Xã hội

Báo chí chủ động, mạng xã hội không thể “dẫn dắt”

21/06/2017, 08:02

Đó là nhận định được Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đưa ra khi trao đổi với Báo Giao thông...

2

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo

Nhiều báo đang chạy theo lợi nhuận thuần tuý

Thưa Thứ trưởng, chúng ta đang sống trong bối cảnh mà chưa bao giờ truyền thông xã hội và truyền thông số phát triển mạnh mẽ như hiện nay nên ai cũng có thể “làm báo”. Vậy, vấn đề đổi mới quản lý báo chí được đặt ra như thế nào?

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo: Báo chí nước ta về cơ bản là tốt, có đóng góp nhiều cho sự phát triển của xã hội, của đất nước. Tuy nhiên, báo chí cũng còn những hạn chế, tồn tại cần rút kinh nghiệm. Nhiều tờ báo hiện chỉ để ý đến lợi nhuận thuần tuý mà quên đi chức năng của báo chí cách mạng là định hướng chính trị, thẩm mỹ, khoa học. Nhiều tờ báo vì thế sa đà, đi lệch tôn chỉ mục đích.

Báo chí phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh thông tin ngày càng quyết liệt trong khi một số cơ quan chủ quản báo chí còn buông lỏng quản lý, nên nhiều khi thông tin báo chí bị trùng lặp, sai sự thật và thiếu kiểm chứng.

Đặc biệt, trong bối cảnh thông tin mạng bùng nổ mạnh mẽ, một số nhà báo không chịu lăn lộn với thực tiễn, quên đi vai trò, trách nhiệm của mình trong việc kiểm chứng thông tin, định hướng dư luận xã hội, thay vào đó lại sa đà, ăn theo thông tin trên mạng xã hội nên nhiều lúc góp phần làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong xã hội.

Lâu nay, có thực trạng tin đồn trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều, sau đó báo chí mới thông tin, không khác nào là sự kiểm chứng độ chính xác của những tin đồn. Nhiều ý kiến cho rằng, làm như thế báo chí mất dần vị thế của mình?

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo: Đó là một thực tế trong xã hội, mà cơ quan quản lý và người làm báo chính thống phải suy nghĩ để đổi mới hoạt động, đổi mới cách thức quản lý. Tôi cho rằng, việc các cơ quan báo chí và nhà báo khai thác được thế mạnh của truyền thông xã hội là rất tốt, nhưng không thể phản ánh trần trụi, bê nguyên xi thông tin trên mạng lên báo, mà phải biết lựa chọn, sàng lọc để trở thành sản phẩm của mình thông qua việc xác minh, kiểm chứng thông tin, từ đó phân tích, tìm ra bản chất vấn đề. Điều đó mạng xã hội không thể làm được.

"Cái quan trọng nhất của báo chí trong bối cảnh hiện nay là làm thế nào vừa phát huy được thế mạnh, vừa biết khai thác được lợi thế của truyền thông xã hội. Truyền thông xã hội có thể giúp báo chí phát hiện sự kiện, nhưng truyền thông xã hội không thể bằng báo chí trong việc đi tìm bản chất, phân tích sự kiện. Chỉ cần báo chí làm được cái đó đã là rất tốt."

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo

Mạng xã hội có thể giúp nhà báo phát hiện sự kiện, nhưng đó là dưới góc nhìn của cá nhân. Với trách nhiệm xã hội của tờ báo, lãnh đạo cơ quan báo chí và nhà báo phải định hướng mang lại điều gì cho xã hội, chứ không phải làm cho xã hội thêm rối ren, phức tạp.

Nhiều người nói mạng xã hội là ảo, nhưng tôi thấy nó không ảo chút nào, giống như ngoài xã hội thực. Chỉ có điều do tính chất mở của mạng xã hội, người ta có thể thoải mái đưa ra vô vàn ý kiến nhận định khác nhau cho một vấn đề, thì báo chí khi ấy phải bình tĩnh, tỉnh táo, tìm hiểu, kiểm định thông tin để đưa tin chính xác, có sức thuyết phục nhất. Cũng chính vì thế mà báo chí thường đi sau mạng xã hội. Nếu một nhà báo, một cơ quan báo chí cũng vội vàng như tin đưa trên mạng xã hội thì có khi tờ báo mất uy tín, cá nhân nhà báo có khi mất nghề.

Nếu báo chí để mạng xã hội dẫn dắt dư luận, khi ấy, người ta sẽ tin vào mạng xã hội hơn việc tìm đọc thông tin trên báo chí.

Dẫn chứng vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội vừa qua, ban đầu báo chí thông tin rất dè dặt trong khi trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin, theo ông báo chí có cần rút kinh nghiệm?

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo: Khi đã là thông tin của báo chí thì phải là thông tin chính thống, phải phản ánh được bản chất của sự kiện đó, cách hành xử, xử lý vấn đề của các cơ quan chức năng đối với sự kiện ấy thế nào để đảm bảo hiệu quả nhất.

Báo chí đã đưa tin thì phải nói được cách xử lý của chính quyền để tạo niềm tin cho dân, còn nếu báo chí chỉ đưa thông tin thuần tuý, trần trụi như mạng xã hội thì không giải quyết được gì, có khi làm tình hình nóng thêm.

Từ đây, cũng cho thấy một vấn đề, đó là báo chí hiện nay đang thiếu những bài viết, những phóng sự điều tra nghiêm túc nhằm phát hiện những vấn đề đang đặt ra. Báo chí phải trở thành kênh thông tin quan trọng giúp Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để chủ động điều chỉnh, thay đổi chính sách, không để xảy ra điểm “nóng”, chứ không chỉ chờ vấn đề vỡ lở rồi mới nhảy vào để đưa tin.

Không chủ động cung cấp thông tin, mạng xã hội sẽ “đưa giúp”

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo: Việc cung cấp thông tin cho báo chí của nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương lâu nay chưa kịp thời, không đầy đủ khiến phản tác dụng truyền thông. Theo ông, tới đây việc này cần phải thay đổi thế nào?

Có một thực tế là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp rất ngại đối thoại với các nhà báo hoặc khi tiếp cận, nhiều cơ quan còn ngại, e dè, chưa chủ động, lúng túng. Nguyên nhân bắt nguồn từ cơ chế phối hợp không tốt, dù có người phát ngôn nhưng có khi người này chưa nắm được thông tin một cách toàn diện, chắc chắn, do vậy, khi được hỏi về nhiều góc cạnh khác nhau lại chưa trả lời được.

Nhưng ngược lại, tại sao nhiều nơi ngại báo chí? Vì không ít cá nhân nhà báo đến tìm hiểu thông tin với mục đích chưa hẳn tốt. Vì vậy, việc này phải nhìn nhận lại từ hai phía. Bản thân từng cơ quan, đơn vị, tổ chức phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, vì xã hội bây giờ nếu anh không chủ động cung cấp thì mạng xã hội người ta cũng sẽ “đưa giúp”, khi ấy hậu quả sẽ khó lường. Bên cạnh đó, mỗi nhà báo cần đề cao trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp, làm sao để các tổ chức, đơn vị, cá nhân cảm thấy gắn bó với báo chí, cần báo chí, dựa vào báo chí.

Thưa Thứ trưởng, hiện có một thực tế là đã và đang có rất nhiều trang tin điện tử cạnh tranh với báo chí chính thống, nhiều trang vi phạm bản quyền, trực tiếp góp phần đẩy báo chí chính thống rơi vào khó khăn. Cơ quan quản lý có biện pháp gì để giải quyết?

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo: Báo chí khác trang thông tin điện tử. Lâu nay, bản thân các cơ quan báo chí cũng kêu các trang tin điện tử lấy tin của báo chí, cái đó các cơ quan báo chí hoàn toàn có quyền kiện trang tin. Bởi, theo quy định, trang thông tin điện tử là cánh tay nối dài của báo, trang tin không được sản xuất tin bài, chỉ được dẫn lại của các cơ quan báo chí trên cơ sở có sự thỏa thuận và phải lấy nguyên văn, không được sửa một từ, nếu sửa là vi phạm và có thể bị phạt.

Nếu họ vi phạm, cơ quan báo chí có thể kiện lên cơ quan quản lý nhà nước thì người ta xử lý được ngay, rất dễ. Trước đây, đã có những trang tin bị xử lý chỉ vì sửa 2 từ trong tít, rồi thay ảnh mà trong bài báo gốc không có.

Thực tế, khi có những hợp đồng, thỏa thuận về bản quyền, các cơ quan báo chí phải lưu ý. Vì một tờ báo, thông thường một số cũng chỉ ra được 2-3 bài hot, nhưng trang tin điện tử nếu thỏa thuận được với 10 tờ báo thì cứ những bài hot nhất họ lấy về và lập tức họ trở thành “tờ báo” hot nhất. Vì thế, khi cơ quan báo chí thỏa thuận với đơn vị làm trang thông tin điện tử tổng hợp phải có ràng buộc về sự cân đối giữa các tin bài phản ánh tích cực và tin bài phản ánh mặt trái, thỏa thuận về lợi ích cho chính mình.

Báo chí hiện đang rất khó khăn trong việc vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị, vừa lo về kinh tế và phục vụ nhu cầu bạn đọc, cạnh tranh khốc liệt. Với tư cách là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, ông có chia sẻ gì?

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo: Thực tế hiện nay, bản thân các cơ quan chủ quản cũng khó khăn, nhưng dù thế vẫn phải tạo được cơ chế nào đó để tờ báo của mình hoạt động, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

Về phía Nhà nước, cơ quan quản lý đã cho phép liên kết để báo chí có thể thu hút nguồn lực, có nguồn thông tin phong phú hơn. Ngoài ra, cũng sẽ nghiên cứu, thay vì để Nhà nước cấp tiền sẽ tìm một cơ chế nào đó như đặt hàng tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị quan trọng, giảm thuế, miễn thuế để cơ quan báo chí bớt gánh nặng. Nhiệm kỳ trước, Bộ TT&TT làm rất quyết liệt nên xin giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với báo in xuống 10%, các loại hình báo chí khác sẽ nghiên cứu thêm để có sự hỗ trợ phù hợp.

Chúng ta có Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí, nhà báo có thể thông qua đó kiến nghị những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để kiến nghị chung với cơ quan quản lý các lĩnh vực có liên quan để nghiên cứu và xem xét.

Cảm ơn Thứ trưởng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.