Quản lý

Báo chí tác động lớn tới nhận thức xã hội về an toàn giao thông

24/09/2021, 14:23

Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, những người làm báo là lực lượng quan trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ATGT.

Hướng tới xã hội không thương vong do tai nạn giao thông

Sáng nay (24/9), Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với quỹ Phòng chống thương vong châu Á và Báo Giao thông tổ chức Hội thảo tăng cường công tác truyền thông về các yếu tố có nguy cơ cao dẫn tới TNGT nhằm nâng cao ATGT đường bộ tại Việt Nam.

Tham gia hội thảo có sự góp mặt của nhiều chuyên gia về ATGT trong nước và quốc tế cùng hơn 30 nhà báo đến từ các cơ quan báo chí truyền thông trên cả nước.

img

Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, Báo Giao thông chủ trì hội thảo

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, an toàn giao thông là một lĩnh vực liên quan đến nhiều đối tượng, trong đó, đối tượng quan trọng nhất là con người.

Để xây dựng được một môi trường giao thông an toàn, điều quan trọng là làm cho người tham gia giao thông thực hiện nghiêm các quy tắc đảm bảo ATGT, tin rằng việc thực hiện quy tắc đó mang lại điều tốt đẹp cho bản thân họ, người thân của họ và cho xã hội.

“Tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về ATGT là một trong những vấn đề quan trọng cần thực hiện để xây dựng được niềm tin đó. Những người mang những thông điệp, nguyên tắc, truyền niềm tin về sự đúng đắn của đảm bảo ATGT cho người dân chính là người làm công tác báo chí”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, kết quả, tỷ lệ TNGT nói chung tại các quốc gia trên đã giảm 5 lần tại thời điểm năm 2013 so với năm 1980. Số người chết năm 2013 ở các quốc gia trên chỉ bằng 20% số người chết do TNGT vào năm 1980. Tất cả các quốc gia thành công đều thừa nhận chính tầm nhìn không thương vong là động lực giúp cho họ định hình, sửa đổi các quy định pháp luật, xây dựng thực hiện các chính sách về hạ tầng, phương tiện, giáo dục, truyền thông, cải thiện năng lực về cấp cứu y tế và khắc phục hậu quả tai nạn.

Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cũng thẳng thắn đặt vấn đề về sự hoài nghi của một số phóng viên về sự khả thi của tầm nhìn “Vision zero” hướng tới một xã hội không còn thương vong do TNGT đường bộ mà Việt Nam đang thực hiện.

"Tháng 10/1997, những sự hoài nghi tương tự cũng được đặt ra khi đất nước Thụy Điển đặt ra tầm nhìn không thương vong. Tuy nhiên, với mong muốn chân chính, những đại biểu quốc hội - người đại diện cho nhân dân Thụy Điển bỏ phiếu quyết định đặt ra tầm nhìn này. Cùng với Thụy Điển, “Vison Zero” cũng được nhiều quốc gia khác như: Na Uy, Đức, Áo, Thụy Sĩ áp dụng", ông Hùng nói.

“Tại Việt Nam, năm 2020, khi đứng trước nhiệm vụ to lớn đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đặt ra là đến năm 2045 Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2060/2020 phê duyệt Chiến lược bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là thông điệp, cam kết của những người làm công tác đảm bảo ATGT trong việc hướng đến một mục tiêu không còn thương vong do TNGT đường bộ.

Điều quan trọng nhất là tất cả đều phải có hành động và khát vọng cụ thể giảm nguy cơ thương vong TNGT. Nhiệm vụ quan trọng của báo chí truyền thông là cùng với hệ thống chính trị nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng của ATGT đối với mỗi cá nhân”, ông Hùng nói.

img

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế và 30 nhà báo từ các cơ quan báo chí

Báo chí cần lựa chọn phương thức đưa tin ATGT hiệu quả

Trao đổi về cách tiếp cận và truyền đạt thông tin báo chí đối với vấn đề ATGT, ông Omar Jacob, chuyên gia truyền thông đến từ tổ chức Vital Strategies (Hoa Kỳ) khẳng định việc đưa con người là chủ thể hay phân tích nguyên nhân và hậu quả của một vụ TNGT là vô cùng quan trọng.

