Xã hội

Báo chí “vật vã” tự cứu mình

21/06/2017, 07:02

Bây giờ với mỗi tờ báo, view là tiền cả. Bài báo dù hay tới mấy mà không có view, coi như vứt đi.

8

Sạp bán báo trên phố Hàng Trống là một trong số ít sạp báo còn tồn tại ở  Hà Nội - Ảnh: K.Linh

Nguồn thu từ phát hành và quảng cáo lao dốc không phanh khiến không ít cơ quan báo chí rơi vào tình cảnh khó khăn. Xoay chuyển mô hình, thay đổi cách làm…, song sự sống còn của nhiều tờ báo vẫn là một dấu hỏi lo lắng.

“Từ đỉnh rơi xuống vực”

Còn nhớ hồi đầu năm, hàng loạt PV một tờ báo uy tín tại TP.HCM bỗng nhiên tung hình ảnh tin nhắn về số tiền thưởng Tết “khủng” khiến làng báo không khỏi xôn xao. Hỏi ra mới biết đó là trào lưu “tự sướng” để phóng viên tự khích lệ tinh thần. “Nguồn thu cả năm sụt giảm khiến tiền thưởng Tết cũng giảm hẳn so với mọi năm. Trong khi đó, anh em trong tòa soạn đa phần chỉ biết làm nội dung mà không biết làm kinh tế…”, nữ phóng viên của tờ báo trên ngậm ngùi nói.

"Làm báo theo kiểu cũ mà đòi hỏi phát triển kinh tế thì rất khó. Báo chí làm kinh tế trước hết từ công chúng của mình, công chúng chỉ trở thành khách hàng khi tờ báo đáp ứng được nhu cầu của họ. Thông qua nhu cầu công chúng, báo chí mới có thể vừa định hướng tuyên truyền, vừa làm kinh tế. Bằng không, chỉ với thông tin 1 chiều, khô cứng, tự tờ báo bó chân tay mình…chắc chắn không những không làm được kinh tế mà nhiệm vụ chính trị cũng không thành."

TS. Nguyễn Văn Dững
Trưởng Khoa Báo chí Học viện Báo chí & Tuyên truyền

"Ngày xưa, có ngày tôi bán cả mấy trăm tờ báo. Giờ đây báo điện tử, mạng xã hội phát triển, nên hầu như tôi chỉ đi đưa báo đặt hàng, ngày nào nhiều cũng chỉ bán được 40 tờ."

Ông Đinh Quang Thuận
người 30 năm rong ruổi bán báo tại TP Vinh

Tại Hà Nội, một thư ký của tờ báo từng làm mưa làm gió trên các sạp báo, các cung đường báo dạo với những tin tức an ninh trật tự nóng hổi cho hay: “Nếu tính về lượng phát hành, so với 10 năm trước chẳng khác nào chúng tôi đang ở trên đỉnh rồi tuột thẳng xuống vực. Chưa hết, nguồn thu từ quảng cáo trên báo giấy cũng đã giảm hơn một nửa”.

Ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay cho biết, 20 năm nay, báo phải tự chủ 100% về tài chính. Tuy nhiên, gần đây, khó khăn thực sự đến khi thị phần báo in ngày càng thu hẹp; báo Nông thôn Ngày nay lại bị cắt giảm trong chương trình cấp phát báo về các huyện nghèo, vùng sâu vùng xa... “Lượng phát hành giảm, quảng cáo giảm khiến nguồn thu báo giấy mất hơn một nửa”, ông Định chia sẻ.

Bộ TT&TT xác nhận: Một số cơ quan báo chí có doanh thu cao trước đây (Tuổi trẻ TP.HCM, Thanh Niên, Bóng đá, các báo ngành Công an...) năm qua tiếp tục sụt giảm doanh thu đáng kể. Trong khi đó, quảng cáo trên báo điện tử vẫn tăng trưởng chậm, phần lớn quảng cáo chỉ tập trung ở một số báo điện tử có số lượng người truy cập lớn. Cũng cơ quan quản lý này cho biết, hiện có 300/857 cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Trong khi cơ quan báo Đảng phần lớn được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thì báo của các bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể phần lớn tự hạch toán, tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Gồng mình xoay chuyển

Có lần, khi nói chuyện về nghề, tổng biên tập một tờ tạp chí chia sẻ: “Giờ mỗi khi có dịp gặp nhau, câu hỏi đầu tiên các tổng biên tập là: Dạo này view thế nào?”. Nói xong ông cười và bảo: “Bây giờ với mỗi tờ báo, view là tiền cả. Bài báo dù hay tới mấy mà không có view thì cũng coi như vứt đi”.

Không chỉ lãnh đạo, “công cuộc” tăng view ngày đêm cũng đang dồn áp lực lên đội ngũ sản xuất. Nghĩa là, phóng viên giờ đây không chỉ lo viết bài mà còn phải lo “bán báo”. Nhiều khi chuyện câu view của phóng viên cũng là chủ đề cười ra nước mắt. Ví như một nữ phóng viên trẻ không ngại ngần đăng status kèm đường link bài báo của mình trên facebook: “Ai thương em thì đi qua kích giúp, cho em được hưởng cảm giác lên top 1 lần đầu với các anh chị. Đầu tuần nào cũng bị sếp kêu view thấp trừ lương em chán lắm rồi”.

