Chuyện dọc đường

"Bảo bối" khắc chế "ma men"

26/08/2014, 07:01

Việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế được nhiều người ví như "bảo bối" hữu dụng giúp lực lượng chức năng phát hiện người điều khiển phương tiện giao thông...


Thiết bị “ngửi” mùi rượu siêu nhanh đã được thí điểm tại nhiều địa phương như: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình... nhạy đến mức chỉ cần đưa gần miệng người nói chuyện đã có thể biết người này có uống rượu, bia không. Điều này có nghĩa là với thiết bị này, lái xe thậm chí không cần phải xuống xe, lực lượng chức năng đã có thể “định tính” là có nồng độ cồn hay không và nếu máy báo phát hiện người điều khiển phương tiện có sử dụng bia, rượu thì lúc đó, chủ phương tiện được yêu cầu đưa xe vào bãi để kiểm tra nồng độ cồn và xử phạt sai phạm. 


Như vậy, quy trình kiểm tra nồng độ cồn thường phải mất 10 phút đã được rút gọn lại còn vài chục giây. Người không vi phạm nếu có yêu cầu dừng kiểm tra cũng sẽ không cảm thấy quá phiền hà.  


Tại Việt Nam, theo Chiến lược Phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng của Hà Nội đáp ứng khoảng 25% nhu cầu đi lại, của TP HCM cũng mới chỉ đáp ứng khoảng 20%. Điều này cũng có nghĩa là phương tiện cá nhân vẫn chiếm tuyệt đại đa số. Hậu quả đáng tiếc của việc tham gia giao thông bằng các phương tiện cá nhân sau khi lạm dụng rượu, bia vì thế vẫn luôn hiện hữu. 


Thống kê cho thấy, có đến 40% số vụ và 11% số người chết do TNGT có liên quan đến lạm dụng rượu, bia. Mỗi vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn là mất mát và gánh nặng cho gia đình nạn nhân và cả xã hội.


Việc nhân rộng phương pháp kiểm tra nồng độ cồn mới, ưu việt, có tính răn đe cao đối với người tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia nên chăng cũng cần nhanh chóng triển khai rộng khắp trên cả nước.


Sự ưu việt của phương pháp này chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng, người dân nhằm đẩy lùi một trong những nguyên nhân gây TNGT lớn nhất.

Thanh Bình

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.