Đường bộ

Bàn giải pháp cải thiện chất lượng không khí trong hầm giao thông đường bộ

19/05/2023, 18:53

Các nhà khoa học cho rằng cần sớm hoàn thiện các quy chuẩn về môi trường không khí trong hầm đường bộ một cách riêng biệt, chuyên sâu.

Ô nhiễm môi trường không khí từ các phương tiện giao thông

Phát biểu tại Hội nghị khoa học “Quản lý chất lượng môi trường không khí trong hầm giao thông đường bộ Việt Nam” diễn ra sáng nay (19/5) tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh: Hầm đường bộ là một trong những công trình giao thông quan trọng của mạng lưới đường bộ, được thiết kế để giúp các phương tiện rút ngắn khoảng cách lưu thông, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của mạng lưới đường bộ, cao tốc, từ đó giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại Hội nghị

Hơn 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã chủ động chuyển giao và làm chủ công nghệ xây dựng công nghệ tiên tiến, nhiều công trình đã được thực hiện quy mô lớn bằng công nghệ hiện đại, do đội ngũ kỹ sư Việt Nam thực hiện như hầm Hải Vân 2, Đèo Cả...

Chính phủ Nhật Bản cũng tài trợ cho Việt Nam thông qua chương trình tín dụng của JICA để xây dựng, chuyển giao công nghệ thi công, quản lý, khai thác hầm Thủ Thiêm, hầm Hải Vân... Nhiều công trình đáp ứng nhu cầu GTVT qua các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Tuy nhiên, môi trường không khí trong hầm giao thông đường bộ thông qua một số chương trình, đề án quan trắc chất lượng không khí trong hầm do bộ GTVT thực hiện cho thấy, tổng NO2, PM10, PM2,5, benzence tại một số hầm đang vượt giới hạn so với quy định so với môi trường không khí xung quanh.

“Bộ GTVT đã chỉ đạo áp dụng một số biện pháp giảm ô nhiễm trong hầm như lắp đặt quạt thông gió, vệ sinh, hút bụi bề mặt hầm. Dù chất lượng không khí trong hầm được cải thiện, nhưng vẫn cần được quan tâm vì ngoài chất lượng môi trường, còn liên quan tới an toàn cháy nổ trong hầm”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh.

Theo TS. Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ VN), phần lớn các vấn đề ô nhiễm môi trường phát từ các phương tiện được tạo ra trên mạng lưới đường bộ. Trong đó, xe cơ giới thải ra một loạt chất ô nhiễm có thể gây hại cho sức khỏe con người và môi trường.

Hiện nay chưa có quy định về yêu cầu chất lượng không khí trong hầm, cũng chưa có yêu cầu quan trắc chất lượng không khí trong hầm, cũng như chưa có tiêu chuẩn thiết kế hầm đường bộ (với quy định về đảm bảo chất lượng không khí, thiết kế hệ thống thông gió...). Ngoài ra, hệ thống thông gió cũng chưa được điều khiển thông minh hoàn toàn.

Sớm hoàn thiện quy chuẩn về môi trường không khí trong hầm đường bộ

img

Toàn cảnh Hội nghị “Quản lý chất lượng môi trường không khí trong hầm giao thông đường bộ Việt Nam”

TS. Nguyễn Tài Tiến (Đại học Mỏ Địa chất) đánh giá, việc vận hành hầm đường bộ xét tới các nguồn gây ô nhiễm cần tính tới ô nhiễm không khí, cùng ô nhiễm tiếng ồn và chấn động. Ngoài ra, cần chú ý tới nhiệt lượng, độ ẩm và nguồn nước do các phương tiện và các thiết bị, cũng như do hoạt động của người vận hành trong hầm.

"Chất lượng không khí, tiếng ồn, nhiệt độ, độ ẩm... trong hầm có ý nghĩa rất quan trọng để đảm bảo khả năng vận hành, sử dụng đường hầm tối ưu. Cụ thể, thông gió hầm là công tác rất quan trọng, nhằm đảm bảo chất lượng không khí, độ ẩm, nhiệt độ trong hầm. Việc kiểm soát các tham số này phải được thực hiện theo thời gian thực thông qua các hệ thống cảm biến tầm nhìn VI meter, cảm biến khí CO (CO meter), cảm biến tốc độ gió...

Khi thiết kế hệ thống thông gió cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn thiết kế cụ thể và đảm bảo chi phí vận hành, bảo dưỡng và lắp đặt là nhỏ nhất”, ông TS Tiến khẳng định.

Phía Cục Đường bộ VN, TS. Tô Nam Toàn cho rằng: Để quản lý giao thông hầm, có thể quản lý loại xe được qua, quản lý thời gian sử dụng. Đồng thời, tiến hành quản lý tốc độ bằng cách hạn chế xe chạy tốc độ quá cao hoặc quá thấp để giảm bớt lượng khí thải. Cùng đó, trong quản lý đóng làn, có thể xem xét đóng làn khi không khí quá bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, có thể xem xét thu phí với xe có khí thải quá cao để hạn chế nhu cầu sử dụng hầm.

Ông Toàn đề xuất cần xây dựng quy định về yêu cầu chất lượng không khí trong hầm và xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế hầm đường bộ.

Đồng quan điểm, ThS. Nguyễn Trọng Khang, Viện Chuyên ngành môi trường (ITST) cho rằng, việc nghiên cứu, đề xuất tiêu chuẩn không khí trong hầm đường bộ ở Việt Nam rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Từ đây, ông Khang đề xuất một số tiêu chuẩn về không khí trong hầm cho 4 thông số gồm CO, NO2, SO2 và PM10.

Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường thông tin hiện nay, cả nước có khoảng 15 hầm thuộc Trung ương và 3 hầm thuộc địa phương quản lý. Ông Cường đánh giá thời gian qua, công tác thi công, thiết kế, công tác ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn đã được làm tốt, ngang với một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, có một số điểm cần hoàn thiện thêm.

Cụ thể, lãnh đạo Cục Đường bộ VN cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các quy chuẩn về môi trường không khí trong hầm đường bộ một cách riêng biệt, chuyên sâu, để đảm bảo các chỉ số môi trường phù hợp, an toàn.

Trong quá trình quản lý và khai thác, cần tiếp tục nâng cao quy trình bảo trì, bảo dưỡng, quan trắc, bổ sung và bố trí các thiết bị quan trắc để thực hiện quan trắc thường xuyên hơn, xử lý các tình huống cháy nổ một cách kịp thời để giảm thiểu thiệt hại.

"Liên quan tới chất lượng không khí, cần thiết kế các hầm phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam, nhưng vẫn đảm bảo tính hiện đại và làm tốt quy trình bảo trì, bảo dưỡng, xử lý ô nhiễm xảy ra và cần kiên trì thực hiện để đảm bảo cam kết của Chính phủ tại COP26, hướng tới giảm phát thải ròng về 0”, ông Cường nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.