Báo cáo tài chính doanh nghiệp "biến" từ lãi thành lỗ
Báo cáo tài chính (BCTC) là cơ sở quan trọng, thể hiện "sức khoẻ" của doanh nghiệp, giúp các nhà đầu tư chứng khoán đưa ra quyết định có gắn bó tiếp hay bán tháo.
Tuy nhiên, thời gian qua, chênh lệch lớn đến cả trăm tỷ giữa số liệu báo cáo tài chính do doanh nghiệp lập và báo cáo tài chính sau kiểm toán khiến không ít nhà đầu tư hoang mang.
Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế Dabaco giảm từ 150 tỷ xuống còn 5 tỷ đồng (trụ sở Dabaco)
Một trong những tâm điểm là công bố báo cáo kiểm toán 31/3 của Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã CK: DBC) với lợi nhuận sau thuế giảm từ 150 tỷ xuống còn 5 tỷ đồng.
Theo báo cáo giao dịch Fecon cho thấy, ngày 3/1 (sau báo cáo tài chính 2022), giá cổ phiếu ở mức 10.050đ/cổ phiếu. Đến nay 31/3 (ngày báo cáo tài chính kiểm toán), cổ phiếu Fecon có giá 11.500đ/cổ phiếu.
Cổ phiếu Dabaco ngày 3/1 là 15.050đ. Cổ phiếu ngày 31/3 là 13.800đ
DBC cho biết, nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận sau kiểm toán giảm do có sự thay đổi về các quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục nghiệm thu công trình xây dựng đưa vào sử dụng. Công ty đã điều chỉnh giảm doanh thu và lợi nhuận của hoạt động kinh doanh bất động sản trên BCTC của Công ty mẹ.
Công ty Cổ phần Fecon cũng có báo cáo giải trình chênh lệch lợi nhuận báo cáo tài chính 2022 với kiểm toán. Theo đó, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất giảm 19,18 tỷ đồng, tương ứng với 27,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh nghiệp này lý giải nguyên nhân giảm là do, lợi nhuận gộp hợp nhất giảm khoảng 113,46 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm 24,2%. Tiếp đến là chi phí lãi vay tăng 145,67 tỷ lên 212,40 tỷ trong năm 2022, tương ứng tỷ lệ 45,8% trong năm 2022 do phát sinh tăng chi phí lãi vay của công ty con là Công ty điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng...
Bên cạnh những doanh nghiệp giảm lợi nhuận là tình trạng báo cáo "biến" từ lãi thành lỗ. Đơn cử như: Tập đoàn Danh Khôi (Danh Khôi Group, mã CK là NRC), giảm từ +6 tỷ xuống -73 tỷ và Công ty thép B.C.H (BCA) từ +2 tỷ xuống -74 tỷ đồng. Nguyên nhân chung của cả 2 đều xuất phát từ trích lập bổ sung dự phòng phải thu khó đòi. Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp tương tự khác.
Cần có quy định chặt chẽ với báo cáo tài chính tự lập
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, báo cáo tài chính (BCTC) là một trong những tài liệu quan trọng làm căn cứ đánh giá về "sức khoẻ" của doanh nghiệp. Nó là căn cứ xác định giá trị cổ phiếu trước khi ra quyết định của nhà đầu tư.
Việc chênh lệch số liệu BCTC trước và sau kiểm toán có thể do vô tình sai sót, nhưng cũng có thể do cố tình gian lận số liệu trên báo cáo tự lập. Bởi thực tế đã cho thấy, nhiều vụ gian lận được phát hiện ra như: Bông Bạch Tuyết, Dược Viễn Đông, Gỗ Trường Thành... Sự chênh lệch quá lớn trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp rất dễ đánh mất niềm tin của nhà đầu tư, ảnh hướng tới sự minh bạch của thị trường chứng khoán.
Theo ông Thịnh, tình trạng trên ngoài xuất phát từ ý chỉ chủ quan của doanh nghiệp, còn có "khe hở" của quy định trong hoạt động kế toán, kiểm toán. Hiện nay, chưa có chế tài xử phạt khi có sai sót trong BCTC tự lập, thậm chí là sai sót trọng yếu. Doanh nghiệp chỉ bị yêu cầu giải trình, điều này có thể dẫn đến tâm lý "nhờn luật", lợi dụng để công bố thông tin "đẹp" nhằm các mục đích thoái vốn, tăng vốn... trước khi được kiểm toán điều chỉnh lại.
Do đó, ông Thịnh cho rằng, Nhà nước cần sớm có quy định để "siết" lại tình trạng sai sót quá lớn trong báo tài chính doanh nghiệp tự lập. Trong trường hợp doanh nghiệp cố ý, cần thực hiện các thủ tục hình sự với những cá nhân có trách nhiệm liên quan, từ đó mới có thể tạo ra mức răn đe, tạo tính minh bạch cho thị trường.
"Đồng thời, Nhà nước cũng cần cụ thể hoá những hạng mục được khấu trừ. Hiện nay, nhiều khoản doanh nghiệp cho rằng chi tiêu, đầu tư hợp lý, được áp dụng khấu trừ. Nhưng khi kiểm toán, bóc tách mới thấy, những khoản đó không được khấu trừ dẫn đến bất nhất giữa các báo cáo, khiến nhà đầu tư hoang mang", ông Thịnh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận