Hàng không

Báo cáo Thủ tướng việc cấp phép cho hãng bay của ông Hạnh Nguyễn

27/09/2022, 07:00

Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo.

Dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên biệt

Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ: Tính đến 31/7/2022, có 5 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines (bao gồm VASCO), Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines đang khai thác thường lệ 69 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với 19 sân bay địa phương.

img

Hình ảnh chiếc máy bay đầu tiên chuyên chở hàng hoá của ông Hạnh Nguyễn

Trên thị trường quốc tế, hơn 60 hãng hàng không nước ngoài và 04 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines) khai thác 110 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 24 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Số lượng hãng hàng không nước ngoài có chuyến bay chuyên chở hàng hóa thường lệ bằng tàu bay chuyên dụng đến Việt Nam là 47 hãng hàng không.

Theo Bộ GTVT, IPP Air Cargo ra đời nhằm mang lại dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên biệt và chất lượng cho khách hàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành logistics Việt Nam; Thúc đẩy tăng trưởng vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam tăng trưởng 10-15%/năm.

Dự kiến sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của IPP Air Cargo sẽ tăng dần trong các năm, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm dự kiến là 18%-20%).

“Theo đánh giá của Cục Hàng không VN, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa kèm theo các báo cáo, tài liệu pháp lý cập nhật, bổ sung bản chính của cơ quan có thẩm quyền hoặc có công chứng trong vòng 6 tháng của Công ty IPP Air Cargo đảm bảo đáp ứng các điều kiện. Cục HKVN kiến nghị Bộ GTVT tiếp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt cấp Giấy phép KDVCHK hàng hóa cho Công ty IPP Air Cargo theo quy định pháp luật”, Bộ GTVT thông tin.

Theo Bộ GTVT, thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không hiện có 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách. Đáng chú ý, chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.

Trong khi đó, tại Quyết định số 318/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì đến năm 2020 sẽ phát triển đội tàu bay chở hàng khoảng 8 - 10 chiếc, đến năm 2030 tàu bay chở hàng khoảng 15 - 20 chiếc.

Bên cạnh đó, theo Quyết định số 236/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, sẽ “hình thành và phát triển đội tàu bay chuyên vận chuyển hàng hóa”.

“Như vậy việc thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa là phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Bộ GTVT nhấn mạnh đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho IPP Air Cargo.

Vận tải hàng hoá hàng không dự kiến đạt hơn 1,52 triệu tấn trong năm 2022

Thông tin từ Cục Hàng không VN cho thấy đến thời điểm hiện tại, cơ quan này chưa tiếp nhận bất kỳ báo cáo của hãng hàng không Việt Nam liên quan đến kế hoạch bổ sung chủng loại tàu bay chuyên chở hàng hóa trong thời gian tới.

Trong điều kiện nhu cầu vận chuyển hàng hóa vẫn cao nhưng khả năng cung ứng tải hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam là hạn chế, phụ thuộc vào hoạt động vận chuyển hành khách, thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam vẫn chủ yếu do hãng hàng không nước ngoài tổ chức khai thác.

Thực tế, thị phần của hàng không Việt Nam luôn ở mức thấp, năng lực cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và sự phát triển của ngành logistics Việt Nam nói chung.

Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 1991 khi hoạt động vận chuyển hàng không dân dụng chính thức tách ra khỏi quân đội, tổng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tại Việt Nam đạt 18.384 tấn.

Qua hơn 30 năm, thị trường vận tải hàng hoá Việt Nam đã đạt 1,3 triệu tấn vào năm 2021 và dự kiến đạt hơn 1,52 triệu tấn vào năm 2022, tăng gần 83 lần so với năm 1991 và 21,2% so với năm 2019. Tốc độ tăng trưởng trung bình cả thời kỳ 1991-2022 là 15,3%/năm.

Dù có lợi thế chủ nhà, nhưng tổng vận chuyển hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam năm 2019 (trước dịch Covid-19) chỉ đạt 18% thị phần. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 từ 2020-2021, thị phần hàng hóa quốc tế sụt giảm chỉ đạt 10-12%.

Thời gian qua, do số lượng các chuyến bay chuyên chở hành khách kết hợp hàng hoá giảm mạnh trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt từ 3 - 4 lần, thậm chí vào một số thời điểm, đối với một số thị trường trọng yếu của thế giới, giá cước hàng hóa quốc tế đã tăng 5 - 6 lần so với trước dịch Covid-19.

Đáng chú ý, giá cước vận chuyển hàng hóa từ các cảng hàng không tại châu Á đi Hoa Kỳ trước dịch trong khoảng 1,0 đến 1,8 USD/kg nhưng nhiều thời điểm trong năm 2020 và 2021 lên tới 8 USD/kg đến 10 USD/kg. Thậm chí có thời điểm lên đến 17-18 USD/kg từ Việt Nam đến Hoa Kỳ.

Thời điểm hiện tại, giá cước hàng hóa từ Việt Nam đi Hoa Kỳ vẫn duy trì ở mức 8 - 10 USD/kg. Đây là một trong những lý do có thêm nhiều hãng hàng không chuyên chở hàng hóa của Hàn Quốc, Trung Quốc và đặc biệt là Hoa Kỳ mở đường bay mới đến Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.