Thế giới

Báo chí Mỹ đối mặt khủng hoảng “cấp độ tuyệt chủng” vì đại dịch Covid-19

20/06/2020, 07:19

Báo chí Mỹ, đặc biệt là ngành báo in bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí đến “cấp độ tuyệt chủng” như cách mô tả của tờ The Guardian.

img
Nhiều tờ báo in ở Mỹ trước đây đã suy thoái nay càng kiệt quệ khi hứng chịu thêm tác động của đại dịch Covid-19

Hoạt động quảng cáo ở thị trường Mỹ suy giảm nhanh chóng bởi các doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu do tác động kinh tế của đại dịch Covid-19. Tình hình này khiến cho báo chí Mỹ, đặc biệt là ngành báo in bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí đến “cấp độ tuyệt chủng” như cách mô tả của tờ The Guardian.

Hàng trăm tờ báo có thể phải đóng cửa

Do nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, cạn kiệt nguồn thu, các phương tiện truyền thông trên khắp nước Mỹ đã sa thải nhiều nhân viên như một cách để ứng phó trước sự suy giảm nghiêm trọng của hoạt động quảng cáo. Trong khi nhu cầu về tin tức chính thống đạt mức cao nhất từ độc giả, một số tờ báo in đã dừng phát hành, chỉ xuất bản nội dung trên trang điện tử.

Tuy nhiên, sự chuyển đổi này cũng dễ bị lung lay và bất ổn bởi khi các doanh nghiệp khác phải nghỉ làm, họ chẳng dại gì bỏ tiền ra quảng cáo dịch vụ, ngoại trừ các công ty chuyên về thương mại điện tử. Và thế là, khi các nhà báo trên khắp nước Mỹ đang cố gắng tranh giành ảnh hưởng trong hoạt động đưa tin về tình hình dịch bệnh, họ cũng phải đối mặt với một sự mỉa mai cay đắng: Trong khi nhu cầu của độc giả với các bài viết hao tổn công sức của họ tăng vọt, các nhãn hàng, dịch vụ kinh doanh vốn là nguồn tài trợ thông qua quảng cáo lại đang sụt giảm rõ rệt.

Ở Louisiana, một trong những bang chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ dịch Covid-19, hai tờ báo The Times-Picayune và Advocate đã cho 10% (trên tổng số 400 nhân viên) nghỉ việc. Một số nhân viên còn lại vẫn đang làm việc cầm chừng khoảng 4 ngày/ tuần.

The Plain Dealer, nhật báo tại TP Cleveland (tiểu bang Ohio) đã buộc phải cho 22 nhân viên trực tin tức tại khối văn phòng nghỉ việc, trong số này có cả những phóng viên phụ trách mảng y tế.

Tại Seattle, tuần báo Stranger đang ngừng xuất bản và tạm thời cắt việc làm của 18 nhân viên. Tampa Bay Times, tờ báo lớn nhất bang Florida, đã chuyển sang bán nguyệt san sau khi sụt giảm khoảng 1 triệu USD quảng cáo.

Tổng biên tập kiêm Giám đốc điều hành của tờ The Times, Paul Tash hy vọng rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường trong tương lai. Tuy nhiên, Penny Abernathy, Chủ tịch Hiệp hội Báo chí và Kinh tế truyền thông kĩ thuật số tại Đại học Bắc Carolina cho hay: “Tôi nghĩ sẽ có hàng trăm chứ không phải hàng chục cơ quan báo chí ở Mỹ sẽ đóng cửa và trước mắt là các tờ báo, trang tin không có thương hiệu”.

Độc giả tăng nhưng tiền thu không tăng

Ngay trước khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành công nghiệp báo chí, đặc biệt là báo in ở Hoa Kỳ đã ở một vị trí bấp bênh. Càng những hãng tin nhỏ lẻ càng dễ bị lung lay và nó đã xảy ra ở các bang của nước Mỹ.

Khoảng 1.800 tờ báo đã đóng cửa từ năm 2004 đến 2019, do số lượng người mua báo in giảm. Kể cả khi báo giấy đã cố gắng thích nghi với thời đại mới bằng việc ra mắt các phiên bản online thì Google và Facebook vẫn chiếm trọn doanh số quảng cáo trực tuyến. Do vậy, các cơ quan báo chí ở thế yếu rất khó trụ vững.

Ken Doctor, một nhà phân tích truyền thông trên Newsonomics - trang chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp về việc truyển đổi sang truyền thông kĩ thuật số cho biết: “Không còn là một lĩnh vực mạnh về thực lực, báo chí cần phải được hỗ trợ bởi một chuỗi các doanh nghiệp “đủ khỏe” để vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19”.

