Vận tải

Bằng giả tàu sông vẫn còn "đất" sống

14/08/2014, 13:17

Dù một số đường dây làm giả bằng, chứng chỉ chuyên môn (CCCM) lái phương tiện thủy đã bị triệt phá nhưng tình trạng sử dụng bằng giả để hành nghề vẫn rất nhức nhối...

Hiện chưa có giáo trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy thống nhất trên toàn quốc
Hiện chưa có giáo trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy thống nhất trên toàn quốc


Bằng giả chui vào trường học


Theo Cục Đường thủy nội địa VN, việc sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy giả để hành nghề là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Bằng, CCCM giả chủ yếu theo kiểu mẫu phôi cũ, loại này thường giả hoàn toàn từ phôi, chất liệu, kích thước, chữ ký, con dấu và không có thông tin trong hồ sơ gốc, cơ sở dữ liệu.


Công an các tỉnh đã phát hiện, triệt phá một số đường dây làm bằng giả, mà điển hình là tại các địa phương: Hải Phòng, Nam Định, TP HCM, Cần Thơ,… Mặc dù vậy, tình trạng làm và sử dụng bằng giả hiện vẫn khá phổ biến, nhất là tại khu vực phía Nam, như tại: Tiền Giang, Hậu Giang. 


Vụ việc gần đây nhất là tháng 6/2014, sau khi Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP Cần Thơ phát hiện, thu giữ nhiều bằng thuyền trưởng giả, đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra và đã khởi tố đối tượng Nguyễn Thanh Dũng (xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) về hành vi tổ chức làm bằng giả. 


Bằng cấp, CCCM lái phương tiện thủy giả không chỉ “trôi nổi” trên các tuyến giao thông đường thủy mà còn “chui” cả vào trường học để đổi từ bằng giả lên bằng thật. Dẫn chứng là tại Trường Cao đẳng nghề GTVT đường thủy II (TP HCM), trong năm 2013 phát hiện hơn 200 bằng giả các loại được gửi kèm trong hồ sơ xin thi học nâng cấp bằng. 7 tháng đầu năm nay cũng phát hiện hơn 100 trường hợp khác. 


Ông Trần Văn Chín- Phó hiệu trưởng nhà trường, kiêm Giám đốc Trung tâm tư vấn và ứng dụng công nghệ GTVT cho biết, từ bằng tốt nghiệp phổ thông trung học đến CCCM lái phương tiện, thuyền trưởng, máy trưởng hạng II- III đều có thể bị làm giả… “Các trường hợp này đều nộp hồ sơ vào để học, thi lấy bằng hạng cao hơn và bị phát hiện là giả sau khi nhận được kết quả xác minh từ các đơn vị đào tạo” - ông Chín nói.

Thiếu hệ thống quản lý hiện đại


Theo phân cấp, Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức thi, cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhì trở lên, cấp Sở GTVT là hạng ba, còn cơ sở dạy nghề cấp CCCM. Do việc quản lý bằng cấp còn thiếu đồng bộ nên không ít trường hợp bằng giả “đổi” bằng thật trót lọt tại cơ sở đào tạo chỉ vì khâu chờ phản hồi xác minh bị chậm trễ. 


Cũng theo ông Trần Văn Chín, trước khi thi tốt nghiệp, nhà trường tổ chức xác minh hồ sơ của thí sinh, nhưng có nơi hàng tháng sau không gửi phản hồi. Có trường hợp bằng được phát xong mới nhận được phản hồi của các đơn vị rằng bằng cũ trong hồ sơ là giả. Vì thế, nhà trường cũng chỉ còn cách gửi văn bản đề nghị Cục Đường thủy nội địa VN hủy kết quả thi và thông báo cho Cục Cảnh sát đường thủy phối hợp thu hồi. 


“Đối với những trường hợp bằng giả bị phát hiện trước khi thi, nhà trường chỉ ghi lại mã số bằng giả và trả lại cho thí sinh mà không có thẩm quyền thu giữ” - ông Chín nói.


Tại cuộc họp về đổi mới công tác quản lý đường thủy được tổ chức mới đây, ông Trần Văn Cừu- Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, tính đến hết tháng 6/2014, có đến 298.689 bằng, CCCM đã được cấp. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là chưa hình thành được cơ sở dữ liệu thống nhất, dẫn đến việc kiểm tra, tra cứu giữa các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Cũng vì lý do đó mà chưa phát hiện kịp thời các trường hợp bằng cấp bị tẩy xóa hoặc làm giả.

Hồng Xiêm
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.