Báo chí phân cực, niềm tin của người dân vào truyền thông có chiều hướng suy giảm
Nước Mỹ luôn nhân danh và đề cao dân chủ, tôn trọng tự do báo chí nhưng thực chất báo chí chính thống của nước này có sự chia rẽ chính trị rõ rệt. Niềm tin của người Mỹ với nhiều nhà đài, tờ báo chính thống vì thế đang suy giảm.
Người theo dân chủ đọc CNN, bảo thủ tìm đến Fox News
Trên báo chí Mỹ ngày nay, những chỉ trích, chia rẽ đảng phái gần như không còn kiêng dè. Chỉ cần xem cách một tờ báo đưa tin về Tổng thống Mỹ đương nhiệm hay đã mãn nhiệm là hiểu họ theo quan điểm dân chủ ôn hòa hay bảo thủ.
Đơn cử, khi đưa tin về chính sách người nhập cư của Tổng thống Mỹ Joe Biden (trong đó có điều khoản nhân đạo hơn với trẻ em nhập cư đến biên giới Mỹ mà không có người đi kèm), qua CNN, người ta cảm nhận đây là chính sách cực kỳ mềm mỏng và nhân văn.
Nó cho thấy tân Tổng thống có cách tiếp cận mới, lật ngược chính sách không khoan nhượng dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump, cũng như tìm hướng giải quyết bế tắc người tị nạn tồn tại nhiều đời nay tại Mỹ.
Nhưng nếu theo dõi qua Fox News, độc giả có thể tức giận với tân Tổng thống Mỹ vì sai lầm khi cho phép trẻ em nhập cư bất hợp pháp đi một mình mà không có cha mẹ.
Theo truyền thông bảo thủ, điều khoản này khiến ngày càng đông trẻ nhỏ tìm đến Mỹ tị nạn, làm phát sinh những tổ chức phạm tội đưa trẻ em tới biên giới Mỹ rồi nhận tiền từ cha mẹ chúng. Đồng thời, gây ra khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng, làm cơ quan biên giới quá tải, nhiều trẻ phải nằm trong lán trại chờ số phận được định đoạt...
Cũng chủ đề nhập cư, cách đăng tin của CNN và Fox News về video kẻ buôn lậu thả 2 trẻ nhỏ qua hàng rào biên giới cao 4m, mặc trẻ bơ vơ giữa sa mạc, lại càng thấy rõ xu hướng phân cực.
Nếu CNN chỉ đăng hình ảnh cùng một cái tựa rất hiền: “Video từ cơ quan tuần tra cho thấy 2 trẻ em bị thả qua tường ngăn cách biên giới” thì Fox News giật tít: “Video gây sốc, hai chị em bị thả qua tường ngăn biên giới, làm bùng lên chỉ trích về chính sách nhập cư của Joe Biden”.
Xoay quanh sự kiện này, CNN có 2 bài đăng: 1 bài chỉ có video và 1 bài nêu cụ thể bối cảnh sự việc, không dẫn liên quan đến chính sách nhập cư của ông Joe Biden.
Mặt khác, Fox News có 3 bài đăng dày dặn: Hai bài viết liên kết sự kiện này với chính sách nhập cư mới của ông Joe Biden, trong đó có 1 bài phỏng vấn các Nghị sĩ, chỉ trích kịch liệt đây là hậu quả từ chiến lược nhập cư của Tổng thống Biden.
Một bài viết còn lại không nhắc đến chính sách nhập cư nhưng dẫn lời bà Gloria Chavez, Trưởng đặc vụ tuần tra Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên bà chứng kiến những kẻ buôn lậu tàn nhẫn thả trẻ di cư đơn độc ở những vùng hẻo lánh và lo ngại những hành động như vậy sẽ tiếp diễn.
Qua bài viết về sự kiện đó, có thể hiểu, từ khi chính sách của ông Biden có hiệu lực, những hành động như vậy mới xuất hiện và sẽ tồi tệ hơn trong tương lai nếu quyết sách không thay đổi.
Một ví dụ khác là cách báo chí Mỹ đưa tin về sự kiện cực “nóng” năm 2020 khi ông Trump và phu nhân bị nhiễm Covid-19 tại thời điểm cuộc bầu cử Mỹ diễn ra gay cấn.
Ngay trong đêm, khi báo chí dồn dập đưa tin sự kiện, đài CNN lập tức có bài phỏng vấn bác sĩ Sanjay Gupta khẳng định, thông tin ông Trump mắc Covid-19 chẳng có gì ngạc nhiên vì vị Tổng thống này vốn không coi trọng biện pháp đeo khẩu trang.
