi cử lần này, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không công khai danh tính thí sinh gian lận thi cử thì ngành công an cần khởi tố điều tra, xử nghiêm các phụ huynh cấu kết đưa hối lộ, mua điểm cho con. Các phiên tòa có thể xử kín để đảm bảo tính nhân văn.

Thí sinh N.H.Q ở Hòa Bình gây sốc khi tổng điểm thi của em này chấm lần đầu là 27,45 nhưng điểm thật chỉ là...1.

Cụ thể, điểm môn toán, thí sinh này được 9,2; lý 9 và hóa 9,25. Đây là thí sinh tự do chỉ thi 3 môn tổ hợp khối A để xét tuyển ĐH. Sau khi chấm thẩm định, điểm thật của thí sinh này chỉ là 1 điểm môn toán, môn lý và hóa đều 0 điểm; tức điểm chênh lệch/3 môn của thí sinh này lên tới 26,45 điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.