Theo ông Ken Doctor, các tờ báo địa phương của Mỹ hiện đang mất 30 - 60% hợp đồng quảng cáo do dịch Covid-19. Đây được xem là một khoản suy giảm doanh thu cực lớn đang tấn công vào ngành công nghiệp báo chí vốn có khả năng phục hồi thấp. Tuy nhiên, khi số lượng nhân viên bị cắt giảm và tiền quảng cáo đã cạn kiệt, các cơ quan báo chí trên cả nước Mỹ vẫn có báo cáo về sự tăng trưởng số lượng độc giả. “Lượng độc giả của các tờ báo đã tăng gấp đôi và tỉ suất người xem đạt kỉ lục trên các kênh tin tức, chủ yếu là các tin tức liên quan đến virus Corona”, chuyên gia Ken Doctor cho hay.

“Lí do giải thích cho điều này rất rõ ràng, đó là vì khi người dân Mỹ phải ở nhà cách ly, họ cảm thấy khiếp sợ trước cái chết và thường cố gắng tìm hiểu càng nhiều càng tốt về Covid-19 và các thông tin liên quan, từ số trường hợp bị nhiễm, khuyến cáo về sức khỏe mới nhất, thậm chí cả tin tức về các công viên, siêu thị còn mở cửa…”, ông Ken Doctor dẫn chứng và lưu ý thêm, Covid-19 là dịch bệnh mà trước đây chưa từng một ai trải qua.

Mô hình kinh doanh 200 năm tuổi của báo chí đã sụp đổ

Một nghiên cứu của chuyên gia truyền thông Abernathy tại Đại học Bắc Carolina chỉ ra, có đến 1.300 cộng đồng người Mỹ hoàn toàn không được tiếp cận với các tin tức báo chí. Do vậy, cụm từ “Những hoang mạc tin tức” được ra đời từ đây để chỉ những nơi trên nước Mỹ từng chứng kiến tình trạng đói tin tức.

Khi ngành báo chí gặp khó khăn, các tập đoàn truyền thông lớn đã lao vào thu mua các tờ báo địa phương. Họ cũng sa thải hàng trăm nhà báo trong quá trình đó. Nhưng các tờ báo thuộc sở hữu của những tập đoàn lớn này cũng dễ bị ảnh hưởng trước tác động của Covid-19. Gannet, doanh nghiệp tư nhân sở hữu nhiều tờ báo địa phương lớn nhất ở Mỹ, đã mất 94% giá trị công ty kể từ tháng 8/2019.

Theo mô tả của Hiệp hội Báo chí Mỹ, Công ty Gannet gần đây thông báo sẽ cho phần lớn nhân viên nghỉ làm một tuần mỗi tháng và phải chấp nhận việc bị cắt giảm 25% lương tháng.

Alden Global Capital, công ty sở hữu hơn 50 tờ báo, đã dành nhiều năm thâu tóm các cơ quan báo chí, sau đó cắt giảm nhân sự xuống mức ổn định. Doanh nghiệp này đã tiến hành nhiều đợt sa thải nhân viên trong suốt mùa dịch, trong khi 2/3 phóng viên còn lại của họ đã bị cắt giảm lương.

Lee Enterprises, một công ty sở hữu nhiều tờ báo ở 25 tiểu bang của Mỹ, cũng đã tuyên bố cắt giảm lương toàn bộ công ty và nhân viên của Lee Enterprises cũng sẽ phải nghỉ việc không lương và tùy chọn đường đi sau khi tình hình thay đổi.

Tờ The Guardian bình luận, đây là lúc người ta có thể nhận ra rằng, ngành báo chí “đã bước một chân vào tình trạng thảm khốc”.

Năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu Pew cho hay, 71% người dân Mỹ tin rằng các cơ quan báo chí địa phương vẫn rất ổn định về tài chính và chỉ 14% người dân thực sự “góp tiền” (mua báo) cho một số tờ báo địa phương trong những năm qua.

Chuyên gia Abernathy cho biết: “Chúng tôi hi vọng rằng điều này sẽ nâng cao nhận thức và thiện ý của mọi người trong việc chi trả cho các hãng tin. Chúng tôi cũng mong độc giả có thể toàn tâm suy nghĩ về những cách thức mới để chi trả - dù là thông qua tiền thuế, công khai tài trợ, hay đơn giản chỉ cần hiểu rằng báo chí mang lại nhiều giá trị hơn những gì họ đã tính người đọc. Chúng ta phải thay đổi vì mô hình kinh doanh 200 năm qua đã sụp đổ”.

Sự càn quét tàn khốc của dịch Covid-19 là câu chuyện lớn đáng để bàn luận và đối với hầu hết các tờ báo hay trang tin ở Mỹ, nội dung mà họ đang truyền tải đã tạo ra kỷ lục về số lượng độc giả. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia trong ngành, virus Corona vừa có thể giết chết hàng trăm nghìn người Mỹ vừa có thể đặt dấu chấm hết cho hàng trăm cơ quan báo chí ở nước này. Sự thật là đã có nhiều nhà báo Mỹ mất việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.