Xã hội

Trúng đấu giá biển số ô tô trên 50 triệu đồng, có phải kê khai tài sản?

26/10/2022, 14:00

Đại biểu Quốc hội đề nghị cụ thể hóa các quy định về việc phải hoàn lại tiền cho người trúng đấu giá khi biển số xe trúng đấu giá bị thu hồi.

Biển số trúng đấu giá có phải kê khai tài sản?

Sáng 26/10, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV tiếp tục thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá.

Đại biểu Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái đồng tình với quy định theo hướng, không được chuyển nhượng cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá, trừ trường hợp kèm theo xe ô tô đang đăng ký biển số đó. Không được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe ô tô đang đăng ký biển số đó để đăng ký cho xe khác thuộc quyền sở hữu của mình.

img

Quang cảnh buổi thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV sáng ngày 26/10

Tuy nhiên, đại biểu Duy đề nghị bổ sung quy định, người đang sở hữu biển số trúng đấu giá đã đăng ký cho xe ô tô thuộc sở hữu của mình, mà xe ô tô đó bị mất cắp, không tìm lại được, hoặc tai nạn rủi ro, hư hỏng, không đủ điều kiện lưu hành, thì được đề nghị cấp lại biển số và được đăng ký cho một xe ô tô khác thuộc quyền sở hữu của mình.

Ngoài ra, ông Duy cũng đề nghị nghiên cứu, có thể bổ sung quy định về kê khai tài sản trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng phải kê khai tài sản theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng.

"Trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, mà có tham gia đấu giá, có sở hữu biển số trúng đấu giá với giá trị cao hơn 50 triệu đồng thì có phải kê khai hay không, phải quy định rõ", đại biểu Duy đề xuất.

Tiền thu từ đấu giá biển số ô tô chia về địa phương

Đại biểu Nguyễn Thanh Phong (đoàn Vĩnh Long) cho biết, việc thí điểm đấu giá biển số xe góp phần đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân, song hành với hệ thống đăng ký xe bằng hình thức ngẫu nhiên hiện nay.

Theo đại biểu Phong, Nghị quyết vẫn chưa có cơ sở pháp lý trong việc triển khai cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, nguyên tắc xác định giá khởi điểm, người nhận chuyển nhượng biển số đấu giá... Các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định về quản lý biển số đấu giá, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá.

Ông Phong kiến nghị cần cân nhắc hình thức đấu giá trực tuyến, đưa tất cả biển số lên cổng thông tin điện tử để người dân có nhu cầu biển số nào thì đấu giá biển số đó; Tổ chức đấu giá trực tuyến kết nối với hệ thống đăng ký, quản lý xe và đấu giá theo phương thức trả giá lên.

Các khoản tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các chi phí tổ chức đấu giá theo quy định sẽ phân bổ nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương và 30% nộp vào ngân sách địa phương.

Đồng quan điểm, đại biểu Võ Văn Hội (đoàn Bến Tre) cho biết, tiền thu được từ đấu giá biển số ô tô nên trích lại % cho địa phương, nếu nộp hết về ngân sách Nhà nước thì chưa phù hợp.

Đại biểu Trịnh Bình Minh (đoàn Vĩnh Long) cũng cho biết, Chính phủ cần quy định thêm việc quản lý số tiền thu được từ đấu giá biển số, thống nhất ngân sách hưởng bao nhiêu, địa phương nhận được bao nhiêu và những tổ chức tham gia đấu giá được trích lại bao nhiêu để phục vụ công tác tổ chức.

Về nội dung này, đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, đấu giá tập trung thì ngân sách địa phương được hưởng chứ không phải ngân sách Trung ương hay Bộ Công an. Vì vậy, tốt nhất nên đưa về cho địa phương, giao HĐND quyết định mức giá và giá khởi điểm.

Về sử dụng ngân sách từ đấu giá, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (đoàn Bến Tre) cũng cho rằng, nên chuyển về địa phương có biển số theo một tỷ lệ nào đó, góp phần kích thích địa phương quan tâm vấn đề này nhiều hơn. Ngoài ra, còn tạo cơ sở để sau này có thể tính toán việc phân chia, trích lập nguồn này là một trong những nguồn thu ngân sách cho địa phương.

img

Đại biểu tham gia thảo luận góp ý về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá

Thu hồi biển số phải hoàn lại tiền cho người trúng đấu giá

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn bến Tre) băn khoăn, nếu quy định thời gian 12 tháng sau khi trúng đấu giá biển số xe phải gắn vào xe, vậy sau thời gian đó, trường hợp, người trúng đấu giá không gắn biển số vào xe, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thu hồi biển số, vậy có hoàn lại tiền đấu giá cho người trúng đấu giá hay không?

Vì sẽ có những trường hợp người trúng đấu giá biển số trước khi nhận được xe mua từ đại lý, có thể do vấn đề nguồn cung khiến thời gian nhận xe bị chậm, quá thời gian 12 tháng sau khi trúng biển số đấu giá. Hoặc sau khi trúng biển số đấu giá, người trúng không may tử vong trước khi sử dụng biển số gắn vào xe.

Từ đó, đại biểu Nhi đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ vấn đề này để thống nhất thực hiện và người dân cũng biết được nếu quá thời hạn đó mà không gắn biển số vào xe sẽ bị mất tiền hoặc được hoàn lại tiền.

Đại biểu Võ Văn Hội (đoàn Bến Tre) cũng đề xuất Nghị quyết cần quy định rõ khi thu hồi biển số sẽ hoàn trả lại tiền cho người trúng đấu giá nếu có lý do chính đáng.

Đại biểu Trịnh Bình Minh (đoàn Vĩnh Long) thì băn khoăn Nghị quyết chỉ áp dụng thí điểm 3 năm. Vậy đối với biển số xe đã đăng ký, đã trúng đấu giá, sau thời gian này có được cho tặng, chuyển nhượng, thừa kế hay không.

"Dự thảo chỉ cấm trong thời hạn 3 năm, hết thời hạn này có được cho tặng, chuyển nhượng và thừa kế?", đại biểu Minh nêu vấn đề và đề nghị cần quy định rõ để những người trúng đấu giá thực hiện dễ dàng hơn, để tránh khi tổng kết thí điểm lại phát sinh quy định khác gây tốn kém cho Nhà nước và nhân dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.