Vận tải

Băn khoăn Hà Nội đấu thầu 65 tuyến buýt

19/07/2018, 10:00

Hà Nội đang lên kế hoạch đấu thầu 65 tuyến xe buýt trên địa bàn. Kế hoạch này được kỳ vọng tạo môi trường...

8

Hệ thống xe mới liên tục được Transerco đưa vào hoạt động - Ảnh: Hà Anh

Kỳ vọng nâng chất lượng, giảm trợ giá

Nguồn tin của PV Báo Giao thông cho hay, UBND TP Hà Nội từ nay đến năm 2020 sẽ tiếp tục đấu thầu thêm 65 tuyến buýt. Theo đó, ngay trong năm nay sẽ đấu thầu trước 17 tuyến. 20 tuyến tiếp theo sẽ đấu thầu trong năm 2019 và đến năm 2020 sẽ đấu thầu nốt 28 tuyến còn lại.

Không phải bây giờ việc đấu thầu tuyến buýt mới được thực hiện. Từ năm 2012 đến nay, TP Hà Nội đã tổ chức đấu thầu 16 tuyến. Việc đấu thầu này là để tạo môi trường cạnh tranh, thu hút được nhiều doanh nghiệp vận tải có đủ năng lực tham gia hoạt động buýt, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút người dân đi xe buýt.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, thông qua việc đấu thầu đã giảm được chi phí vận hành 16 tuyến buýt gần 65 tỷ đồng so với giá gói thầu được duyệt là 64,7 tỷ đồng, qua đó từng bước giảm kinh phí trợ giá từ ngân sách thành phố.

Trả lời câu hỏi của PV về chất lượng của các tuyến buýt khai thác thông qua đấu thầu từ năm 2012 đến nay so với các tuyến buýt giao vận hành như thế nào, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GTVT Hà Nội Vương Minh Hoan nói: “Muốn đánh giá thấu đáo phải căn cứ theo hợp đồng, những cam kết trong hợp đồng. Phía cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra, kiểm soát, nếu không đúng hợp đồng thì chấn chỉnh, xử phạt”.

Nhiều bất cập tiêu chí đấu thầu

Trao đổi với Báo Giao thông, một DN kinh doanh vận tải tại Hà Nội cho biết, để tham gia đấu thầu, DN phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng đầu tư phương tiện mới. Đồng thời, đã xuất hiện hàng loạt bất cập trong thiêu chí đấu thầu. Đầu tiên là thời gian thực hiện hợp đồng khai thác chỉ 5 năm trong khi thời gian trích khấu hao phương tiện theo quy định hiện hành là 10 năm. Như vậy, nếu trúng thầu, sau khi thực hiện hợp đồng, những xe đã đầu tư (vẫn còn 50% giá trị) sẽ sử dụng vào đâu? Đặc thù của xe buýt không giống những phương tiện vận tải hành khách khác là có thể mang ra bán trên thị trường do được thiết kế riêng cho VTHKCC, ít chỗ ngồi, chủ yếu là chỗ đứng. Đó là chưa nói đến khả năng hàng trăm lao động trên tuyến đối diện với nguy cơ mất việc làm.

Thực tế đấu thầu 4 tuyến buýt 61, 62, 91, 92 cho thấy, một trong những điều kiện rất quan trọng là xe tham gia đấu thầu phải là xe mới 100%, đạt tiêu chuẩn EURO 4.

"Muốn đấu thầu phải xây dựng tiêu chí trong hồ sơ mời thầu. Muốn xây dựng được tiêu chí, phải căn cứ theo Luật Đấu thầu, Nghị định và thông tư hướng dẫn. Các tiêu chí sẽ được xây dựng để tạo sự bình đẳng giữa các nhà thầu. Luật Đấu thầu đã có những quy định rõ ràng không được đưa những quy định bó buộc nhà thầu mà phải mở. Làm sao để càng đông nhà thầu tham gia càng tốt. Khi đó mình mới có điều kiện được nhà thầu đủ năng lực và có giá thành phù hợp”.

Ông Vương Minh Hoan
Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GTVT Hà Nội

Nếu là một tuyến mới hoàn toàn sẽ không có vấn đề gì. Nhưng với những tuyến đang chạy, như tuyến 62 (bến xe Yên Nghĩa - bến xe Thường Tín), xe mới chạy 5 năm, còn tới 5 năm mới hết khấu hao. Vậy những xe này DN sẽ bỏ đi đâu? Cá biệt có tuyến 92 (Nhổn - Sơn Tây - Ba Vì), DN mới đưa xe vào chạy hơn 1 năm, đạt tiêu chuẩn EURO 3. Để tham gia đấu thầu đợt vừa rồi, DN phải thay mới hoàn toàn xe theo tiêu chuẩn EURO 4.

Theo tìm hiểu của PV, thông thường các DN phải chi từ 2,2-3,5 tỷ đồng để đầu tư 1 phương tiện, trong khi nguyên giá phương tiện để tính toán đơn giá khấu hao của UBND TP Hà Nội, đối với xe nhỏ chỉ là 928 triệu đồng/xe; xe trung bình 1,745 tỷ đồng/xe; xe lớn 2,280 tỷ đồng/xe. Điều này có nghĩa là sau 10 năm khấu hao, Nhà nước trả cho DN hụt từ 20-30% so với chi phí doanh nghiệp bỏ ra.

Một vấn đề nữa được nhiều DN quan tâm là có những xe chạy được gần 10 năm, đã đến lúc phải thay. Nhưng nếu thay vào thời điểm này, đến năm 2019, 2020, Nhà nước lại dỡ tuyến ra đấu thầu, khi đó có phải tiếp tục thay mới phương tiện?

Về vấn đề này, ông Hoan cho hay: “Việc đấu thầu 5 năm hay 10 năm là cả một vấn đề rất đáng bàn”.

“Đúng là vòng đời 1 xe là 10 năm nhưng thời gian khai thác chỉ 5 năm và phải mua mới. Do đó, DN sẽ phải tính toán phương án của mình để phù hợp. DN có thể tính toán sao cho khấu hao hết trong 5 năm. Đấy là phương án kinh doanh của nhà thầu cũng là tiêu chí để mình mời thầu. Mình đưa đầu bài như thế và DN cảm thấy phù hợp thì tham gia chứ không phải là Nhà nước đánh đố”, ông Hoan nói và cho biết thêm: Chính chúng tôi đã trình kế hoạch đấu thầu và phải đứng ra bảo vệ con số 5 năm đó rằng tại sao không phải 3 năm 2 năm mà lại là 5 năm.

“Một vòng đời của xe khấu hao 10 năm, tối thiểu thời hạn khai thác tuyến 5 năm là để DN thoải mái lập phương án kinh doanh”, ông Hoan lý giải.

Một vấn đề khác cũng khiến DN băn khoăn là việc “chốt cứng” lộ trình tuyến trong hồ sơ mời thầu. Hoạt động xe buýt đòi hỏi sự điều chỉnh linh hoạt theo sự phát triển của hạ tầng và các loại phương tiện. Như trên đường Nguyễn Trãi, sắp tới, khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác, các tuyến buýt trên cung đường này sẽ phải chuyển đổi chức năng thành các tuyến buýt gom. Loại xe, tần suất, cung đường sẽ phải thay đổi cho phù hợp. Nếu hợp đồng cứ “chốt cứng” lộ trình sẽ mất đi sự linh hoạt trong điều hành buýt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.