Thời sự

Bán quyền khai thác công trình là đột phá để có vốn đầu tư

19/11/2014, 07:27

Chiều qua (18/11), Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trả lời chất vấn tại Quốc hội liên quan đến nhiều nhóm vấn đề "nóng" của ngành GTVT như: huy động vốn, suất đầu tư, chất lượng công trình, xe quấ tải...

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội chiều qua (18/11)
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội chiều qua (18/11)

3 năm huy động 160 nghìn tỷ đồng từ xã hội hóa

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị cho biết cả nước sẽ có bao nhiêu dự án chuyển giao quyền khai thác, tiêu chí chuyển giao thế nào? Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nên nguồn lực cho GTVT còn hạn chế. Bộ GTVT đã đề xuất cơ chế, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển GTVT. Trong ba năm qua, số vốn huy động cho đầu tư phát triển GTVT đạt 160 nghìn tỷ đồng, bằng 60% tổng vốn ODA, ngân sách cho ngành GTVT.

“Hiện, để đột phá hơn nữa, Bộ GTVT đang nghiên cứu chuyển giao quyền khai thác kết cấu hạ tầng và thu phí. Chúng tôi coi đây là đột phá. Đã làm và phải làm tổng thể, nhiều hơn nữa trên cơ sở quy định của pháp luật. Tôi lấy ví dụ, đường cao tốc đã hoàn thành xong 524 km, nếu chúng ta chuyển nhượng cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ có khoản tiền này để làm 500 km nữa theo hình thức cuốn chiếu”, Bộ trưởng Thăng nói.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Suất đầu tư nhiều tuyến cao tốc của Việt Nam thấp hơn Nhật Bản, Hàn Quốc

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về suất đầu tư quá cao, thậm chí có những đoạn đường cao nhất hành tinh, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, vấn đề này Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng tìm hiểu các nguồn thông tin cả trong nước, nước ngoài để có sự so sánh, đánh giá.

“Tôi xin phép báo cáo, đối với suất đầu tư đường cao tốc của VN, chúng ta tương đương của Trung Quốc, thấp hơn Hàn Quốc và thấp hơn nhiều so với Nhật Bản. Nhật Bản có những đường cao tốc mà 1km lên tới 256 triệu USD. Thực ra, việc so sánh rất khập khiễng. Nhiều yếu tố phải tương đồng một cách tương đối thì mới so sánh được. Nhưng phải nói rằng, báo cáo của Bộ Xây dựng là hoàn toàn khách quan và có thể tin tưởng được”, Bộ trưởng Thăng khẳng định.

"Cá nhân tôi và tất cả lãnh đạo Bộ GTVT nhìn nhận những gì đạt được mới là kết quả bước đầu... Rất mong tiếp tục nhận được sự giám sát chặt chẽ từ các đại biểu Quốc hội và cử tri để chúng tôi hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ".

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Bộ trưởng cũng cung cấp thêm, Việt Nam có dự án suất đầu tư còn thấp hơn các nước trong khu vực. Ví dụ như cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là 4,19 triệu USD/km. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là 6,9 USD triệu/km. Hà Nội - Hải Phòng là 11,27 triệu USD/km. Sở dĩ suất đầu tư của đường Hà Nội - Hải Phòng cao hơn Nội Bài - Lào Cai, cao hơn Hà Nội - Thái Nguyên là vì dự án sử dụng vốn vay thương mại. Riêng lãi suất đã là 3,5 triệu USD/km rồi. Các dự án đi qua nền đất yếu, có nhiều cầu cũng sẽ có suất đầu tư cao. Như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là 25,8 triệu USD/km vì hơn 50 km thì có đến 25 km là cầu, trong đó có hai cầu rất lớn là Bình Khánh và Phước Khánh.

Về câu hỏi của đại biểu Trương Thị Ánh (TP HCM) cho rằng, những công trình làm đường giao thông đều đội vốn rất cao, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định ngay: “Trước đây thì có, còn ba năm trở lại đây, tất cả công trình giao thông mới được phê duyệt không có công trình nào đội vốn, thậm chí còn giảm hơn so với tổng mức đầu tư. Nếu chúng ta thiết kế phù hợp, GPMB tốt, tiến độ đảm bảo thì không có lý do gì để công trình đội vốn cả”.

Đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng chiều 18/11
Đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng chiều 18/11

“Sáng ăn phở ở Hà Nội, tối Cà phê ở TP HCM”

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương về việc dự án đường sắt trên cao Hà Nội - Hà Đông, tuyến đường này sử dụng công nghệ của quốc gia nào, cũ hay mới,vì sao tiến độ quá chậm, đội vốn quá cao, có giải pháp nào an toàn hơn, ví dụ như cho chạy trong hộp để không rơi xuống đường? Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dùng vốn và công nghệ Trung Quốc, tốc độ tàu 40 km/h, cao nhất là 60 km/h. Dự án dùng tàu mới nhất và công nghệ mới nhất của Trung Quốc. “Sự cố thép rơi là rất đáng tiếc, chúng tôi đã cho dừng dự án để kiểm tra tổng thể, xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan. Chỗ nào ổn mới cho thi công. Chúng tôi đã chuẩn bị cho quá trình vận hành khai thác sau này, khi vận hành tiêu chuẩn an toàn là số 1, sau mới là hiệu quả. Việc giám sát và thực hiện phải đúng thiết kế để đảm bảo an toàn”, Bộ trưởng Thăng nói.

Cũng liên quan đến vấn đề đường sắt, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đặt câu hỏi về chiến lược phát triển của ngành GTVT thế nào? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, chúng tôi đã điều chỉnh và trình Chính phủ. Bộ Tài nguyên & Môi trường đang đánh giá tác động môi trường. Theo đó, đường sắt Bắc - Nam sẽ hiện đại hóa, nâng công suất, tốc độ khai thác từ 60 lên 80 km/h, xây dựng đường sắt khổ đôi 1.435 mm mới, tốc độ khai thác tối đa có thể đến 200 km/h. Với kế hoạch này, mong muốn như đại biểu Trần Du Lịch đề cập sẽ sớm thành hiện thực, tức là sáng ăn phở ở Hà Nội, tối có thể uống cà phê ở TP HCM, cả hành trình chỉ mất khoảng 10 tiếng. Việc thực hiện dự án này sẽ phân kỳ đầu tư, chọn tuyến Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang làm trước để phù hợp với chiến lược chung”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Trước câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về giá cước vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Bộ GTVT đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tái cơ cấu ngành GTVT, tập trung tái cơ cấu vận tải, doanh nghiệp Nhà nước trong ngành. Hiện tỷ trọng vận tải đường bộ đang giảm, hàng hải và đường thủy tăng, đường sắt đang tái cơ cấu sắp xếp lại nên tăng được thị phần. Cước vận tải đường sắt đã giảm. Vừa rồi, giá xăng tăng nhưng đường sắt nhiều năm không tăng cước và đợt này sẽ giảm giá vé Tết khoảng 10 - 17% so với năm 2013”.

Vì sao chưa thông hầm đã thu phí?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Kim Chi (Phú Yên) rằng, có rất nhiều ý kiến thắc mắc dự án BOT hầm Đèo Cả chưa thông nhưng đã có hai trạm thu phí ở phía Bắc và phía Nam? Bao giờ thì hầm đường bộ qua đèo Cù Mông được triển khai? Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong dự án cải tạo QL1 có bốn đèo, ngoài Hải Vân còn Phước Tượng, Phú Gia, Đèo Cả đang được đầu tư BOT. Dự án Đèo Cả được sự đồng ý của Chính phủ cho phép BOT nhưng vốn lớn cần 15 nghìn tỷ đồng, trong đó, 10 nghìn tỷ là đầu tư theo hình thức BOT, năm nghìn tỷ là theo hình thức BT. Nếu không có vốn của Nhà nước sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư. Bộ GTVT cùng chủ đầu tư đã trao đổi với Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính cho phép dùng hai trạm thu phí ở hai đầu coi như phương án vốn góp của nhà nước. Tổng thời gian thu phí không đổi, không ảnh hưởng hợp đồng. Việc đặt hai trạm là phù hợp, nếu không có hai trạm thì hầm Đèo Cả không biết bao giờ mới làm được.

“Hiện đèo Cù Mông thường xuyên xảy ra TNGT, tôi rất trăn trở tìm vốn đầu tư. Khi cho rà soát lại thiết kế hầm Đèo Cả, tư vấn của Pháp thiết kế lại, làm mới hướng tuyến đã rút ngắn được khoảng 1km, qua đó tiết giảm được khoảng ba nghìn tỷ đồng. Trong khi đèo Cù Mông dự kiến tổng đầu tư hết 3.500 tỷ đồng. Bộ GTVT đồng ý để nhà đầu tư hầm Đèo Cả tự bỏ tiền nghiên cứu dự án. Chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng vốn dư từ Dự án hầm Đèo Cả để làm đèo Cù Mông, chậm nhất năm 2017 sẽ xong toàn tuyến”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Tại buổi chất vấn, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến các vấn đề về tiến độ đầu tư cầu treo dân sinh; phát triển giao thông nông thôn; kiểm soát tải trọng xe; chất lượng đăng kiểm; cao độ các dự án trên QL1; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng gây chia cắt đồng ruộng của dân; rà soát và loại bỏ biển báo bất hợp lý trên các tuyến giao thông. Theo kế hoạch vào sáng nay (19/11), Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ tiếp tục trả lời, làm rõ thêm một số vấn đề chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Nhóm PV

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.