Phóng viên một tờ báo ngành kể, việc đầu tiên khi đến toà soạn là bật tất cả máy tính trong phòng lên để click vào bài viết của mình. Máy tính của phóng viên này cũng phải cài 4-5 trình duyệt để ngày ngày mở link trên từng trình duyệt đó. Ngoài ra, còn phải “lập hội” gồm một nhóm phóng viên làm cùng mảng đề tài ngày nào cũng có nhiệm vụ click view lẫn cho nhau…

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển phiên bản điện tử - Dân Việt, Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay Lưu Quang Định cho biết, dù đã ra đời 7 năm song mới thực sự cải tổ từ đầu năm 2016 đến nay. “Mô hình tòa soạn đã được xoay trục từ tòa soạn báo giấy sang tòa soạn hội tụ tập trung làm điện tử. Toàn bộ đội ngũ nhân viên phải đào tạo lại, thay đổi quy trình sản xuất tin bài. Đối với tờ điện tử, chúng tôi tìm cách cập nhật thông tin nhanh nhất, thu hút, mở rộng đối tượng bạn đọc; tăng thế mạnh thông tin về nông thôn, nông dân. Ngược lại, tờ báo giấy, chúng tôi mở ra những trang chuyên đề, và coi đó là “đặc sản” của mình”, ông Định kể.

Sau hơn một năm “xoay trục”, báo Nông thôn Ngày nay đã đạt mức tăng trưởng 20%/năm. Tuy nhiên, người đứng đầu tờ báo cho hay: “Tôi vẫn trăn trở, trong xu hướng báo chí phát triển nhanh, làm thế nào bắt kịp, không bị chậm chân về công nghệ, mô hình hoạt động? Đó là chưa kể, báo Nông thôn Ngày nay vẫn còn rất hạn chế về tiềm lực, luôn phải tự chủ cánh sinh, có tới đâu đầu tư tới đó, nên nhiều khi vẫn phải động viên anh em làm là chính…”, ông Định nói.

Đưa bài theo “gu” lãnh đạo, ai đọc?

Nhận định về những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế báo chí ngày nay, đặc biệt đối với báo in, TS Trần Bá Dung. Trưởng ban Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Suy giảm báo in là hệ quả tất yếu diễn ra trên cả thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Không chỉ những tờ báo thị trường, mà cả những tờ đang được bao cấp cũng suy giảm nguồn thu rõ rệt trước sự cạnh tranh gay gắt về độc giả cũng như quảng cáo với báo mạng và cả mạng xã hội”, ông Dung nói.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters tháng 1/2017, Google và Facebook chiếm tới 99% mức tăng trưởng doanh thu quảng cáo digital ở Mỹ. Doanh thu trong quý III/2016 của Google đạt 9,5 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2015, còn Facebook cũng đạt mức tăng trưởng 45% với 3,4 tỷ USD. Tổng doanh thu của tất cả các công ty còn lại chỉ là 4,7 tỷ USD với mức tăng trưởng vỏn vẹn… 1%.

Tương tự, tại Việt Nam, tiền quảng cáo trực tuyến cũng đang chảy hầu hết vào túi của các doanh nghiệp nước ngoài như: Facebook, Google. Tính đến hết năm 2015 cho thấy, Facebook hiện đứng số 1 về doanh thu trực tuyến với doanh số khoảng hơn 3.000 tỷ đồng; Google đứng ở vị trí thứ 2 với 2.200 tỷ đồng, còn lại, các công ty trong nước chỉ đạt khoảng 1.900 tỷ đồng.

Lý giải thực trạng trên, ông Dung phân tích: Trong khi báo mạng và mạng xã hội cập nhật thông tin từng phút, thậm chí tường thuật trực tiếp thì báo in vẫn phải đợi in. Đặc biệt, những tờ báo được bao cấp, nhiều nơi không có nhu cầu đổi mới, không coi đổi mới là chuyện sống còn, tất yếu bị giành thị phần cả về phát hành cũng như quảng cáo. “Nhìn chung, báo in đang đi vào vòng xoay: Nguồn thu giảm - nhuận bút giảm - không có bài hay - không thu hút công chúng - không tăng được số lượng phát hành và quảng cáo - nguồn thu giảm!”, ông Dung nhận xét.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt đó, nhiều báo in vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị. “Có những báo, đài của các tỉnh, bộ, ngành rất khó đổi mới khi phải đưa tin, bài theo công thức, theo áp đặt cứng nhắc, thậm chí theo “gu” của lãnh đạo ở đó. Những phát biểu lễ lạt… in cả trang, phát hình 15 phút, như vậy, ai đọc, ai xem?”, ông Dung đặt vấn đề.

Hoạt động theo tôn chỉ mục đích, gánh vác nhiệm vụ chính trị song các tờ báo vẫn phải sống. “Tôi khẳng định, đi đúng tôn chỉ mục đích, tờ báo vẫn có thể tham gia tổ chức các sự kiện, hoạt động chính trị - xã hội, tranh thủ nguồn tài trợ, tăng nguồn thu… Chúng ta đừng nên nghĩ tự bó hẹp mình, không cứ phải đi ra ngoài tôn chỉ mục đích mới có hoạt động tăng thu nhập”, ông Dung nói và nhận định, nếu người lãnh đạo biết cách khai thác hài hòa kết hợp với báo điện tử, báo in chắc chắn vẫn có đất sống. “Tôi được biết trong mấy năm qua chỉ có một số ít tờ báo tự đình bản, song có những tờ thua lỗ vẫn cố gắng duy trì hoạt động. Còn duy trì tờ báo vẫn có cách để sống thì tội gì họ không duy trì”, vị Trưởng ban Ban Nghiệp vụ nhận định.

Về mô hình phát triển kinh tế báo chí, ông Dung cho biết, đã từng được đặt ra, song tới nay vẫn chưa có những đề tài nghiên cứu có tầm. “Cần có thời gian nghiên cứu, khảo sát tham khảo ý kiến chuyên gia, bởi mỗi cơ quan báo chí có yếu tố đặc thù, tôn chỉ mục đích, năng lực của người lãnh đạo... là khác nhau”, ông Dung nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.