Đường bộ

Bàn về thẩm mỹ kiến trúc trong xây dựng cầu

11/03/2022, 17:14

Sau hơn 2 tháng tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, Hội đồng đã chọn được 3 tác phẩm nổi trội nhất để trình UBND TP Hà Nội.

Sau hơn 2 tháng tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, Hội đồng thi tuyển do TS. KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng cùng các thành viên gồm các chuyên gia về Quy hoạch - Kiến trúc, quản lý dự án, thi công xây dựng, thiết kế cầu… có cả thành viên người nước ngoài đến từ Tây Ban Nha, Thụy Sĩ… đã chọn được 3 tác phẩm nổi trội nhất để trình UBND TP Hà Nội.

Ngày 1/3/2022, Hà Nội đã khai mạc triển lãm để tham vấn ý kiến cộng đồng về kết quả thi tuyển và tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.

Nhiều người đã bày tỏ ý kiến đánh giá cao cách làm của thành phố trong việc tham vấn ý kiến cộng đồng đối với một công trình trọng điểm của Thủ đô. Họ đều mong muốn thông qua các ý kiến tham vấn, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ lựa chọn được phương án để xây dựng cầu Trần Hưng Đạo xứng với tầm vóc vị thế của Thủ đô.

Cũng có ý kiến là cuộc thi mới lựa chọn được phương án kiến trúc.

Để xác định được tính khả thi, các bên có phương án được đưa ra lấy ý kiến cần giải trình các vấn đề liên quan đến tính khả thi về kỹ thuật, thi công, độ bền vững…

Cũng có ý kiến cho rằng, nghiên cứu thiết kế xây dựng cầu thì phải coi bền vững, an toàn là hàng đầu, công năng là cốt yếu, tiết kiệm là quyết định còn thẩm mỹ cũng cần được quan tâm và khẳng định kỹ sư cầu mới là người thích hợp để nghiên cứu, thiết kế xây dựng cầu, chỉ cần kỹ sư cầu có bổ sung thêm những kiến thức về mỹ học công trình cầu để đưa cái đẹp vào…

Liên quan đến những ý kiến đang được quan tâm, người viết bài này xin được góp thêm thông tin cũng như bàn thêm về vấn đề thẩm mỹ kiến trúc trong xây dựng cầu.

img

Cầu Long Biên (Chụp từ cuốn sách “DieBrücke und die Stadt”)

Người Pháp từ xa xưa đã coi những cây cầu là Ouvrage d'art (tác phẩm nghệ thuật).

Hiểu theo nghĩa hiện đại thì các công trình cầu không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật với vẻ đẹp khách quan và tồn tại vĩnh cửu mà còn là một sản phẩm sáng tạo của con người thỏa mãn tối đa công năng sử dụng và bền vững theo thời gian.

Chính vì vậy, trong tác phẩm “Die Brücke und die Stadt - Cây cầu và thành phố” của Daniel Biau, Presses des Pont, Paris 2012, trong số 15 cây cầu tuyệt đẹp gắn liền với các thành phố của nó, cầu Long Biên của Hà Nội đã được lựa chọn giới thiệu đại diện cho khu vực Đông Nam Á.

Thế nhưng, đầu thế kỷ XX, người ta vẫn thường cho rằng giới nghệ sĩ nói chung và các kiến trúc sư nói riêng không nên tham gia vào tạo hình kiến trúc, tạo hình mỹ thuật trong quá trình xây dựng những cây cầu.

GS. F. Hartmann trong cuốn sách “Mỹ học trong xây dựng cầu” (xuất bản 1929) từng đánh giá: “… Quan điểm của các kiến trúc sư về tính thẩm mỹ của các tòa nhà hiện đại thậm chí còn chưa được làm rõ đến mức có thể sẽ không có bất kỳ sự thống nhất nào về quan điểm trong chính tòa nhà của họ và các mặt đối lập vẫn xung đột khá dữ dội. Người ta nên mong đợi điều gì ở họ trong xây dựng cầu, một thứ hoàn toàn khác với xây dựng công trình nói chung? Tôi không nghĩ rằng sự tham gia của các kiến trúc sư vào việc xây dựng cầu lại có ích cho những cây cầu”.

img

Cầu đường sắt vượt Đại lộ Wienzeile ở Viên, Áo do O. Wagner xây dựng năm 1898 (theo Gryffindor)

Cùng quan điểm với GS. Hartmann, Kiến trúc sư Otto Wagner (1841 – 1918) từng được mệnh danh là “Baulöwe - Con sư tử trong ngành kiến trúc xây dựng” và từng là Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Kiến trúc sư Áo cũng có một câu nói nổi tiếng: "... Chỉ những gì đúng về mặt xây dựng mới có thể trở nên đẹp đẽ - ... only what is constructively correct can be beautiful”. Cầu vượt Wienzeile do O. Wagner xây dựng vào năm 1898 là một trong những minh chứng.

Và cũng vào cuối thế kỷ XIX, giới kiến trúc sư đã nhận thức được trào lưu kiến trúc cổ điển không còn đủ sức sống, không phản ảnh được trung thực bối cảnh của thời đại công nghiệp.

Không những vậy, kiến trúc cổ điển còn trở thành vật cản, trói buộc con người với quá khứ hoặc đánh lừa thị hiếu kiến trúc bằng những yếu tố trang trí diêm dúa và vô nghĩa.

Chủ nghĩa Hiện đại nói chung có nguồn gốc từ thời kì Khai sáng (Enlightenment) đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của các kiến trúc sư.

Họ xác định kiến trúc hiện đại phải đề cao công năng, tính hợp lý của công trình, tiết kiệm không gian giao thông, tiết kiệm vật liệu, không trang trí phù phiếm, tạo được cảnh quan hài hòa với thiên nhiên, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ và gắn liền tính thẩm mỹ với ngôn ngữ kiến trúc hợp lý.

Tiếp đến là sự xuất hiện của trường phái thiết kế hậu hiện đại (Postmodernism) đã được giới kiến trúc sư tiếp nhận và được xem như sự tiếp tục của lối thiết kế hiện đại trong kiến trúc.

So với trường phái thiết kế hiện đại chỉ gồm những đường thẳng, trường phái hậu hiện đại xuất hiện thêm đường tròn và đường parabol.

Có thể thấy rằng trường phái hậu hiện đại là sự kết hợp giữa lối thiết kế cổ điển và hiện đại nhưng lấy lối thiết kế hiện đại làm trọng tâm. Xuất hiện lần đầu tiên từ cuối thập niên 1950, trường phái hậu hiện đại đang ngày càng thịnh hành trong thiết kế kiến trúc ngày nay, kể cả trong lĩnh vực xây dựng cầu.

Có thể lấy Thụy Sĩ làm ví dụ. Hệ thống truyền thông của Thụy Sĩ ngày nay có những trang thông tin điện tử phổ biến kiến thức trong lĩnh vực xây dựng khá độc đáo. Đó là các trang architektvergleich (so sánh kiến trúc); sanitaervergleich (so sánh thiết bị vệ sinh); gartenbauvergleich (so sánh làm vườn); elektrikervergleich (so sánh hệ thống điện); innenarchitektvergleich (so sánh thiết kế nội thất)…

Mở trang “so sánh kiến trúc”, mục “Xây dựng cầu” là một câu tiên quyết “Xây dựng cầu - Không chỉ quan trọng đối với giao thông”. Tiếp đó là một câu khẳng định “Xây dựng cầu là một nghệ thuật thường dành cho các kiến trúc sư và kỹ sư. Các kỹ sư kết cấu cũng đóng một vai trò quan trọng…”.

img

Cầu Thalkirchen 1998

Gần 100 năm sau câu nói nổi tiếng của O. Wagner “only what is constructively correct can be beautiful” nêu trên, Kiến trúc sư R. J. Dietrich (1938 - 2019) đã thêm vào một mệnh đề còn nổi tiếng hơn "... but not everything that is constructively correct is beautiful for that reason alone! - nhưng không phải mọi thứ đúng về mặt xây dựng đều đẹp chỉ vì lý do đó!".

Năm 1991, KTS Dietrich đã xây dựng lại cây cầu Thalkirchen ở miền Nam thành phố München,thành phố của Lễ hội bia tháng Mười nổi tiếng ở Đức.

Đây là lần đầu tiên kết cấu giàn không gian (Raumfachwerk) bằng gỗ được dùng để xây dựng cầu. Khoảng 520m³ gỗ đã được sử dụng.

Các thanh giàn bằng gỗ thông được liên kết tại các nút giàn bằng thép. Cầu Thalkirchen được sách kỷ lục Guinness ghi vào năm 1994 là cây cầu gỗ dài nhất thế giới. Đây cũng là một trong những cây cầu được gắn rất nhiều “ổ khóa tình yêu” lên lan can lề đi bộ.

img

Những “ổ khóa tình yêu” gắn trên lan can (theo Dietrich và Fake)

Trả lời phỏng vấn của đài phát thanh Đức (Dlf, 16.8.2018), KTS Dietrich khẳng định: “Tôi muốn nói rằng, về nguyên tắc, những cây cầu là những công trình biểu tượng, chúng có nhiều ý nghĩa biểu tượng. Nó cũng luôn được sử dụng trong ngôn ngữ chung dù để xây dựng một cây cầu hoặc bất kể một công trình xây dựng nào đó. Về phương diện này, thật không may, trong quá khứ gần đây người ta đã không quan niệm như vậy. Cây cầu đã từng được xem như là một công trình chỉ cần đảm bảo chức năng khai thác, và chúng được thiết kế vô tâm, vô hồn”.

img

Cầu cạn Millau - Ảnh: Reuteur

Trong số 15 cây cầu theo bình chọn gần đây của tạp chí Tuần kinh tế (Wirtschaft Woche) đã được tôi giới thiệu trong bài “Những cây cầu ngoạn mục nhất thế giới”, cây cầu cạn Millau (Viaduc de Millau) rất nổi tiếng cả đối với các kỹ sư cầu ở Việt Nam, được xếp thứ nhất.

Không những thế, trước đó Daily Mail còn có bài “From the Millau Viaduct to the Pyramids: Ten of the greatest feats of engineering” xếp cầu Millau đứng thứ nhất. Những ai biết đến cây cầu này đều biết Concepteur (thường được dịch không sát nghĩa sang tiếng Việt thành nhà thiết kế) của công trình nổi tiếng này là KS. Virlogeux.

Thế nhưng ít ai biết đến kiến trúc sư thiết kế cây cầu này. Đó là KTS Lord Norman Foster (lưu ý: Không chỉ là Sir mà là Lord) một ngôi sao trong giới kiến trúc sư của thế giới.

Ông là tác giả của những công trình nổi tiếng như sân bay Quốc tế Hồng Kông 香港國際機場, còn gọi là sân bay Chek Lap Kok, lớn nhất thế giới, tháp liên lạc ở Barcelona, tháp Shard ở Luân Đôn…

KTS Lord Norman Foster đã đưa cây cầu Millau hòa vào cảnh quan xung quanh.

Để đạt được điều này, ông đã bỏ đi 2 trong số 9 tháp cầu trong thiết kế ban đầu của Virlogeux, yêu cầu làm mỏng tối đa đối với những trụ còn lại và bản mặt cầu. Phần trụ cầu do đó mang những hình dáng rất phức tạp, tạo hiệu ứng bóng đổ rất huyền ảo.

Xu hướng mỹ học kiến trúc của nhân loại hiện nay đối với xây dựng những cây cầu là như vậy. Hy vọng cầu Trần Hưng Đạo được quyết định xây dựng sắp tới sẽ là cây cầu biểu tượng cho Hà Nội ngàn năm văn hiến đang được đổi mới, hiện đại hóa hàng ngày và sẽ được xếp hạng là một trong những cây cầu ngoạn mục của thế giới trong một ngày gần đây.

PGS. TS. Tống Trần Tùng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.