“Khi báo chí đưa tin cần xác minh thông tin chính xác hay không, xác định đúng bản chất sự việc. Đơn cử, trong một tai nạn liên quan đến người đi bộ, một số đông nhà báo sẽ có xu hướng đổ lỗi ngay cho lái xe gây ra tai nạn thay vì nhìn nhận ở góc độ khách quan, sử dụng các công cụ để phân tích người đi bộ có đi đúng phần đường, có tuân thủ nguyên tắc giao thông hay không”, ông Omar Jacob nói, đồng thời, khuyến cáo trong việc đưa tin về ATGT, TNGT, người làm báo cần tránh cảm tính, thông tin những vấn đề chưa được xác thực khiến người đọc có liên tưởng, suy diễn không đúng với bản chất vấn đề.

img

Ông Omar Jacob - Chuyên gia truyền thông và quan hệ quốc tế trao đổi tại hội thảo về cách thức đưa tin tai nạn giao thông

Trước câu hỏi của PV Báo Tiền Phong về yếu tố cản trở việc xây dựng và thực thi các điều luật mới về ATGT? Chính phủ cần vượt qua những cản trở này như thế nào? Vấn đề truyền thông cần được thực hiện như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất?, bà Dr. Judy Fleiter, Giám đốc Toàn cầu (Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu GRSP) đã nhắc tới cách làm của Philippines.

“Quốc gia này vừa thành công trong việc ban hành quy định ghế chuyên dụng cho trẻ em trên ô tô. Để điều này được đưa vào luật, các chương trình vận động thực thi chính sách đều nhấn mạnh vào sinh mạng của trẻ em, thế hệ tương lai của gia đình và đất nước.

Các chiến dịch truyền thông về ATGT đều phải hướng đến con người bằng sự kiên trì của các nhà chức trách, cơ quan báo chí truyền thông qua những chứng khoa học, chính xác để chứng minh”, bà Dr. Judy Fleiter nói.

Tiếp tục trao đổi với PV Báo điện tử VOV về vấn đề truyền thông điệp ATGT của các cơ quan báo chí Việt Nam, như việc đưa tin về TNGT có nên đào sâu vào các vụ TNGT thảm khốc, số người thương vong?, theo bà Dr. Judy Fleiter, việc đưa tin cần tùy vào đối tượng, mục tiêu để “chế biến” ra cách thức xử lý, truyền đạt khác nhau.

“Ví dụ, có những người chỉ đọc một vụ tai nạn thảm khốc đã có thể thay đổi hành vi xấu khi lái xe. Nhưng có người khác phải chờ đến khi mình bị phạt hoặc phải trả giá bằng tai nạn mới thay đổi được nhận thức. Thực tế đó đòi hỏi người làm báo phải phải đa dạng các câu chuyện, phù hợp với cách xử lý thông tin của từng đối tượng người dân”, bà Dr. Judy Fleiter chia sẻ.

Cần kiểm soát 5 yếu tố rủi ro trong giao thông

img

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo Tăng cường công tác truyền thông về các yếu tố có nguy cơ cao dẫn tới tai nạn giao thông do Báo Giao thông tổ chức

Chuyên gia của GRSP này cũng khẳng định truyền thông có vai trò quan trọng trong việc định hướng thái độ của cộng đồng và bà nhấn mạnh tới nguy cơ rủi ro đến từ 5 yếu tố, đó là tốc độ, uống rượu khi lái xe, mũ bảo hiểm, dây an toàn, ghế chuyên dụng cho trẻ em. Các nước đang phát triển cần chú trọng đến các nguy cơ này nếu muốn giảm tai nạn giao thông.

Đây cũng chính là nội dung các diễn giả đến từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Đại học Y tế công cộng chia sẻ với các phóng viên trong phiên làm việc buổi chiều của hội thảo.

TS Trần Hữu Minh - Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia đã trao đổi với phóng viên về các nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả lớn như uống rượu bia lái xe, quy định về tốc độ còn nhiều bất cập, việc thực thi đội mũ bảo hiểm cho trẻ em và thắt dây an toàn trên ô tô còn hạn chế. PGS TS Phạm Việt Cường (Đại học Y tế công cộng) báo cáo nghiên cứu kỹ thuật về độ tuổi và chiều cao của trẻ cần thiết phải sử dụng ghế chuyên dụng cho trẻ em trên ô tô để giảm nguy cơ tai nạn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.