Thế giới

Báo chí Việt Nam đứng đầu thế giới về tuyên truyền chống dịch Covid-19

19/06/2020, 07:38

Thành công của cuộc chiến chống Covid-19 nói chung và chống tin giả thời dịch bệnh nói riêng, Việt Nam được coi là điển hình.

img
Ê-kip phóng viên Kênh VTC14 - Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tác nghiệp trong Bệnh viện Bạch Mai.

Đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến cả thế giới lo sợ. Tình trạng “đói tin” tạo ra mảnh đất màu mỡ để những tin giả sinh sôi. Nhưng đó cũng chính là thời cơ vàng để báo chí chính thống khẳng định lại vị thế và niềm tin của người đọc.

Báo chí Việt Nam đứng đầu thế giới về tuyên truyền chống dịch

“Virus Corona lan ra khắp thế giới qua phóng xạ từ cột sóng 5G”, “Virus không thể lây lan ở những khu vực có nhiệt độ cao”… Đó chỉ là một vài trong nhiều thông tin không chính xác, chưa được xác minh, từng lan tràn chóng mặt trên mạng xã hội, các nền tảng điện tử toàn thế giới khi WHO công bố đại dịch.

Rất nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh Covid-19 kéo dài và gây ra hậu quả lớn để đưa tin giả về số người bị nhiễm/thiệt mạng, nguồn gốc của virus, xuyên tạc sang vấn đề chính trị gây hoang mang dư luận đến mức thế giới có cụm từ riêng là “infodemic” để mô tả thời điểm “đại dịch tin giả” này bùng phát.

Trong một thông điệp truyền tải qua video, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông trong việc “cung cấp thông tin và phân tích chính xác, khoa học và dựa trên sự thật” tới người dân. Ông Guterres đã phát động chiến lược truyền thông chống lại thuyết âm mưu và thông tin sai sự thật xung quanh dịch bệnh ngay từ tháng 3/2020. Theo quan điểm của ông, niềm tin của người dân với truyền thông là một trong những yếu tố quyết định thắng bại trong cuộc chiến chống virus này.

Và trong thành công bước đầu của cuộc chiến chống Covid-19 nói chung và chống tin giả thời dịch bệnh nói riêng, Việt Nam được coi là điển hình trên thế giới.

Tại đất nước hình chữ S, Bộ Công an đã phát hiện hàng loạt trang mạng, tài khoản Facebook… giả thông tin liên quan đến dịch Covid-19. Chẳng hạn, các trang mạng, blog chống đối như “tienbo”, “Dân làm báo VN”, các tài khoản Facebook “Nguyễn Văn Đài”, “Le Anh”, “Phạm Kenny”… đăng tải nhiều bài viết như: “Đại dịch vi khuẩn Vũ Hán”, “Rò rỉ sự thật về Wuhan Covid-19 ở VN: Bao nhiêu người đã bị nhiễm và tử vong?”, “VN: Ít ca nhiễm và không tử vong đã được giải mã”…, tung tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước gây hoang mang dư luận. Đồng thời, công kích, cáo buộc chính quyền “giấu dịch”, không công khai các ca tử vong do nhiễm Covid-19.

Giữa những thông tin rối ren, vai trò của báo chí chính thống, truyền thông chính xác ở nhiều nước như Việt Nam được đề cao hơn bao giờ hết, không chỉ mang đến những tin tức đúng đắn, khiến người dân an tâm và ổn định cuộc sống trong thời dịch mà còn giúp truyền đạt đầy đủ những chỉ đạo của Chính phủ đến người dân trong việc phòng chống dịch bệnh. Việc báo chí chính thống giành lại niềm tin, giá trị cốt lõi của mình càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh báo chí hiện đại phần lớn sống nhờ quảng cáo dựa trên tăng trưởng lượng truy cập và sự bùng nổ của mạng xã hội.

Đó chính là lý do vì sao báo chí Việt Nam được các tổ chức truyền thông thế giới và người dân sở tại đánh giá cao. Theo khảo sát mới nhất của Công ty phân tích dữ liệu toàn cầu YouGov về mức độ tin tưởng của người dân đối với hoạt động đưa tin về dịch bệnh của báo chí trên thế giới, Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu. Gần 90% người được hỏi tin tưởng vào những thông tin mà báo chí đăng tải liên quan tới dịch bệnh.

Tại Trung Quốc - nơi đang bị dư luận quốc tế chỉ trích và nghi ngờ vì đã thao túng báo chí để làm giảm mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh tại Vũ Hán, đặc biệt là số người tử vong, có 62% người được hỏi tin tưởng vào độ chính xác của truyền thông Trung Quốc về Covid-19.

Trong khi đó, ở các quốc gia phương Tây - nơi luôn tuyên truyền về tự do báo chí, mức độ tin tưởng lại được thể hiện ở mức khá thấp. Chẳng hạn, ở Đức có 54% người được hỏi đặt niềm tin vào báo chí; Tây Ban Nha: 50%, Mỹ: 42%, Italy: 38%, Anh: 31%, Pháp: 26%.

Cần những chính sách giúp báo chí tăng sức chiến đấu

img
Bảng thống kê của YouGo về mức độ tin tưởng của người dân với báo chí cho thấy Việt Nam đứng đầu với gần 90%

Nhiều chuyên gia trong ngành cảnh báo, những khó khăn do tình hình dịch bệnh như việc các doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu quảng cáo sẽ khiến hàng trăm tổ chức báo chí trên thế giới phải đóng cửa, đẩy hàng nghìn nhà báo vào cảnh thất nghiệp. Thực tế, đã có rất nhiều cơ quan báo chí trên khắp thế giới bị sụt giảm quảng cáo, buộc phải sa thải nhân viên. Một số tờ báo giấy dừng xuất bản hoặc chỉ còn cách hoạt động cầm chừng.

Trước những nỗi lo cơm áo của phóng viên và thâm hụt tài chính của các tòa soạn, trong một bài bình luận, Tổng biên tập tờ The Straits Times kiêm Chủ tịch Diễn đàn Biên tập viên Thế giới (WEF), ông Warren Fernadez chỉ ra một số ví dụ mà Chính phủ nhiều nước mới thực hiện để nâng cao vai trò của báo chí trong cuộc chiến tin giả về đại dịch Covid-19.

Trong đó, một số nước, chính phủ chủ động giãn thuế, cho vay ngắn hạn, hỗ trợ tài chính để giúp các tòa soạn chi trả lương cho nhân viên cũng như lùi thời hạn thanh toán các hóa đơn khác khi nguồn thu từ quảng cáo sụt giảm. Đan Mạch đã có gói hỗ trợ trị giá 25 triệu euro để cung cấp cho các tòa soạn bị sụt giảm lợi nhuận từ 30 - 50%.

Tại Lithuania, Nhà nước cũng đưa ra các khoản trợ cấp cho hạ tầng quan trọng như các cơ sở phát thanh truyền hình, in ấn. Tại Italy, Chính phủ đưa ra một số hỗ trợ về thuế cho các nhà quảng cáo như giảm tới 30% thuế đối với các khoản chi về báo chí.

Nhiều chính phủ chủ động tăng cường triển khai các gói truyền thông Nhà nước, đặt hàng các tòa soạn sản xuất các nội dung phục vụ chiến dịch tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác phòng chống bệnh dịch tới cộng đồng các thông tin liên quan tới dịch bệnh…

64 nhà báo thiệt mạng vì Covid-19

Tổ chức phi chính phủ Chiến dịch Báo chí Emblem (PEC) ước tính, có 64 phóng viên tại 24 quốc gia thiệt mạng vì Covid-19 tính đến ngày 5/5.

Riêng tại Nga, 5 nhà báo đã chết vì các nguyên nhân liên quan đến bệnh nhiễm trùng phổi sau khi mắc Covid-19. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 5, Liên minh Nhà báo Nga xác nhận, đã có khoảng hơn 200 chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông ở nước này bị ốm sau khi nhiễm virus Corona chủng mới.

Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm tới nhà báo, nhiều tổ chức thế giới bao gồm Unicef đã công bố hướng dẫn cụ thể tới các nhà báo như rửa tay thường xuyên, sát khuẩn các thiết bị như máy tính, máy ghi âm, máy ảnh, kính, đeo khẩu trang, hạn chế và giữ khoảng cách khi phỏng vấn trực tiếp…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.