Thậm chí, CNN còn đăng tải video ông Trump chỉ trích đối thủ Joe Biden trong phiên tranh luận rằng ông Biden lúc nào cũng kè kè chiếc khẩu trang khi đi vận động và bây giờ chính ông Trump lại bị nhiễm virus.
Trong khi đó, đội ngũ của Fox News lại thể hiện rất sốc khi biết tin và nhấn mạnh Tổng thống Trump cùng đội ngũ của ông luôn được xét nghiệm virus hàng ngày, ngoài ra không chỉ trích gì hơn.
Thực tế, đã có nhiều cuộc khảo sát chỉ ra, báo chí Mỹ phân cực rõ rệt và bản thân độc giả Mỹ cũng cảm nhận rõ sự phân cực dân chủ/bảo thủ qua cách đưa tin của nhiều tờ báo lớn chính thống.
Trong bài viết trên tờ báo phi lợi nhuận The Conversation (Australia), nhà báo Misha Ketchell cho biết, dù hỏi bất cứ người nào tại Mỹ hay sử dụng đến những phương thức khảo sát khoa học để xác định việc báo chí Mỹ có thiên vị hay không, bạn sẽ thấy rõ hơn một nửa đều trả lời là “có”.
“Ăn cây nào rào cây ấy”
Người ủng hộ Tổng thống Trump mặc áo chỉ trích các kênh truyền thông CNN, ABC, NBC
Theo nhà báo Misha Ketchell, trong Tu chính án thứ 1 của Mỹ nói rõ, Quốc hội Mỹ sẽ không ban hành điều luật nào hạn chế tự do báo chí và Quốc hội không bắt buộc tất cả các nguồn truyền thông không được thể hiện nội dung mang tính chất thiên vị.
Kể từ khi Hiến pháp được viết và trong gần như suốt chiều dài lịch sử Mỹ, các kênh báo chí lớn của nước này đều thể hiện sự phân cực, thiên vị giữa hai quan điểm chính trị dân chủ/bảo thủ. Hầu hết các tờ báo này đều được một cá nhân hay một đảng chính trị tài trợ. Do đó, không khó hiểu khi báo chí “ăn cây nào rào cây ấy”.
Hơn nữa, thời gian gần đây, chính trị Mỹ phân cực rõ rệt. Đảng Cộng hòa nhất quán với quan điểm bảo thủ hơn còn Đảng Dân chủ trở nên tự do và ôn hòa hơn, ngày càng nhiều người Mỹ có tư tưởng đảng phái rõ ràng.
Giữa vô vàn tin tức, họ sẽ tìm đọc những thứ phù hợp với quan điểm, định kiến cố hữu, tiêu thụ những thông tin mà họ có cùng tư tưởng hoặc nếu có đọc thông tin trái chiều cũng chỉ là để củng cố hơn quan điểm có sẵn của mình, theo phân tích của nhà nghiên cứu truyền thông Silvia Knobloch-Westerwick đang làm việc tại Đại học bang Ohio.
Dựa trên xu hướng đó, báo chí Mỹ có đủ những phương tiện, công cụ tối tân nhất để phân tích tâm lý độc giả, xây dựng chiến lược và thừa khả năng để sáng tạo những nội dung thu hút đối tượng độc giả mà mình muốn nhắm tới.
Song cũng chính vì xu hướng phân cực, thiên vị này mà không ít đài báo Mỹ đã mất đi một lượng độc giả nhất định vì họ cảm thấy báo chí chính thống đã không còn khách quan và dân chủ. Từ đó, họ chọn theo dõi thẳng những nhân vật mà mình quan tâm qua mạng xã hội để lấy thông tin trực tiếp mà không thông qua báo chí.
Đây chính là cách ông Donald Trump tận dụng triệt để khi tham gia các cuộc tranh cử Tổng thống năm 2016 và 2020 cũng như xuyên suốt nhiệm kỳ làm lãnh đạo Nhà Trắng. Ông thẳng thắn chỉ trích phe New York Times, CNN, ABC, CBS và NBC News... là những kênh tin giả và chỉ trả lời một số tờ báo bảo thủ như Fox News, OANN (một kênh theo phe cực hữu, ủng hộ ông Trump)...
Cuộc khảo sát với chủ đề “Sự phân cực của truyền thông Mỹ và kết quả bầu cử 2020: Một quốc gia bị chia rẽ” do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện, phỏng vấn 12.043 người Mỹ đã cho thấy: Fox News là nguồn tin về phe bảo thủ lớn nhất; 65% người theo Đảng Cộng hòa và tìm hiểu về Đảng này đều tìm đến Fox News.
Trong khi đó, CNN là nguồn tin nghiêng rõ ràng về phe dân chủ. Khoảng 67% người thuộc Đảng Dân chủ và tìm hiểu về Đảng này sẽ coi CNN là nguồn tin cậy số một.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận